T4, 27/06/2018 10:43 chiều | Vi Văn Tới

Sau những vụ tai nạn liên tiếp, mọi thứ rồi sẽ qua, nhưng muốn “con tàu Việt nam đi suốt 4 mùa vui” điều cần nhất là niềm tin của người lao động về một tương lai tươi sáng. Mọi việc đã ấm lên khi Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trên diễn đàn Quốc hội đã nhận lỗi về sự thiếu quan tâm, đầu tư cho đường sắt. Nhưng người lao động đường sắt vẫn cần được nghe và nhìn thấy những quyết sách cụ thể từ Chính phủ, Bộ GTVT, Tổng công ty ĐSVN.

Niềm vui người tuần đường

Niềm vui người tuần đường

Lịch sử hình thành và phát triển của ĐSVN gắn liền với vận tải, đến giờ thì lĩnh vực này vẫn là ngành nghề kinh doanh chính của Tổng công ty ĐSVN. Năm 2017, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hợp nhất xấp xỉ 7.738 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với năm trước nhưng vẫn không hoàn thành kế hoạch đề ra. Hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa tiếp tục dẫn đầu về tỷ trọng đóng góp doanh thu với gần 55%, tương đương 4.226 tỷ đồng. Phần còn lại đến từ sửa chữa kết cấu hạ tầng, thông tin tín hiệu đường sắt, dịch vụ công nghiệp…Lãi sau thuế của Tổng công ty giảm đến 24%, còn 102 tỷ đồng. Tăng trưởng trái chiều khiến biên lợi nhuận ròng lùi về mức 1,3%, trong khi năm trước con số này khoảng 2%. Được biết, tổng tài sản của đường sắt hiện nay khoảng 20.370 tỷ đồng.

ĐSVN: người lao động vẫn cần được nghe và thấy những quyết sách cụ thể - ảnh 1

Nhân viên trên tàu vẫn chờ lới hứa tăng lương của Chủ tịch Tổng công ty Vũ Anh Minh

“Con” khổ, “bố” no

Như đã phân tích ở trên, Tổng công ty ĐSVN có 25 công ty con có vốn góp nhà nước trên 51% vốn điều lệ, gồm 15 công ty cổ phần đường sắt, 5 công ty cổ phần thông tin tín hiệu, 2 công ty cổ phần vận tải đường sắt, 2 công ty cổ phần xe lửa và Công ty Cổ phần Đá Đồng Mô. Hoạt động kinh doanh vận tải của 2 công ty cổ phần được xem là xương sống của toàn bộ Tổng công ty ĐSVN, ảnh hưởng đến các công ty cầu đường, thông tin tín hiệu và 2 công ty cổ phần xe lửa Gia Lâm, Dĩ an.

Điều khá ngạc nhiên là lãi sau thuế của Tổng công ty (công ty mẹ) là 102 tỷ đồng thì riêng Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội (công ty con) với 4.700 lao động lại lỗ 87,7 tỷ đồng còn Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn với 2.300 lao động cũng chỉ lãi 11,135 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân, ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, năm qua liên miên bão lụt, xảy ra nhiều sự cố tàu. Trong khi đó, chi phí chuyển tải, cứu viện tăng đáng kể. Cùng đó, sản lượng vận chuyển một số chân hàng truyền thống đường sắt sụt giảm mạnh, khả năng đường sắt cạnh tranh với đường bộ, đường biển và hàng không giảm chủ yếu do giá cước cao.

“Ngoài ra bộ máy quá cồng kềnh khiến chi phí tăng cao. Mặt khác, đơn vị còn phải gánh những tuyến tàu an sinh không hiệu quả, cứ chạy là lỗ như: Hà Nội – Thái Nguyên, Yên Viên – Hạ Long… Trong khi Nhà nước chưa có cơ chế hỗ trợ cho chạy tàu an sinh”, ông Hoan nói và cho biết thêm, riêng năm 2017, đơn vị phải bỏ ra 21 tỷ đồng chi phí cho các đoàn tàu an sinh. Với doanh thu vận tải 2.046 tỷ đồng nhưng trích nộp Tổng công ty chi phí điều hành, sức kéo 1.098 tỷ đồng (chiếm 53,6% doanh thu) là một tỷ lệ quá cao, khó có một đơn vị nào chịu nổi.

Việc kinh doanh Tổng công ty ĐSVN hệt như một gia đình, ông bố no đủ tự hào với làng xóm làm ăn khấm khá, có của ăn, của để, còn 2 đứa con, một đứa quanh năm thiếu ăn, một đứa ráo mồ hôi là hết gạo. Trong mô hình mới đường sắt trình Bộ GTVT phê duyệt, thậm chí “ông bố” quyết tâm giữ “trâu” (đầu máy), khiến 2 “đứa con” (2 công ty vận tải) lâm vào cảnh làm ruộng mà không có trâu, phải đi “thuê bố”.

ĐSVN: người lao động vẫn cần được nghe và thấy những quyết sách cụ thể - ảnh 2

Với các quản lý, điều hành như hiện nay liệu tình hình kinh doanh năm 2017 đã “xuống đáy”

và đang tốt dần lên như lời tuyên bố của lãnh đạo Tổng công ty không?

Lương và trách nhiệm

Một câu chuyện mà người lao động đường sắt đang bàn tán xôn xao đó là thu nhập. Hiện nay thu nhập bình quân của người lao động tại 2 công ty cổ phần vận tải là 7,2 triệu đồng/tháng và 7,7 triệu đồng/tháng. Điều đáng nói là con số thực nhận của người lao động thấp hơn nhiều, bởi nó bao gồm cả 10,5% chi phí BHXH, BHYT, BHTN. Chưa kể, thu nhập bình quân được tính trên định biên chuẩn, những chi nhánh vận tải số lượng lao động dôi dư, thực nhận sẽ thấp hơn.

Trong khi đó, quỹ lương của Tổng công ty đường sắt hiện cho 7.624 lao động (chi nhánh khai thác vận tải, các chi nhánh đầu máy, trung tâm điều hành vận tải, văn phòng tổng công ty), 742 tỷ đồng trả tiền lương cho cán bộ nhân viên. Trung bình, lương người lao động đạt 8,1 triệu đồng một tháng, tăng 4% so với năm 2016 cũng không phải là cao bởi đặc thù của ngành lái máy, điều độ khá nặng nhọc, vất vả.

Ngay cả các sếp đường sắt (11 vị trí quản lý) mức thu nhập bình quân mỗi tháng của người quản lý là 44,4 triệu đồng (532,8 triệu đồng/năm) cũng không phải là cao. So sánh với tổng thu nhập bình quân năm 2017 các “sếp” Vinaphone nhận được là 674 triệu đồng hay mức tiền lương bình quân mỗi quản lý Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) nhận được là 58,1 triệu đồng/tháng, tương đương mỗi người nhận được hơn 697 triệu đồng năm 2017. Còn tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone, “ông lớn” này chi hơn 8,3 tỷ đồng cho gần 12 quản lý tại Tổng công ty. Mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý nhận được là 59,07 triệu đồng/tháng, cao hơn khá nhiều so với mức 51,33 triệu đồng năm 2016 nhận được.

Tuy nhiên, đặt kết quả kinh doanh của Tổng công ty ĐSVN bên cạnh báo cáo tổng kết công tác năm 2017 của TKV cho biết tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 109.200 tỷ đồng; lợi nhuận đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng 1.500 tỷ đồng so với thực hiện năm 2016 mới thấy…có sự chênh lệch đáng kể.

Điều quan trọng nhất là với mức thu nhập 532,8 triệu đồng/năm nhưng bộ máy quản lý Tổng công ty vẫn để xảy ra sai phạm tày trời như vụ  Công an tỉnh Nam Định đã bắt ông Ngô Trường Giang (39 tuổi, kế toán trưởng Công ty cổ phần đường sắt Hà Ninh) để điều tra hành vi làm giả một số giấy tờ vay tiền, chiếm đoạt 38 tỷ đồng trong 2 năm trời mà không phát hiện ra. Để rồi mới đây CA tiếp tục bắt giam 4 tháng ông Vũ Đình Tuân, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Hà Ninh. Các vụ đầu tư hàng chục tỷ đầu thiết bị WC “hiện đại” CHODAI trên tàu Thống Nhất bỏ xó, vụ đầu tư ghế hàng không bỏ kho không dùng, hay mới đây cũng tốn hàng chục tỷ đồng lắp đặt các thiết bị kiểm soát vé tự động tại các ga lớn Hà Nội, Sài Gòn…Không thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm?

Người lao động đường sắt có quyền đặt câu hỏi những người lãnh đạo đường sắt: “Liệu mô hình tổ chức lần thứ 6 này đã “chín muồi” hay chưa? Tồn tại được bao lâu?”  Tại sao Chủ tịch Tổng công ty xác định 3 trọng tâm năm 2018, gồm hạ tầng, “chất lượng phương tiện và chất lượng dịch vụ” nhưng mới đến tháng 6, sau những vụ tai nạn đường sắt liên tiêp, đã phải kêu gọi “ tháng 6, 7, 8/2018 là cao điểm siết lại kỷ cương, kỉ luật trong toàn ngành”. Liệu tình hình kinh doanh năm 2017 đã “xuống đáy” và đang tốt dần lên như lời tuyên bố của lãnh đạo Tổng công ty vào đầu năm nay hay không? Hay như lời hứa tăng lương cho lái tàu, nhân viên phục vụ trên tàu Thống Nhất để nâng cao chất lượng phục vụ, an toàn chạy tàu vào tháng 4/2017 của Chủ tịch Tổng công ty Vũ Anh Minh có còn ai nhớ hay không?

Sau những vụ tai nạn liên tiếp, mọi thứ rồi sẽ qua, nhưng muốn “con tàu Việt nam đi suốt 4 mùa vui” điều cần nhất là niềm tin của người lao động về một tương lai tươi sáng. Mọi việc đã ấm lên khi Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trên diễn đàn Quốc hội đã nhận lỗi về sự thiếu quan tâm, đầu tư cho đường sắt. Nhưng người lao động đường sắt vẫn cần được nghe và nhìn thấy những quyết sách cụ thể từ Chính Phủ, Bộ GTVT, Tổng công ty ĐSVN.

Với mục tiêu mà Bộ GTVT giao đến năm 2020, vận tải đường sắt phải đạt thị phần 2% về khách và 3-4% về hàng hóa thì ngành đường sắt phải có được đầu tư lớn, cần khoảng 950.000 tỉ đồng. Nhưng khi tổng mức đầu tư chỉ có thể khoảng 135.000 tỉ đồng thì vai trò quản lý, điều hành được coi là yếu tố tiên quyết để thực hiện mục tiêu lớn này. Ngoài ra, niềm tin của người lao động đường sắt là một yếu tố sống còn để phát triển.

Theo Đông Hùng – Viettimes

Bài viết cùng chuyên mục