T7, 23/05/2020 8:48 sáng | Duy An

Gần như mỗi buổi sáng, bà Nguyễn Thị Nguyệt đều cẩn trọng mở chiếc tủ sắt đựng hơn 3000 bức ảnh về Bác Hồ để bỏ thêm vào vài tấm ảnh quý về Bác mà bà mới sưu tập được.

Kỷ niệm lần đầu gặp Bác

Trong lần trò chuyện xoay quanh những kỷ niệm khó quên về Bác Hồ, ông Mai Văn Xuân, Phó chủ tịch hội Cựu chiến binh phường Cô Giang (quận 1, TP.HCM) giới thiệu cho chúng tôi bà Nguyễn Thị Nguyệt (82 tuổi, ngụ quận 1). Ông Xuân cho biết, bà Nguyệt không chỉ vinh dự được gặp Bác Hồ mà còn từng có thời gian tham gia đóng góp một phần công sức nhỏ trong công việc xây Lăng Hồ Chủ tịch.

Trong ngôi nhà riêng, bà chậm rãi kể lại ký ức đầy tự hào của một thời không thể nào quên. “Lúc đang theo học trường Học sinh miền Nam tại Hải Phòng, tôi đã có vinh dự được gặp Bác. Bác có thói quen mỗi lần đến Hải Phòng công tác, Người đều ghé thăm một trường nào đó. Năm 1959, cũng trong dịp đến Hải Phòng, Bác ghé thăm trường Học sinh miền Nam”, bà Nguyệt nhớ lại.

“Buổi trưa, Bác tranh thủ ghé thăm trường. Lúc đó, tôi là Thanh niên cờ đỏ đứng trực ngoài cổng. Khi xe chở Bác vừa qua cánh cổng, tôi chạy vội đi khóa cổng lại rồi chạy đến mở cửa xe cho Bác. Khi Bác bước ra, tôi ôm chầm lấy Người rồi khóc nức nở”, bà kể.

Dù tuổi đã cao nhưng bà Nguyễn Thị Nguyệt vẫn miệt mài sưu tầm, ghi chép những mẩu chuyện hay về Bác Hồ và in thành các tập tài liệu để đọc, kể trong các buổi họp.

Bà Nguyệt kể tiếp: “Bác bước lên bục ở giữa phòng rồi để lên đó rất nhiều kẹo. Thấy vậy, các bạn tôi ngồi hàng ghế đầu đều nhìn Bác cười tươi hạnh phúc. Bác nhìn xuống hỏi với giọng đầm ấm như một người cha: “Các cháu ăn có no không?”. Ở dưới đồng thanh đáp: “Dạ có”. Bác lại hỏi: “Các cháu có đói không?”, các bạn tôi cũng đáp: “Dạ có”.

“Nghe câu trả lời ai cũng cười. Bác cũng cười rất tươi. Lần ấy, Bác chỉ nói chuyện khoảng 10 phút nhưng trên đường ray, dưới lòng đường chật kín người dân. Họ đứng đó để được nghe giọng Bác nói. Họ chờ xe chở Bác đi ra để họ sẽ chạy lại nhìn Bác được gần hơn, thấy Bác rõ hơn”, bà Nguyệt kể thêm.

Những năm tháng thanh niên sôi nổi

Xong câu chuyện về lần gặp gỡ, được gặp Bác Hồ, bà Nguyệt lật giở cho chúng tôi xem những hình ảnh quý về Bác trong hơn 3.000 bức ảnh Bác mà bà dày công sưu tầm. Trong tập tài liệu ghi lại quá trình hoạt động thể dục thể thao đầy vinh quang của bà, chúng tôi vô tình phát hiện và lập tức bị thu hút bởi những dòng chữ “…Tham gia lao động công ích xây dựng Lăng Chủ tịch…”.

Bà cho hay: “Thời điểm đó, Nhà nước có phong trào phụ nữ ba đảm đang. Tôi vinh dự được chọn là người có đủ yếu tố của phong trào nên cơ quan giới thiệu, đề cử tôi tham gia lao động công ích xây dựng Lăng Chủ tịch”.

“Tôi được giao việc rửa những viên đá dùng để trộn bê-tông xây Lăng. Đá này có hình vuông nhỏ bằng 2 đầu ngón tay. Tôi chưa bao giờ thấy loại đá nào đẹp như thế. Một ngày làm 8 tiếng. Cứ đúng giờ là chúng tôi ngồi vào rửa đá. Năm sau, tôi tiếp tục được cử đi lao động tại Lăng. Lúc này, tôi được giao nhiệm vụ đánh bóng một viên gạch duy nhất ở gian thứ nhất của Lăng. Lúc ấy, các kỹ sư xây dựng rất nghiêm khắc, không cho công nhân đi lung tung,”, bà Nguyệt tiết lộ thêm.

Vừa kể, bà vừa lật giở cuốn album đến trang còn trống rồi cẩn thận đưa tấm ảnh Bác Hồ đã được ép flastic tinh tươm vào. Bà nói: “Đây là công đoạn cuối của hành trình sưu tầm ảnh về Bác trong hơn 40 năm qua của tôi. Bây giờ, trong tủ này đã có trên 3.000 ảnh về Bác rồi”. Bà nói rằng, bà muốn thế hệ trẻ được biết, hiểu nhiều hơn về vị lãnh tụ vĩ đại nhưng đầy bình dị, gần gũi với nhân dân qua những bức ảnh. Thế là bà tìm kiếm, sưu tầm ảnh Bác.

“Tôi một mình đạp xe đạp đến các nhà sách, thư viện, lấy số tiền mà tôi tích cóp từ những lần được Nhà nước khen thưởng ra mua sách, báo, tài liệu có ảnh Bác. Tôi cắt ảnh Bác ra từ các bài viết, trang báo, sách cũ… Phát hiện ai có ảnh Bác, tôi đều quyết đến tận nơi để xin chụp, scan lại”, bà kể.

Để những bức ảnh quý ấy lan tỏa, ý nghĩa hơn, bà vừa gửi cho bảo tàng gần 2.000 ảnh Bác. Bà luôn mở đầu cuộc trò chuyện của mình với các cán bộ, buổi họp bằng những câu chuyện về Bác. Bà cũng mang những tài liệu ấy đến các trường mẫu giáo, tiểu học rồi say mê kể những mẩu chuyện về Bác cho học sinh nghe…

Sau hơn 40 năm sưu tầm, hiện bà Nguyệt có trên 3000 bức ảnh hiếm về Bác Hồ. Mới đây, bà vừa gửi tặng cho bảo tàng gần 2000 bức ảnh.

Ông Mai Văn Xuân, Phó Chủ tịch hội Cựu chiến binh phường Cô Giang, Phó Bí thư Chi bộ khu phố 4, phường Cô Giang cho biết: “Bà Nguyễn Thị Nguyệt là một đảng viên lâu năm tại phường. Cũng thời điểm tham gia hoạt động cách mạng, hiện nay, dù tuổi đã cao, bà vẫn năng nổ trong công tác xã hội và có đóng góp nhiều cho khu phố”.

Cũng theo ông, bà Nguyệt tham gia chống Pháp từ năm 1951 khi mới 12 tuổi. Tháng 10/1954, bà được tập kết ra Bắc, được cử đi học tại Hải Phòng. Sau đó, bà được cử sang Liên Xô học chuyên sâu bóng chuyền. Về nước, bà trở thành huấn luyện viên đội bóng chuyền quốc gia rồi về công tác tại Tổng cục TDTT. Năm 1991, bà giữ chức Phó Giám đốc cơ quan thường trực bộ Văn hóa-Thông tin tại TP.HCM, Giám đốc chi nhánh công ty Dụng cụ TDTT Trung ương cho đến khi về hưu.

Tác giả: H.N

Link nguồn: nguoiduatin.vn

Bài viết cùng chuyên mục