T4, 10/11/2021 6:07 chiều | Duy An

Nhiều bài giảng trực tuyến chưa sinh động, hấp dẫn; hạn chế tương tác giữa học sinh và giáo viên trong quá trình dạy học trực tuyến, đặc biệt là khi học sinh học qua truyền hình.

Báo cáo một số nội dung liên quan đến vấn đề giáo dục gửi tới các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành Giáo dục là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất của dịch Covid-19. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo chất lượng dạy và học, cũng như việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Đảng.

Đảm bảo công bằng trong dạy học trực tuyến

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương phải cho học sinh tạm dừng đến trường để đảm bảo công tác phòng, chống dịch thì việc triển khai dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình là giải pháp cần thiết của các nhà trường nhằm giúp học sinh không “quên” kiến thức, duy trì nền nếp học tập, thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, đảm bảo hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền.

Thời gian đầu, do việc triển khai hình thức dạy học trực tuyến diễn ra trên diện rộng; cán bộ quản lý, giáo viên chưa được tập huấn; học sinh chưa được chuẩn bị tâm thế; điều kiện hạ tầng kỹ thuật còn tự phát, chưa đồng bộ;… nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của việc dạy và học.

Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, tạo hành lang pháp lý với mục đích hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục.

Việc pháp điển hóa hình thức dạy học trực tuyến còn nhằm phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy-học, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để các em được học ở mọi nơi, mọi lúc và hướng đến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền.

Tính đến ngày 30/10/2021, cả nước hiện có 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức dạy học trực tiếp; 15 tỉnh, thành kết hợp cả dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; còn lại 25 tỉnh, thành chỉ tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Bộ GDĐT đã chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê số lượng học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, đồ dùng học tập để có kế hoạch hỗ trợ giúp đỡ học sinh kịp thời. Đến nay, Bộ đã nhận được đề xuất nhu cầu hỗ trợ máy tính của 56/63 tỉnh, thành phố; số học sinh thuộc đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ là: 2.166.992 học sinh, trong đó: hộ nghèo: 553.531 học sinh; cận nghèo: 457.108 học sinh; đối tượng khó khăn khác: 1.151.658 học sinh.

Để hỗ trợ học sinh học trực tuyến và học qua truyền hình, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm vận động các doanh nghiệp tài trợ, quyên góp phương tiện học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tính đến ngày 30/10/2021, các tập đoàn viễn thông đã xây dựng thêm 283 điểm phát sóng tại các địa phương bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngoài ra, tính đến ngày 25/10/2021, ngành Giáo dục đã huy động được 142,43 tỷ đồng, 28.477 máy tính bảng, 28.545 điện thoại thông minh và 79.425 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác. Ngành Giáo dục vẫn đang tiếp tục huy động thiết bị học trực tuyến để hỗ trợ cho các địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đã tổ chức xây dựng, lựa chọn hệ thống bài giảng đảm bảo chất lượng để tổ chức dạy học trực tuyến và phát sóng trên truyền hình theo môn học, cấp học để các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh học tập phù hợp với kế hoạch dạy học của địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, do sử dụng phần mềm dạy học miễn phí nên chất lượng chưa đảm bảo, đường truyền internet nhiều nơi, nhiều lúc không ổn định, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa đường truyền internet không tốt nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học.

Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này.

Hệ thống bài giảng điện tử theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở lớp 9, lớp 12 và ở các môn chính; bài giảng điện tử của Chương trình giáo dục phổ thông mới còn thiếu.

Số lượng máy tính đã huy động được mới chỉ đáp ứng 46,1% tổng nhu cầu cần hỗ trợ của học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Việc mua sắm máy tính từ nguồn huy động ở địa phương gặp khó khăn vì công tác tổ chức đấu thầu mất nhiều thời gian, nguồn hàng hạn chế.

Chất lượng học tập ở các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa còn thấp. Tình trạng học sinh học không chuyên cần, học sinh bỏ học và học sinh đang có nguy cơ bỏ học, tái mù chữ vẫn còn ở một số địa phương.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn. 

Nhiều hạn chế trong dạy học trực tuyến

Đối với dạy học trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, về thiết bị, học liệu dạy và học trực tuyến, học sinh các gia đình nghèo, vùng khó khăn đang thiếu thiết bị để học tập trực tuyến, có tới 1,5 triệu học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập theo phương thức này. Các bài dạy trên truyền hình chưa phủ hết tiến trình bài học chương trình các môn học.

Ngoài ra, về xây dựng kế hoạch giáo dục, tổ chuyên môn và các cơ sở giáo dục còn gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn về thời gian và con người trong xây dựng kế hoạch giáo dục đối với các môn học mới có nội dung tích hợp, liên môn, có hiện tượng cắt ngang chương trình môn học để dạy song song.

Nhiều bài giảng trực tuyến chưa sinh động, hấp dẫn; hạn chế tương tác giữa học sinh và giáo viên trong quá trình dạy học trực tuyến, đặc biệt là khi học sinh học qua truyền hình; biên chế giáo viên không đủ theo định mức theo tỷ lệ học sinh, gặp nhiều khó khăn khi cho học sinh đi học trở lại theo hình thức chia lớp để thực hiện giãn cách. Năng lực của giáo viên còn gặp khó khăn trong việc chuyển đổi giữa kế hoạch dạy học trực tiếp sang trực tuyến, trên truyền hình.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, sẽ chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến, qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp điều kiện thực tế và tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại địa phương.

Việc kiểm tra, đánh giá định kì theo hình thức trực tiếp tại trường sẽ được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.

Khi học sinh mới trở lại trường học, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lí, tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến; dạy bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu kết hợp với ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh không có điều kiện học trực tuyến, nhất là đối với các học sinh không tiếp cận được truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đến nay, các cơ sở giáo dục đã triển khai 100% việc tổ chức dạy học các nội dung cốt lõi (cả những cơ sở dạy trực tiếp hoặc trực tuyến).

Khó khăn nhất mà các cơ sở giáo dục và giáo viên phải xây dựng lại kế hoạch dạy học và giáo án, gây ra những khó khăn nhất định trong thời gian đầu năm học là một số nội dung sẽ không được tổ chức dạy cho học sinh mà yêu cầu học sinh tự học, tự nghiên cứu; học sinh không được làm thí nghiệm, thực hành ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Hiện vẫn còn một bộ phận giáo viên chưa thực sự thấm nhuần tư tưởng đổi mới, còn ngại đổi mới, dạy theo nếp cũ (nhồi nhét kiến thức), chưa thực sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức dạy học để phù hợp, vừa sức với học sinh.

Sáng mai 11/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội.

Tác giả: Nhật Hồng

Nguồn tin: Báo Dân trí

Bài viết cùng chuyên mục