T3, 03/05/2022 5:20 chiều | Duy An

Hàng trăm người dân bị ảnh hưởng ngập lụt ở khu vực hồ Vực Mấu phải di dời đến khu tái định cư mới. Thế nhưng, hơn 10 năm nay, khu tái định cư cho người dân không ai dám đến ở.

Khu tái định cư 10 năm không… bóng người

Năm 2010, hàng chục hộ dân ở khu vực hồ Vực Mấu và sông Mai Giang tại hai xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu, Nghệ An), xã Quỳnh Trang (nay thuộc thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cứ mỗi mùa mưa lũ lại bị nước dâng cao, gây ngập lụt, ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng người dân nơi đây.

Trước nguy cơ đó, UBND huyện Quỳnh Lưu đã xây dựng dự án khu tái định cư (KTĐC) để di dời các hộ dân vùng ngập lụt nói trên đến nơi ở mới được an toàn hơn. Cả 2 xã có hơn 110 hộ cần phải di dời. Tổng diện tích KTĐC gần 10 ha chia đều tại 2 xã. Sau hơn hai năm xây dựng, 2 KTĐC khá khang trang rộng rãi tại xã Quỳnh Thắng và Quỳnh Trang cơ bản hoàn thành hạ tầng gồm đường, mương thoát nước, điện, nhà văn hóa cộng đồng…

Khu tái định cư tại xã Quỳnh Trang và xã Quỳnh Thắng đến nay hơn 10 năm vẫn không có hộ dân nào đến ở.
Vì sao người dân vùng khó khăn từ chối đến ở khu tái định cư tiền tỷ? - 2
Hệ thống mương nước đã làm nhưng đến nay bị hư hỏng.

Mục tiêu của hai KTĐC này sẽ bố trí cho hơn 110 hộ dân với 300-600 m2 đất ở/hộ, cùng 10-20 triệu đồng hỗ trợ di dời. Thế nhưng, đến nay hai KTĐC này vẫn bỏ hoang, chưa có hộ dân nào đến sinh sống dù đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để làm hạ tầng.

“Các chú thấy đó, KTĐC này nay trở thành nơi chăn bò, tập kết vật liệu… Người dân được tái định cư họ không mặn mà lên đây ở đâu, vì không có quỹ đất để phát triển kinh tế”, một người dân sống gần KTĐC xã Quỳnh Trang chia sẻ.

Dân quyết bám nơi ở cũ

Qua tìm hiểu được biết, việc xây dựng 2 KTĐC tại xã Quỳnh Trang và Quỳnh Thắng được khảo sát, tham vấn ý kiến cộng đồng, người dân đã nhất trí di dời. Sau khi các KTĐC cơ bản hoàn thành, chính quyền địa phương vận động các hộ dân di chuyển đến ở. Tuy nhiên, khi người dân đến “tham quan” thì phát hiện có quá nhiều bất cập nên đồng loạt làm đơn xin không đến KTĐC mà bám trụ lại nơi cũ.

Vì sao người dân vùng khó khăn từ chối đến ở khu tái định cư tiền tỷ? - 3
KTĐC trở thành nơi chăn thả trâu bò của người dân địa phương.
Vì sao người dân vùng khó khăn từ chối đến ở khu tái định cư tiền tỷ? - 4
Một góc KTĐC xã Quỳnh Trang đang ngổn ngang đất đá chưa xong.

Bà Văn Thị Quý (SN 1962), trú xóm 5, xã Quỳnh Trang, là một trong số hàng chục hộ thuộc diện di dời đến KTĐC. Đến nay, vợ chồng bà vẫn bám trụ tại nơi ở cũ cùng nhiều hộ dân khác. Theo bà Quý, gia đình không muốn di dời là do đất KTĐC chưa bằng 1/5 nơi ở cũ.

“Đất ở KTĐC được bố trí ít so với chỗ cũ của chúng tôi. Không những vậy, đất ở KTĐC cằn cỗi, sỏi đá và đặc biệt là số tiền hỗ trợ để di dời được 10 triệu đồng là quá ít. Với 10 triệu đồng này thì làm được gì khi mà đồ đạc gia đình tôi phải di chuyển cũng lên cả trăm triệu. Mặc dù biết khi mùa mưa lũ về, nước dâng lên nguy hiểm, nhưng thú thật đến KTĐC mà không có đất sản xuất thì chỉ có nước chết đói thôi”, bà Quý buồn bã chia sẻ.

Vì sao người dân vùng khó khăn từ chối đến ở khu tái định cư tiền tỷ? - 5
Theo bà Văn Thị Quý, chính sách hỗ trợ cho người dân lên KTĐC là quá thấp, đất phân bổ cũng quá ít nên không thể chuyển đến.

PhátBật âm thanhThời gian hiện tại 0:00/Độ dài 1:10Đã tải: 45.24% Toàn màn hìnhCài đặt

Khu tái định cư được triển khai nhưng dân không đến ở vì lo chỉ có… “nước chết”.

Quá trình tìm hiểu PV Dân trí ghi nhận nguyên nhân chính là việc diện tích đất được bố trí tại KTĐC ít hơn nơi đang ở, số tiền hỗ trợ di dời thấp và chưa có nước sạch.

Ông Hồ Khắc Kiên, trú xóm 5, xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu cho biết: “Trước đó tôi cũng như nhiều gia đình khác nằm trong vùng có nguy cơ ngập lụt xin được di dời đến ở KTĐC, song diện tích đất được cấp quá ít so với khu đất của gia đình nên chúng tôi không chuyển đến nữa”, ông Kiên chia sẻ.

Đó cũng là thực trạng chung của hơn 110 hộ dân tại 2 xã nói trên. Việc người dân không di dời về các KTĐC cũng khiến chính quyền sở tại khá đau đầu.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Nga – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu – cho biết, toàn xã có 45 hộ bị ảnh hưởng của hồ Vực Mấu nằm trong diện phải di dời. Tuy nhiên, đến nay KTĐC đã xong nhưng chưa có bất kỳ một hộ dân nào đến nơi ở mới.

Vì sao người dân vùng khó khăn từ chối đến ở khu tái định cư tiền tỷ? - 6
Một số hộ dân ở khu vực hồ Vực Mấu thuộc diện di dời cho biết họ đang có đất đai nhiều, màu mỡ, ổn định phát triển kinh tế. Trong khi đó, lên KTĐC mới không có quỹ đất tốt nên khó phát triển.

“Hiện nay, hạ tầng cho KTĐC đã hoàn tất nhưng không có hộ dân nào đến. Người dân cho rằng, một số chính sách hỗ trợ là quá ít. Đặc biệt, khi đến nơi ở mới phải bàn giao toàn bộ đất cho Nhà nước, họ thấy thiệt nên không đi nữa. Vì đất nơi ở mới ít hơn so với chỗ cũ, họ thấy thiệt nhiều quá nên hầu hết các hộ dân nằm trong diện tái định cư đã làm đơn không đi nữa…”, ông Lê Văn Nga chia sẻ.

Còn ông Lê Đăng Thăng – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang – cho biết đã nhiều lần vận động người dân di dời về KTĐC nhưng họ không đồng ý cũng bởi các lý do đất ít, khó canh tác, tiền hỗ trợ di dời thấp, một số hạng mục chưa hoàn thành.

“Hiện chúng tôi kiến nghị UBND huyện Quỳnh Lưu cho chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc đấu giá đất ở tại khu TĐC này, nhưng không được chấp nhận vì trái quy định”, ông Thăng cho biết.

Vì sao người dân vùng khó khăn từ chối đến ở khu tái định cư tiền tỷ? - 7
Khu tái định cư tại xã Quỳnh Trang trở thành nơi cho nhiều tài xế quay đầu xe…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu – cho biết, dự án di dời dân ngập lụt tại 2 xã Quỳnh Thắng và Quỳnh Trang là chủ trương đúng, phù hợp với thực tế thời điểm đó. Đến nay, do nhiều nguyên nhân nên dân không chuyển đến sinh sống.

“Hiện tại dự án KTĐC ở 2 xã nói trên đang tạm dừng do chưa vận động được các hộ dân bị ảnh hưởng hồ Vực Mấu đến ở. Người dân cho rằng, chính sách hỗ trợ di dời nhà cửa là quá thấp (một hộ khoảng 20 triệu đồng), trong khi đó đến nơi ở mới phải làm lại nhà cửa là quá cao. Bên cạnh đó, cuộc sống họ bị xáo trộn quá nhiều thứ, chúng tôi cũng đã động viên, làm văn bản nhưng các hộ dân quyết không đi nữa”, ông Nguyễn Xuân Dinh cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Dinh, để tránh lãng phí quỹ đất, huyện Quỳnh Lưu đang trình tỉnh Nghệ An nhằm xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng để đấu giá. Số tiền thu về nộp vào ngân sách, trả lại cho dự án…

Tác giả: Nguyễn Phê

Nguồn tin: Báo Dân trí

Bài viết cùng chuyên mục