T2, 02/11/2020 3:27 chiều | Duy An

Cầu Bến Hàng dài 40m, rộng 10m, có tổng mức đầu tư gần 14 tỷ đồng bằng vốn ngân sách. Cầu Bến Hàng cũ phá xong, người dân xã Văn Thành (Yên Thành, Nghệ An) rất bức xúc vì không có cầu tạm để các cháu học sinh đến trường trong mùa mưa lũ này.

Cầu Bến Hàng gắn bó hàng chục năm qua với người dân xã Văn Thành, Hậu Thành, Phúc Thành, Lăng Thành… nay đã trở thành ký ức

Dự án được UBND tỉnh Nghệ An đưa vào nhóm “công trình cấp thiết” từ năm 2019, được khởi công thứ 7 tuần trước. Cây cầu này nối 2 vùng dân cư của xã Văn Thành, trên trục giao thông từ trung tâm huyện Yên Thành đi các xã Hậu Thành, Phúc Thành, Lăng Thành… Cầu xây dựng đã lâu, chỉ 1 làn xe ô tô qua lại. Tuy nhiên, với người dân xã Văn Thành, Hậu Thành, Phúc Thành thì đây là “công trình trọng yếu” của tuyến giao thông nêu trên.
Sau khi bố trí được nguồn vốn, UBND tỉnh Nghệ An giao cho UBND huyện Yên Thành làm chủ đầu tư. Qua đấu thầu trên mạng Internet, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Anh (có địa chỉ tại: Số 459 đường Phủ Quỳ, phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An do ông Nguyễn Hùng Núi là giám đốc) đã thắng thầu. Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Anh ra đời ngày 10/01/2014 nhưng được giới nhà thầu xây dựng đánh giá là năng động và đã trúng thầu nhiều công trình lớn nhỏ tại Nghệ An.

Phá  xong cầu cũ, nhà thầu đã ngăn bằng tôn để đảm bảo an toàn cho người dân

Dự án Công trình cầu Bến Hàng với tổng mức đầu tư gần 14 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp là 10,2 tỷ đồng, được đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách nhà nước. Theo tiến độ, năm 2019 dự án này được đưa vào danh mục “công trình cấp thiết” mà nay đã được bố trí vốn và khởi công là rất nhanh so với rất nhiều công trình “cấp thiết” khác. Tuy nhiên, ngay sau khi khởi công, dự án đã gây ra bức xúc cho rất nhiều người dân xã Văn Thành và vùng lân cận.
Sau khi nhận được phản ánh của người dân xóm Hòa Sơn (xóm 4 và xóm 5 trước đây hợp nhất lại) của địa phương, phóng viên Tạp chí Người Xây dựng đã liên lạc với ông Nguyễn Quế Lịnh- Chủ tịch UBND xã Văn Thành để xác minh thông tin. Ông Lịnh cho biết: “Công trình này đã được địa phương bàn giao mặt bằng cho nhà thầu khoảng 1 tháng nay. Cầu Bến Thành cũ được nhà thầu phá dỡ vào ngày 24/10. Sau khi cầu cũ bị phá, người dân không thấy nhà thầu làm cầu tạm cho họ đi lại, đặc biệt là các cháu học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đến trường, nên họ rất bức xúc”.

Trước đây, từ xóm Hòa Sơn đến trường Mầm non, Tiểu học hay THCS hoặc UBND xã, chỉ khoảng 500m, nay phải đi xa gấp 10 lần

Theo phản ánh, chỉ riêng xóm Hòa Sơn, có khoảng 400 hộ dân qua lại thường xuyên trên cây cầu này. Bây giờ, họ phải đi vòng mỗi lượt từ mố cầu bên này sang mố cầu bên kia phải tới 5km. Những bố mẹ có con học mầm non, mỗi ngày phải đi lại 4 lần với khoảng cách mới là 20km thay vì 2km trước đây. Cha mẹ các cháu học sinh tiểu học phải đi lại 8 lần/ngày với tổng chiều dài 40km. Nhiều học sinh do cha mẹ đi làm xa, phải nhờ người đưa con đi học, rất phức tạp.
Bên cạnh đó, phía bờ Nam cầu Bến Hàng là “chợ cóc”, người dân xóm Hòa Sơn quen mua thức ăn ở đây, nay phải qua “chợ cóc” của các xã Hậu Thành, Phúc Thành nên cũng rất phiền toái. Tiểu thương ở 2 đầu câu cầu này cũng bị thất thu từ khi dự án khởi công.

Phương án làm cầu tạm bên cạnh cầu mới đang thi công là rất khó vì cả 2 phía, nhà dân xây dựng sát với mép cầu mới

Nhận được phản ánh, chiều ngày 30/10 ông Phan Huy Hải- Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Yên Thành đã về kiểm tra, làm việc với UBND xã Văn Thành. Ông Hải cho biết, không có cầu tạm, không phải là lỗi của nhà thầu, mà do thiết kế không có. Nguyên nhân là do tại hiện trường, không thể thiết kế được cầu tạm vì sát 2 mố cầu (bờ Bắc và bờ Nam), người dân đã làm nhà kiên cố, không thể “mượn” đất của họ. Để giải quyết tình thế, vừa qua nhà thầu đã sửa tạm tuyến đường vòng lên phía Tây nhưng người dân phàn nàn là “đi vòng quá xa” nên Ban đang bàn với xã Văn Thành tận dụng cây cầu hiện có phía sau trường Tiểu học xã Văn Thành để cho các cháu học sinh xóm Hòa Sơn đến trường. Phương án này hiện nay chưa nhận được sự ủng hộ của Hiệu trưởng nhà trường, vì sợ người dân đi lại nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc học của các cháu. Tuy nhiên, nếu không có phương án nào khả thi hơn thì đây là giải pháp bắt buộc.

Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Anh đổ “đá bây” khắc phục tuyến đường tạm thay vì làm cầu tạm

Ông Phan Thanh Hà- Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành khẳng định: “Nếu làm thêm cầu tạm sẽ phát sinh thêm tiền, mà tiền ngân sách là tiền của dân, không được lãng phí. Muốn có cầu mới, mọi người dân chúng ta phải cùng chia sẻ, không nên vì những bất tiện tạm thời mà bỏ ra mấy tram triệu đồng tiền của dân để làm cầu tạm, rồi sau đó lại phá bỏ đi”. Đề cập về năng lực nhà thầu, ông Hà nhận xét: “Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Anh là 1 trong những doanh nghiệp mạnh, có uy tín. Với thời gian và biện pháp thi công được khẳng định trong hồ sơ đấu thầu là 12 tháng, chắc chắn Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Anh sẽ đáp ứng được”.
Ông Hà cho rằng, do thiết kế không có cầu tạm tại vị trí thi công, do vậy phương án tận dụng cay cầu sau trường Tiểu học Văn Thành để phục vụ các cháu đi học là cần thiết. Tuy nhiên, để khắc phục băn khoăn của lãnh đạo nhà trường, Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Yên Thành cần trích một phần tiền trong số ngân sách “dự phòng” của dự án để mua tôn, làm tường ngăn để khi người dân đi lại theo lối này không ảnh hưởng đến việc học của các cháu.

Tác giả: Khánh Sơn – Nguyễn Công

Nguồn tin: nguoixaydung.com.vn

Bài viết cùng chuyên mục