T4, 21/10/2020 8:22 chiều | Duy An

Trâu bò, lợn gà trôi hết theo dòng nước lũ, nước lên quá nhanh khiến người dân không kịp trở tay. Nơi tâm lũ Cẩm Duệ, khắp nơi là tiếng khóc nghẹn ngào của người dân bỗng trắng tay sau một đêm…

Nước mắt nơi tâm lũ - 1
Hàng nghìn nhà dân tại huyện Cẩm Xuyên đang chìm trong biển nước

Trong ngày hôm nay (21/10), mưa đã ngớt, nước cũng đã rút dần nhưng hàng ngàn hộ dân tại các xã Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Mỹ… của huyện Cẩm Xuyên và các xã Thạch Xuân, Tân Lâm Hương… của huyện Thạch Hà vẫn bị cô lập, nước đang ngập sâu hơn 1m

Có mặt tại xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, nơi được xem là một trong những địa phương ngập sâu nhất, là vùng tâm lũ, chúng tôi chứng kiến những tuyến đường bị chia cắt hoàn toàn. Để đi vào các thôn trong xã chỉ có phương tiện duy nhất là thuyền.

Nước mắt nơi tâm lũ - 2
Phương tiện đi lại duy nhất là thuyền

Nhiều nhà dân nước bắt đầu rút ra khỏi nhà, người dân cũng tranh thủ lấy nước lũ để dọn dẹp đống bùn đất. Nhưng nhiều gia đình nước vẫn ngập sâu 1 đến 2m. Đồ đạc ngâm trong nước lũ, bùn đất, nhiều gia đình bỗng trắng tay sau một đêm.

Nước mắt nơi tâm lũ - 3
Nước mắt nơi tâm lũ - 4
Ông Nhung bật khóc khi tài sản trong gia đình đã trôi theo dòng nước lũ

Vừa đi vừa khóc, ông Nguyễn Huy Nhung (55 tuổi, thôn 2, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) bất lực nhìn tài sản trong nhà trôi theo dòng nước lũ. Ông chỉ kịp đưa con lợn nái vào trong nhà tránh lũ và đó cũng là tài sản duy nhất ông giữ lại được.

“Nhà được 1 con trâu đực để sản xuất nhưng lũ cuốn mất rồi, 2 tấn lúa, rồi gà vịt cũng bị chìm trong nước, bị cuốn trôi. Nước lũ cuốn trôi hết cả rồi chú ơi”, ông Nhung nghẹn ngào.

Chị Lê Thị Hường (Cẩm Duệ) bật khóc khi nhận được thức ăn và nước uống. Gia đình chị Hường bị lũ cuốn trôi 7 con lợn và đàn gà

Nhà ông Nhung có 4 người con đang làm ăn trong miền Nam, vợ ông cũng vào chăm cháu được hơn 1 tuần thì lũ về. Ở nhà chỉ mình ông nên khi lũ về không kịp xoay xở.

“Lũ lên nhanh lắm. Chỉ sau mấy tiếng thì nước lũ đã bao vây toàn thôn, tôi chỉ kịp dắt con lợn vào nhà rồi leo lên gác để trú” – ông Nhung nói trong nước mắt.

Anh Phan Thanh Hà (50 tuổi thôn Tân Mỹ, xã Cẩm Duệ) vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến cơn lũ lịch sử.

“Lụt năm 2010 được xem là lịch sử nhà bị ngập hơn 1,5m nhưng cơn lũ này còn khủng khiếp hơn. Nhà tôi bị ngập gần 3m. Nước lũ thì lên nhanh, dân chúng tôi chẳng kịp phản ứng gì”, anh Phan Thanh Hà cho biết.

Anh Nguyễn Huy Cường (38 tuổi ở thôn 2 Cẩm Duệ) ngồi thất thần trên mái nhà. Suýt chút nữa anh đã mất đi 2 người con 10 tuổi và 2 tuổi.

“Nước lũ dâng quá nhanh, tôi đang dọn đồ đạc lên gác thì 2 đứa con bị sụp vào hố sâu. May tôi phát hiện kịp thời chạy ra cứu 2 con vào. Nghĩ lại tôi vẫn thấy sợ, suýt chút nữa tôi đã mất 2 người con”, anh Cường bần thần nói.

Xã Cẩm Duệ đã bị nước lũ bao vây và cô lập hoàn toàn từ 2 hôm nay. Nhiều gia đình không kịp chuẩn bị đã rơi vào tình trạng thiếu thực phẩm và nước uống. Do nước lũ ngập sâu nên việc tiếp tế lương thực, nước uống gặp rất nhiều khó khăn.

Nước mắt nơi tâm lũ - 6
Người dân chèo thuyền để kéo xác trâu bò chết lũ về

Trong sáng nay (21/10) nước lũ đã rút dần nên nhiều đoàn cứu trợ đã bắt đầu tiếp cận được để tiếp tế lương thực và nước uống. Nhìn những cụ bà, trẻ em ngấu nghiến ăn những miếng xôi, ai cũng nghẹn ngào thương cảm.

“Cảm ơn các chú rất nhiều, mấy ngày nay cuộc sống của người dân chúng tôi rất khó khăn, lương thực nước uống hầu như không có” – cụ bà Nguyễn Thị Hoa vui mừng cầm nắm xôi được đoàn cứu trợ trao nói.

Cẩm Duệ có 12 thôn thì có đến 11 thôn với 2.100 hộ đang ngập sâu trong nước, trong đó có 1.800 hộ đang ngập sâu gần 2m khiến nhiều hộ đang mắc kẹt. Đến sáng nay, nước đã rút khoảng 80cm so với ngày hôm qua.

Nước mắt nơi tâm lũ - 7
Anh Hà chỉ lên mức nước bị ngập vào nhà anh
Nước mắt nơi tâm lũ - 8
Lúa trôi theo dòng nước lũ
Nước mắt nơi tâm lũ - 9
Nước mắt nơi tâm lũ - 10
Ngổn ngang sau lũ

Theo thông tin từ BCH PCTT&TKCN tỉnh, trận mưa lũ lịch sử đã khiến 90 xã bị ngập với 31.000 hộ/105.373 người. Trong đó những địa phương bị ngập nặng như huyện Cẩm Xuyên 19 xã (13.393 hộ/43.028 người); huyện Thạch Hà 17 xã (10.588 hộ/42.232 người); TP Hà Tĩnh 14 xã, phường (2.300 hộ/4.950 người) và huyện Lộc Hà 11 xã (3.430 hộ/10.745 người)…

Nước mắt nơi tâm lũ - 11
Người dân chèo thuyền ra nhận thức ăn và nước uống

Hiện nay, dù mưa đã ngớt, hồ Kẻ Gỗ đã giảm lưu lượng xả nhưng nước lũ vẫn rút rất chậm. Công tác cứu hộ, tiếp tế lương thực, nước uống cho người dân đang được các cơ quan chức năng, đoàn thể khẩn trương thực hiện.

Tác giả: Xuân Sinh – Nguyễn Tú

Nguồn tin: Báo Dân trí

Bài viết cùng chuyên mục