T5, 05/12/2019 7:13 chiều | Duy An

Nằm gần trung tâm xã Thanh Hưng (huyện Thanh Chương, Nghệ An) nhưng đình làng Chợ Rạng có tuổi đời hàng trăm năm đang bị lãng quên. Với kiến trúc độc đáo, nơi đây từng là chốn tụ hội, sinh hoạt văn hóa của nhân dân xã Thanh Hưng. Nhưng cho đến nay Đình chợ Rạng vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm tu bổ, tôn tạo dẫn tới việc ngôi đình chứng tích lịch sử ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Đình chợ Rạng (Xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An)

Chứng nhân cuộc “Binh biến Đô Lương”

Theo cuốn lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Hưng Đình chợ Rạng có tuổi đời hơn 150 tuổi, được nhân dân trong vùng lập nên để thờ cúng Thành Hoàng. Hiện trên đình vẫn còn sót lại một số ít dòng chữ Nho như: Hoàng Triều Tự Đức vạn vạn niên; Tân Vị; Qúy Đông kinh thủy; Thành Thái; Ất Mùi; Trọng Xuân Thiện Tập; Qúy Hạ hoàn thành. Điều này có nghĩa là: “Đình được xây dựng vào tháng 12 ăm 1861 và được hoàn thành vào năm 1862, sau một thời gian xây dựng đình bị hư hỏng nên đến tháng 12/1895, nhân dân làng Thọ Sơn tổ chức tu tạo lại đình và đến tháng 6/1895 thì hoàn thành”.

Như vậy về lịch sử thì ngôi đình có tuổi đời lâu thuộc loại nhất nhì trên địa bàn huyện sau ngôi đình Võ Liệt. Sau này, để phục vụ cho công trình thủy lợi rồi xây dựng hợp tác xã nông nghiệp nên đình được dỡ về nhà kho. Khi hợp tác xã giải thể, đình được di dời về cách chỗ cũ  15m và hướng được chuyển thành như vị trí ngày nay.

Theo ghi chép lịch sử thì Đình chợ Rạng từng là nơi chứng kiến nhiều cuộc tra tấn dã man của thực dân Pháp đối với các chiến sỹ cách mạng năm 1930 và cũng là nhân chứng còn lại cuộc Binh biến Rạng (Đô Lương) vào ngày 13/01/1941 của ông Nguyễn Văn Cung (hay còn gọi là Đội Cung). Đêm 13/1/1941, từ đồn Chợ Rạng, Đội Cung cùng binh lính nổi dậy bạo động, đánh chiếm đồn Đô Lương, rồi tiến về Vinh phối hợp với binh lính ở đây chiếm trại Giám binh thành Nghệ An. Binh biến Rạng – Lường đã bị đàn áp khốc liệt, Đội Cung và một số đồng sự của ông đã bị thực dân Pháp xử tử, nhưng tinh thần yêu nước của họ thì vẫn sáng ngời. Đình cũng là nơi đầu tiên của tổng Đại Đồng chứng kiến giây phút lịch sử giành chính quyền.

Bên trong ngôi đình được xây dựng với 5 gian nhà, bằng gỗ lim…


Một phần ngói của ngôi đình đã bong tróc, xuống cấp

Nhân chứng lịch sử xuống cấp nghiêm trọngTheo quan sát của PV, sau hơn 150 năm tồn tại, do di chuyển, nắng mưa gió bão, không được quan tâm, tôn tạo… đình Chợ Rạng đã xuống cấp nghiêm trọng ngôi Đình được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, lợp ngói vảy, cột, kèo, xà, hạ được chạm trổ, điêu khắc rất tinh vi. Đình chợ Rạng nằm ngay sát bờ sông Lam, một bên là đường quan xưa đi. Nhưng theo người dân cho biết thì đã từ rất lâu ngôi đình không được quan tâm tu sửa lần nào, xung quanh cây cối dại mọc um tùm, nhiều lúc trâu bò của các hộ dân vẫn vào trú ngụ gây mất cảnh quan.

Hiện nay phần mái đã hư dột nhiều, dấu vết xuống cấp hiện diện khắp nơi, các đỉnh cột mặc dù bằng gỗ lim nhưng đã bắt đầu mục, các kết cấu gỗ không còn vững, nhiều xà gỗ đã bị mối xông lên, không những vậy môi trường xung quanh bị ô nhiễm do các chất thải từ chợ Rạng thải ra. Nếu không tu bổ kịp thời, chắc không bao lâu nữa, đình Chợ Rạng sẽ đổ sập là điều tất yếu.

Nhiều năm nay, người dân nơi đây hy vọng, các cơ quan, ngành chức năng sẽ quan tâm, tu bổ cũng như tôn tạo lại để làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh cho nhân dân trong vùng và trả lại đúng giá trị cho một di tích có hơn 150 tuổi này.

Ông Lê Văn Nghị – Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết: “Đình chợ Rạng từng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trên địa bàn huyện nhưng hiện nay vẫn chưa được cấp bằng Di tích lịch sử. UBND xã cũng đang lên phương án tu sửa, tu bổ nhờ vào nguồn vốn hỗ trợ 1 phần từ nguồn quỹ của xã và đóng góp của các con em trên địa bàn xã đang làm ăn xa và các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương.

Hiện nay UBND cũng đã tiến hành vây quanh bằng hàng rào thép gai để bà con không được chăn thả gia súc gần đấy cũng như đang giao cho tổ thợ mộc trên địa bàn tiến hành tu sửa với chi phí tu sửa lại hàng trăm triệu đồng…”

Ông Đặng Văn Hóa – Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thanh Chương cho biết: “Đình chợ Rạng ngày xưa là nơi được nhân dân trong vùng lập nên để thờ cúng Thành Hoàng cũng là nơi tụ họp, sinh hoạt văn hóa của xóm làng.

Theo ông Hóa, cho đến hiện nay Đình chợ Rạng vẫn chưa được xếp hạng, nhưng sắp tới phòng Văn hóa huyện đang lập hồ sơ thống kê đầy đủ để gửi về Ban quản lý di tích tỉnh (thuộc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Nghệ An) rồi trình Sở để được công nhận là di tích lịch sử nếu như đủ đủ điều kiện, cũng như tiêu chuẩn”.

Bài viết cùng chuyên mục