T2, 27/07/2020 9:50 sáng | Duy An

Bị địch bắt trong một trận chiến đấu ác liệt rồi bị tra tấn dã man bằng nhiều kiểu quái dị trong nhà tù. Tưởng ông chết, bọn địch chúng vứt xác ông ra bãi cát. Bạn tù cũng nghĩ là ông đã chết, tìm cách báo về đơn vị, đơn vị báo tử về gia đình, kèm theo bằng Tổ quốc ghi công. Thế nhưng, trong đêm sương lạnh, ông tỉnh lại, được bạn tù cứu sống. Xét thành tích, chiến công của ông, năm 2012, Chủ tịch nước đã có quyết định phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho ông.tldmmcmvacc

tldmmcmvacc

CCB, AHLLVTND Nguyễn Văn Tiến chăm sóc vườn Phong Lan gia đình.

Người Anh hùng đó là Nguyễn Văn Tiến, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, năm nay vừa tròn 70 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng. Năm 1967, ông nhập ngũ, biên chế vào Đoàn 126 Đặc công, thuộc Bộ Tư lệnh Hải Quân. Do cuộc chiến tranh của Đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt, đơn vị của ông tham gia nhiều trận đánh từ hậu phương miền Bắc, đến thành cổ Quảng Trị; Bán Đảo Sơn Trà, rồi đánh các hạm đội của Mỹ… Đặc biệt, các trận đánh hạm đội Mỹ có trang bị hiện đại, có nhiều tầng bảo vệ, được xem là gay go, ác liệt nhất, những người tham gia đều được đơn vị làm lễ được truy điệu sống. Ông kể: Tháng 1/1970, trong một trận đánh ác liệt, ông bị thương, bị địch bắt. Để khai thác thông tin, bọn địch ra sức cứu chữa, tra tấn, dụ dỗ, đe doạ nhưng không khai thác được gì, chúng đưa ông ra giam ở nhà tù Phú Quốc. Nơi đây được mệnh danh là địa ngục trần gian. Ai bị đưa ra đây thì không mong có ngày về. Bọn địch xem Nguyễn Văn Tiến là mắt xích quan trọng, chúng tra tấn cực kỳ dã man, không từ một thủ đoạn nào. Ông chịu đựng mọi cực hình tra tấn, nhiều lần chết đi sống lại, nhưng vẫn một mực trung kiên, thà chết chứ không đầu hàng giặc. Không khai thác được gì, chúng giam ông vào chuồng cọp, bị phơi nắng, phơi sương, nhịn ăn, nhịn uống, bị tra tấn nhiều kiểu quái dị, đến ngày thứ 3 thì ngất. Tưởng ông chết, bọn chúng vứt xác ông ra bãi cát. Bạn tù cũng nghĩ là ông đã chết, tìm cách báo về đơn vị, đơn vị báo tử, kèm theo Bằng Tổ Quốc ghi công, ghi rõ Liệt sỹ Nguyễn Văn Tiến đã hy sinh, gửi về địa phương. Địa phương nhận được giấy báo tử đã làm lễ truy điệu. Đêm sương lạnh, ông tỉnh lại, được bạn tù cứu sống. Đến năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, những chiến sỹ cộng sản ở nhà Phú Quốc được trao trả, được trở về với đồng bào, đồng chí, gia đình trong niềm vui vô hạn, nhưng trên cơ thể ai cũng bầm dập, ốm yếu, thương tật, da bọc xương. Ông Nguyễn Văn Tiến bị vết thương sọ não, liệt nửa người bên trái, cùng nhiều vết thương bị tra tấn ở các nhà tù. Ông và đồng đội được Đảng, Nhà nước quan tâm chữa trị vết thương, điều trị bệnh tật và cho đi điều dưỡng ở những cơ sở tốt nhất. Năm 1977, sức khỏe ổn định, ông xin về gia đình, tham gia công tác ở địa phương, được tín nhiệm cử làm Phó ban Tuyên giáo Đảng uỷ, Trưởng ban Văn Hoá- Thông tin xã Thanh Quang.

 

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cán bộ xã, ông còn tích cực vận động các cựu chiến binh địa phương thành lập Hội hỗ trợ gia đình Liệt sỹ xã Thanh Quang. Hội do ông phụ trách công tác đối ngoại, trong 3 năm (2015-2018) đã vận động xã hội hoá được nhiều nguồn kinh phí phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập, cất bốc cho hàng chục liệt sỹ tại quê nhà, giảm bớt khó khăn cho các gia đình chính sách.

 

Cũng từ khi trở về địa phương, bên cạnh việc tích cực tham gia công tác xã hội, ông còn hăng say làm kinh tế, nâng cao đời sống gia đình và giúp đỡ đồng đội còn nhiều khó khăn. Năm 1998, ông cùng một số đồng đội gom góp vốn thành lập Câu lạc bộ Hoa Phong Lan, thuộc Hội Sinh vật cảnh huyện Nam Sách. Ông là Thường vụ Hội Sinh vật cảnh huyện, trực tiếp phụ trách Câu lạc bộ Hoa Phong Lan xã Thanh Quang với gần 40 hội viên, hầu hết là Cựu Chiến binh, Người cao tuổi. Đến nay, gia đình ông có dàn Phong Lan 45m2 (hai tầng) với hơn 200 giò Phong Lan thuộc dòng cao cấp, quý, hiếm, 5 cánh trắng, được lấy giống từ Sapa, Tuyên Quang và từ Thái Lan… khách đặt mua qua mạng, giá rất cao, bình quân từ 1,2-1,5 triệu đồng/giò, cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm. Được ông động viên, giúp đỡ về kỹ thuật, về giống, tiêu thụ… nhiều hội viên có thu nhập 300-350 triệu đồng/năm . Vào dịp Tết Nguyên đán, có gia đình hội viên thu hàng 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho lao động gia đình, có thu nhập ổn định.

Tuy tuổi cao, lại là thương binh 1/4 nhưng Cựu Chiến binh, Anh hùng Nguyễn Văn Tiến vẫn luôn rèn luyện sức khoẻ, nhiệt tình, tâm huyết với đồng đội, với nhân dân và xã hội. Ông thật xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Đào Thị Tròn – Nguồn: http://www.quankhu3.vn/

Bài viết cùng chuyên mục