T4, 16/09/2020 9:03 chiều | Duy An

Bão số 5 – Noul dự kiến gây mưa diện rộng cho các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi với lượng 200-300 mm, có nơi hơn 400 mm. Mưa tập trung từ chiều 17/9 đến đêm 18/9.

Chiều 16/9, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 5 (tên quốc tế Noul) cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.

Trong hai ngày 17-18/9, bão liên tục tăng tốc và sẽ đạt cường độ cực đại là cấp 12, giật cấp 15 khi chỉ còn cách đất liền các tỉnh Trung Bộ 100 km.

Chiều 18/8, bão có thể đổ bộ đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng với sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 13.

Hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn hơn 400 mm

Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, bão số 5 tăng cấp rất nhanh trong hai ngày tới. Trước thời điểm đổ bộ đất liền, bão gây mưa lốc và gió giật mạnh cho khu vực ven biển các tỉnh Trung Bộ.

Hiện, các cơ quan quốc tế có cùng dự báo về cường độ và khả năng đổ bộ của bão vào khu vực từ Quảng Bình đến Đà Nẵng. Với tốc độ di chuyển như hiện nay, cơ quan khí tượng nhận định bão sẽ áp sát vùng bờ biển các tỉnh Trung Trung Bộ vào khoảng trưa hoặc chiều ngày 18/9.

“Khi tiến vào khu vực đất liền nước ta, bão số 5 duy trì sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13”, ông Khiêm thông tin.

Dự báo đường đi của bão số 5 trên Biển Đông trong 2 ngày tới.

Trọng tâm bão đi vào được nhận định là 4 tỉnh thành: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng. Hoàn lưu bão rất rộng nên toàn bộ các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đều bị ảnh hưởng.

Chuyên gia khí tượng cũng cho biết ảnh hưởng của hoàn lưu bão sẽ gây ra một đợt mưa rất lớn cho khu vực Bắc và Trung Trung Bộ. Mưa lớn bắt đầu xuất hiện từ chiều 17/9 và kéo dài đến hết ngày 18/9. Dù thời gian mưa ngắn nhưng cường độ mưa lớn, nhiều nơi có thể ghi nhận lượng 200-300 mm, có nơi mưa trên 400 mm.

Bão số 5 còn có đặc điểm quét qua với tốc độ nhanh nên khả năng cao gây ra các hiện tượng cực đoan khi mưa trút xuống như lũ quét, sạt lở đất và ngập úng đô thị.

Lũ trên các sông được cảnh báo lên mức báo động 1, báo động 2. Ở ngoài khơi Trung Bộ, sóng biển có thể cao 5-7 m. Nếu bão đổ bộ vào thời điểm triều cường, nguy cơ về ngập úng và lũ quét sẽ diễn ra cực đoan hơn.

Lên phương án sơ tán 500.000 người

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 5 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, bão số 5 có thể đổ bộ vào đúng thời điểm thủy triều lên cao nhất nên sẽ có sức tàn phá lớn.

Hiện, các địa phương được chỉ đạo triển khai phương án quyết liệt nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. Tại Thừa Thiên – Huế, lực lượng chức năng đang hỗ trợ bà con thu hoạch lúa và kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển.

Với cường độ bão khi đổ bộ lên tới cấp 10-11, giật cấp 13, ông Hoài cho biết các địa phương đang xây dựng phương án sơ tán trên 100.000 hộ với 540.000 người. Đồng thời, các tỉnh thành nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão cũng sẵn sàng tình huống cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 5 trưa 16/9.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 5 trưa 16/9.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng – Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, yêu cầu trong bất kỳ tình huống nào cũng không được chủ quan.

Nhiệm vụ trước mắt cần tập trung là phải đảm bảo an toàn cho toàn bộ tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, đưa toàn bộ phương tiện và ngư dân trên thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm. Các địa phương phải kiểm đếm chặt chẽ, không được để bất kỳ người dân nào còn ở trên biển hoặc trên các lồng bè vào thời điểm bão đổ bộ.

Ngoài ra, Phó thủ tướng cho rằng Đà Nẵng và Quảng Nam còn đang chịu hậu quả của dịch bệnh Covid-19 nên công tác ứng phó với thiên tai đi kèm với phòng chống dịch bệnh cần phải được đặt lên hàng đầu.

Theo Zing

Bài viết cùng chuyên mục