T6, 18/03/2022 4:58 chiều | Duy An

Cho rằng mức giá bồi thường bằng 3 lần giá đất nông nghiệp là chưa thỏa đáng, 22 hộ dân tại huyện Nam Đàn vẫn chưa chịu nhận tiền đền bù?

Tòa soạn Pháp luật Plus nhận được phản ánh về việc nhiều hộ dân liên quan dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 15A vẫn chưa được bố trí nơi ở mới. Theo đó, các hộ dân này đang chờ UBND huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An giao đất tái định cư để ra làm nhà ở đồng thời bàn giao mặt bằng cho việc thi công Quốc lộ 15A.

Theo tìm hiểu của Phóng viên, nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ này xuất phát từ việc 22 hộ dân tại khối Bắc Thung, thị trấn Nam Đàn (Nam Đàn – Nghệ An) chưa chịu nhận tiền bồi thường, bàn giao diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại vùng Phân Làng để huyện thực hiện dự án chia lô đất ở tái định cư cho các hộ dân nói trên.

Dự án nâng cấp, mở rộng QL 15A bị ảnh hưởng tiến độ do vướng mắc trong công tác GPMB

Để có cái nhìn khách quan về lý do của sự việc, chúng tôi đã có các cuộc làm việc cùng đại diện các hộ dân, chính quyền địa phương. Trước thắc mắc của Phóng viên về lý do chưa nhận tiền đền bù dù Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của huyện Nam Đàn đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy định, một hộ dân cho biết: “Bên thị trấn cũng đã mời họp mấy lần rồi nhưng dân thấy mức giá chưa phù hợp nên chưa đồng ý. Theo như tôi biết, huyện giải phóng mặt bằng (GPMB) không chỉ để phục vụ tái định cư mà còn để phân lô đấu giá. Nếu như thu hồi làm đường hay làm các công trình Quốc phòng thì dân hoàn toàn đồng ý, đằng này đất này sẽ đấu giá tức là làm thương mại rồi nên mức giá đó là không được…”.

Còn theo một hộ dân khác thì cho rằng: “Về luật thì thu hồi đất là đúng. Ở đây dân chưa đồng tình vì huyện làm chưa đúng chưa phải không đúng. Lúc đầu việc thu hồi làm tái định cư chỉ cho 6 hộ tại đường 15A thôi nhưng nhà nước thu hồi tới hơn 13.000 m2. Như thế là quá lớn, phải chăng là đang thu hồi đất lúa để làm dự án bán đất? Bên cạnh đó, diện tích thu hồi lớn tập trung ở số ít hộ dân khiến dân mất đất sản xuất, cuộc sống khó khăn. Luật là đúng nhưng phải hài hòa lợi ích của người dân…”.

Lấy ví dụ về mức đền bù cao hơn mức Hội đồng bồi thường GPMB huyện Nam Đàn đưa ra, một hộ dân cho rằng: “Ngay cạnh khu vực thu hồi, dự án nhà máy Giày da Đỉnh Vàng bồi thường bằng 5 lần giá đất nông nghiệp cho dân chứ không phải là 3 lần như huyện đưa ra. Ngoài ra, được biết các hộ dân tái định cư còn phải trả cho nhà nước 1,2 tỷ đồng/ lô đất để được nhận đất làm nhà. Vậy đây có phải là nhà nước thu hồi đất để bán?”.

111
111Huyện Nam Đàn đã thực hiện đúng, đầy đủ trình tự theo quy định trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB

Trả lời câu hỏi của Phóng viên, đại diện Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của huyện Nam Đàn khẳng định: Đến thời điểm này, công tác bồi thường GPMB đã được Hội đồng thực hiện đúng trình tự theo quy định. Tuy nhiên, 22/22 hộ vẫn chưa chấp hành vì chưa thống nhất mức giá bồi thường bằng 3 lần giá đất.

Trước những thắc mắc của các hộ dân, đại diện Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của huyện Nam Đàn, phân tích: Ngay từ đầu việc cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án chia lô đất ở tại thị trấn Nam Đàn phục vụ Dự án nâng cấp QL 15A đã có. Theo dự kiến, quy hoạch Dự án tại vùng Phân Làng, khối Bắc Thung thị trấn Nam Đàn nhằm phục vụ tái định cư cho các hộ tại các dự án: nâng cấp, mở rộng QL 15A (dự kiến 12 lô), dự án đường tránh thị trấn Nam Đàn (dự kiến 6 lô), dự án xây dựng cầu qua sông Đào (dự kiến 2 lô), dự án mở rộng nút giao cắt Cầu Đòn (dự kiến 4 lô). Như vậy, theo quy hoạch 24/27 lô đất tại dự án sẽ được dùng để tái định cư cho các hộ dân, còn lại 3 lô là dự phòng cho các trường hợp phát sinh khác.

Về thông tin, các hộ dân thuộc diện di dời phải trả tiền để có đất tái định cư là có nhưng đúng quy định hiện hành. Bởi lẽ: Khi bị thu hồi, các hộ dân này đã được bồi thường diện tích thu hồi theo đúng quy định. Các hộ có nhu cầu sử dụng đất tái định cư thì được giao đất nhưng vẫn phải nộp tiền sử dụng đất theo đúng giá quy định hiện hành.

Liên quan đến mức giá đền bù bằng 3 lần giá quy định hiện hành, đại diện Hội Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của huyện Nam Đàn, khẳng định: Tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường (12/2021) áp dụng theo quy định tại Quyết định số 58/2015/QĐ-UBND ngày 13/10/2015 của UBND tỉnh và nay được thay thế tại Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND ngày 14/2/2022 thì mức bồi thường, hỗ trợ vẫn không thay đổi, cụ thể khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp người dân được bồi thường bằng 1 lần giá đất và 2 lần hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm việc làm (= bằng 3 lần giá đất). Đối với các tất cả các dự án thu hồi đất của nhà nước hiện hành trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ được thực hiện bằng 3 lần giá đất. Không có trường hợp ngoại lệ nên huyện không thể làm khác.

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung đã thực hiện nhiều dự án và mức giá đền bù bồi thường GPMB đã được quy định rõ tại Nghị định 47/2014/NĐ-CP năm 2014. Tại Nghệ An, việc bồi thường được căn cứ theo Quyết định số 58/2015/QĐ.UBND ngày 13/10/2015 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành theo Quy định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn. Tại sự việc này, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của huyện Nam Đàn đang thực hiện mức bồi thường bằng 3 lần giá đất. Điều này là đúng các quy định hiện hành.

275637228_716319282875323_5161659393215388423_n
Diện tích thu hồi là đất sản xuất nông nghiệp của các hộ dân

Theo tìm hiểu, đối với các dự án tại Nghệ An như: Dự án Khu du lịch văn hóa thuộc ”Khu Di tích Quốc gia đặc biệt khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại xã Kim Liên với quy mô 45 ha hay dự án xây dựng trụ sở Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 7 Nghệ An cũng tại xã Kim Liên… người dân đều được nhận bồi thường mức giá bằng 3 lần giá đất. Hay như đối với hơn 700 ha đất thu hồi để thực hiện cao tốc Bắc – Nam thì người dân cũng chỉ được áp dụng mức giá này.

Như vậy, việc Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của huyện Nam Đàn đền bù với mức giá bằng 3 lần giá đất là đúng với các quy định hiện hành. Để đảm bảo tiến độ, ổn định cuộc sống của người dân phải di dời rất mong có sự chia sẻ, thấu hiểu đồng hành cùng chính quyền sở tại. Tránh việc cơ quan chức năng phải thực hiện “giải pháp cuối cùng” – cưỡng chế thu hồi đất (theo Điều 71, Luật Đất đai) gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương.

Tác giả: Nguyễn Nam

Nguồn tin: phapluatplus.vn

Bài viết cùng chuyên mục