T3, 03/11/2020 11:46 sáng | Vi Văn Tới

Trước khi viết vài ý như dưới đây tôi xin được tự bạch đôi chút về bản thân: Đẻ trên gốc rạ ở một miền quê mà nắng cháy da, lạnh thấu xương; đã từng được nhận sự giúp đỡ của những người giàu lòng nhân ái và đã từng trong vai người đi sẻ chia khó khăn với những hoàn cảnh éo le, bất hạnh, yếu thế trong xã hội…

Xin được trở lại vấn đề chính : THIỆN NGUYỆN.

Nó có tốt không? – Rất tốt.

Nó có cần không? – Rất cần.

Vậy thì chắc chắn xã hội chúng ta phải phát huy vai trò của nó.

Tôi hiểu 2 từ thiện nguyện theo cách đơn giản nhất là làm điều tốt, điều thiện, điều có ích cho người khác một cách tự giác, không miễn cưỡng, không chịu bất cứ sức ép nào, không bị chi phối bởi bất cứ động cơ nào, không vụ lợi, không đòi hỏi bất cứ điều gì cho bản thân ngoài mong muốn tình yêu thương được trao gửi… Nói như vậy sẽ thấy là đối tượng của hoạt động từ thiện (hay thiện nguyện) chủ yếu là những người còn nghèo khó, những người rơi vào hoàn cảnh éo le, khó khăn đặc biệt mà bản thân họ khó có thể tự mình giải quyết, họ cần một sự giúp đỡ từ cộng đồng, từ người khác. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì đa phần trong đó rơi vào hoàn cảnh yếu thế. Trong xã hội cũ chúng ta hay nghe các thuật ngữ nghèo – hèn, giàu -sang… Đó là một thực tế lịch sử. Nhưng những tư tưởng tự do, tiến bộ thì không như vậy. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng tư tưởng phong kiến, nô lệ của Việt Nam là để xây dựng một cuộc sống mới, tiến bộ, bình đẳng, trong đó có việc xây dựng những giá trị mới, có thể chưa giàu nhưng vẫn sang, có thể còn nghèo nhưng không hèn!

Thật vui khi thấy trong những năm gần đây các hoạt động thiện nguyện xuất hiện mỗi khi có tình huống cần giúp đỡ, sẻ chia trong cộng đồng và trở thành phong trào rộng khắp. Các hoạt động này làm phong phú thêm giải pháp để thực hiện truyền thống của dân tộc ta là “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” hay như cách nói gần đây của một vị lãnh đạo là “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Kết quả của các hoạt động thiện nguyện là rõ ràng, đó là cứu giúp được vô vàn trường hợp để họ vượt qua khó khăn, trở lại cuộc sống bình thường… Nhưng theo tôi đó chưa phải là kết quả duy nhất và lớn nhất. Điều quan trọng nhất chính là ở chỗ nó làm cho từng cộng đồng và cho mỗi người trong cuộc hiểu rằng các hoạt động tự nguyện như vậy đồng hướng với mục đích, tôn chỉ của thể chế hiện nay là dựng xây một xã hội nhân văn, nhân đạo ngay từ khi mà các điều kiện vật chất đang còn ở mức chưa cao, thậm chí là còn thấp. Người được giúp đỡ có được sự tự tin cần thiết để vươn lên, đứng dậy; người đi giúp người khác thấy được sự lớn lên của chính mình. Vậy là cả 2 phía đều gặt hái được những điều quý báu!

Nhưng thật tiếc là vẫn còn những hạt sạn.

Đã có những chuyện không hay, đã có sự thiếu công bằng, đã có những hình ảnh phản cảm trong khi trao-nhận sự yêu thương, đã có những tình huống chúng ta thấy quặn đau bởi có cảm giác nhân cách bị hạ thấp, đã có những ý kiến trái chiều, đã có những hành vi mang tính phá bĩnh, đã có những việc lợi dụng sự chưa hoàn thiện của cơ chế thiện nguyện để làm rối nhân tâm, thậm chí là để làm loạn xã hội. Có vẻ như cả hai phía : người trao và người nhận chưa có được sự chuẩn bị hoàn hảo cho trạng thái tâm lý này trong ứng xử. Có những tình huống làm cho người đọc, người nghe, người xem có cảm nhận như việc nhận là sự cầu xin, việc cho như là sự ban phát(dù chỉ là con sâu làm rầu nồi canh)… Chắc chắn những điều này xa lạ với bản chất, mục đích của Từ thiện mà các nhóm thiện nguyện hiện nay đang làm! Quan sát những tình huống có “sạn”, ngoài nguyên nhân nói trên, tôi thấy còn có nguyên nhân rất quan trọng nằm ở việc tổ chức, phương pháp từ thiện. Trong những ngày qua dư luận xã hội có rất nhiều ý kiến về vấn đề này: Người thì bảo là phải để các hoạt động thiện nguyện diễn ra hoàn toàn tự do bởi bản chất của nó là các quan hệ dân sự, người thì bảo phải có sự hiện diện của cơ quan Nhà nước. Cái lý do của loại ý kiến thứ nhất chủ yếu xuất phát từ một vài chuyện tiêu cực xảy ra trong quá khứ và muốn quyền định đoạt tuyệt đối của người làm từ thiện. Lý do của quan điểm thứ hai nằm ở chỗ thiện nguyện không có tổ chức thì sẽ nảy sinh nhiều tình huống phức tạp, làm ảnh hưởng thậm chí làm mất đi tình nghĩa giữa các thành viên trong cộng đồng (điều này đã diễn ra, thật buồn). Mà yếu tố cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau là một trong các thành tố nền tảng của văn hóa Việt, là sức mạnh của dân tộc ta để đánh bại mọi kẻ thù và chiến thắng mọi thiên tai từ ngàn xưa đến nay.

Hỡi các bạn của tôi ơi, đừng tuyệt đối hóa bất cứ một quan điểm nào mà hãy tập trung cho mục tiêu thiêng liêng nhất là tính nhân văn. Mỗi chúng ta hãy đặt mình vào cộng đồng, vào tình huống cụ thể chứ không nên suy diễn, võ đoán. Thiện nguyện là để trao cho người chứ đâu phải cho chính mình. Hãy chụm đầu với nhau, hãy trao đổi với nhau, hãy hợp tác, phối hợp với nhau để đạt mục đích chung. Thông điệp của thể chế này, của xã hội này-trong đó có mỗi người chúng ta là tạo dựng niềm vui, hạnh phúc cho mọi người cơ mà!

Lời cuối cho người trao, kẻ nhận yêu thương: Hãy đón nhận sự sẻ chia, nhưng đừng và không bao giờ hạ thấp mình! Hãy chia sẻ của cải, lợi ích của mình nhưng đừng bao giờ là ban phát!

Hãy đứng lên để nhận. Hãy cúi xuống để trao!

Tác giả: Nguyễn Phúc Nam Đàn – Nguồn: Báo Nghệ An
Ảnh minh họa: Internet

Bài viết cùng chuyên mục