T4, 15/07/2020 4:29 chiều | Duy An

Dù đủ điều kiện được tuyển dụng đặc cách theo chủ trương đúng đắn của Bộ Nội vụ nhưng tại huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) có 244 giáo viên hợp đồng đang bị… bỏ rơi?

Chủ trương đúng đắn của Bộ Nội vụ

Ngày 5/11/2019, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa ký ban hành Công văn số 5378/BNV-CCVC về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng Bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.

Theo đó, Công văn số 5378 nêu rõ, để khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục giáo dục và y tế, Bộ Chính trị (tại công văn số 9028-CV/VPTU) và Thủ tướng Chính phủ (công văn số 1480/VPCP) đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét tuyển đặc cách với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Công văn số 5378/BNV-CCVC về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng Bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.

Để thống nhất việc thực hiện chủ trương này, Bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát,  tổng hợp danh sách giáo viên đã có có hợp đồng lao động  từ năm 2015 trở về trước và căn cứ chỉ tiêu số lượng người làm việc là giáo viên (biên chế giáo viên) chưa sử dụng, để quyết định việc tuyển dụng đặc cách với nhóm đối tượng này theo chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.

Đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách là giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, làm công việc giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Đón nhận thông tin trên nhiều giáo viên chia sẻ: “Chúng tôi rất sung sướng và vô cùng biết ơn Đảng, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ. Chúng tôi chờ đợi chính sách này sớm được triển khai để chấm dứt những tháng năm ăn bám chồng, bị phân biệt như “con nuôi, con đẻ”.

 244 giáo viên hợp đồng bị… bỏ rơi?

Sau khi có hướng dẫn của Bộ Nội vụ, ngày 12/12/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 8842/UBND-TH, trong đó nêu rõ, Sở Nội vụ tạm dừng xét tuyển và thi tuyển viên chức ngành Giáo dục, tập trung rà soát giáo viên đang hợp đồng để tuyển dụng đặc cách. Các địa phương khẩn trương rà soát danh sách giáo viên đủ điều kiện tuyển dụng đặc cách báo cáo về Sở Nội vụ trước ngày 15/1/2020.

244 giáo viên hợp đồng của huyện Yên Thành đang bị “gạt” ra ngoài chủ trương đúng đắn của Bộ Nội vụ.

Tại huyện Yên Thành, ông Trần Xuân Tĩnh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện này cho biết, thực hiện chủ trương trên của Bộ Nội vụ thì huyện Yên Thành đã rà soát, lập danh sách thì có 305 giáo viên hợp đồng đủ điều kiện tuyển dụng đặc cách gửi Sở Nội vụ Nghệ An.

Tuy nhiên, ông Tĩnh thừa nhận đến thời điểm hiện tại (ngày 13/7/2020) chỉ mới có 61/305 giáo viên hợp đồng đã được xét tuyển đặc cách vào biên chế theo chủ trương của Bộ Nội vụ tại Công văn số 5378.

Điều này đồng nghĩa với việc có 244 giáo viên hợp đồng của huyện Yên Thành dù đủ điều kiện được đặc cách nhưng đang bị “gạt” ra ngoài chủ trương đúng đắn của Bộ Nội vụ.

“Chúng tôi thất vọng vô cùng. Một lần nữa, chúng tôi thật sự đau đớn trước thân phận của mình khi thêm một lần bị bỏ rơi mà không biết ngày mai, ngày kia sẽ như thế nào”, một giáo viên không được tuyển dụng đặc cách thất vọng.

Trao đổi với phóng viên An ninh Tiền tệ, người đứng đầu ngành giáo dục huyện Yên Thành Trần Xuân Tĩnh cho rằng, sở dĩ huyện không xét tuyển đặc cách tất cả 305 giáo viên đủ điều kiện theo chủ trương của Bộ Nội vụ vì chỉ tiêu biên chế năm 2020 Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ giao cho huyện Yên Thành có 144 suất.

Trong đó, cụ thể huyện ưu tiên xin giáo viên ở các bộ môn đang thiếu như: giáo viên văn hóa 97 (1 tiếp nhận); giáo viên Ngoại ngữ 25; giáo viên Tin học 11; giáo viên Mầm non 1 và tổng phụ trách đội 10.

Vậy tại sao huyện không xin tuyển đặc cách cho 144 suất mà tỉnh đã duyệt mà chỉ xét tuyển có 61 suất? “Số giáo viên còn lại chưa được xét tuyển đặc cách vì phần lớn họ là những giáo viên mầm non, THCS ở các môn thể dục, mỹ thuật, giáo dục công dân, nhạc… không phù hợp với vị trí việc làm mà tỉnh đã phê duyệt”, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Yên Thành Trần Xuân Tĩnh giải thích.

Nhưng họ bình đẳng và có quyền lợi như những giáo viên khác? Trước câu hỏi này, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Yên Thành Trần Xuân Tĩnh đã thừa nhận 244 giáo viên chưa được xét tuyển đặc cách đều có đầy đủ điều kiện theo Công văn 5378 của Bộ Nội vụ. Họ đều có quyền và bình đẳng với các giáo viên khác. Việc họ chưa được xét tuyển đặc cách là rất thiệt thòi.

An ninh Tiền tệ sẽ tiếp tục thông tin./.

Tác giả: Trọng Đức

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

Bài viết cùng chuyên mục