T6, 15/10/2021 10:56 sáng | Duy An

“Tôi cũng từng mong muốn một trong những đứa con của mình có thể giỏi Toán giống như mình nhưng chúng nó không thành công và tôi cũng không quá buồn vì chuyện đó”, GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ.

GS Ngô Bảo Châu đã nói như vậy khi trả lời về cách dạy con trong lúc tham dự một hội nghị thường niên có tên: “Bản hòa ca trí tuệ”, được tổ chức gần đây tại TP.HCM.

Mặc dù đưa ra lời khẳng định, nhưng ngay từ ban đầu, ông Châu đã nói rằng, ông không rõ quan điểm dạy con của mình có giống với số đông, hoặc đó có phải là phương pháp tốt nhất?

CHÚNG TA HÃY SỐNG CUỘC SỐNG CỦA MÌNH VÀ ĐỂ CHO TRẺ CON SỐNG CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG NÓ

Tôi nghĩ, nhiều cha mẹ có thể nghiêm khắc hơn với con cái và kết quả học tập của chúng có thể vượt trội, xuất sắc hơn con cái nhà tôi. Nhưng tôi không quá quan trọng chuyện đó“, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.

Theo ông, việc học không phải là một sự tập luyện trong cuộc sống. Khái niệm học và sống nên được hiểu là một. Học là sống. Khi trẻ học, có nghĩa là các em đang sống cuộc sống của mình.

“Nhiều người cứ quan niệm học để có điểm cao, để sau này có một sự nghiệp thành đạt… Ai cũng phải có sự nghiệp cho riêng mình, nhưng điều đó không phải là tất cả cuộc sống”

Cuộc sống theo cách hiểu của GS Châu là phải biết sống thế nào cho chan hòa, hạnh phúc và đem đến hạnh phúc cho người khác.

“Chúng ta không nên mục đích hóa tất cả mọi câu chuyện, tôi làm việc này để đạt được việc kia. Trước hết, chúng ta phải sống cuộc sống của chúng ta. Và hãy để cho trẻ con được sống cuộc sống của chúng nó”.

GS Ngô Bảo Châu: Tôi từng mong muốn con có thể giỏi Toán nhưng không thành công - Ảnh 1.

GS Ngô Bảo Châu khẳng định, việc học là sống. Vì thế, cha mẹ hãy để cho các con mình được sống cuộc sống của chính họ. Ảnh: BTC.

Khi trẻ chưa có đủ sự độc lập, cha mẹ cần tạo điều kiện để cho các em được sống với những điều mà các em muốn học. Học có thể là nhiều thứ: Toán học, Văn học, Ngoại ngữ, Thể thao, Nghệ thuật… Nếu các con chưa thích, cha mẹ có thể là người khơi gợi nên đam mê.

“Nhưng nếu chúng nó không thích thì cũng không nên bắt các con học nhiều quá. Tôi cũng từng mong muốn một trong những đứa con của mình có thể giỏi Toán giống như mình. Nhưng chúng nó không thành công, và tôi cũng không quá buồn vì chuyện đó”.

Mặc dù thành tích học tập của các con GS Châu không xuất sắc lắm, nhưng đổi lại, họ có rất nhiều đam mê. Có người thích nghệ thuật, người thích âm nhạc hoặc hứng thú với kinh doanh.

“Điều tôi mong đợi nhất là các con trở thành những người độc lập, biết sống và làm chủ cuộc sống của mình“, ông Châu chia sẻ.

DẠY CHO CON MỘT CÁI NGHỀ CHƯA CHẮC ĐÃ GIÚP CON THÀNH CÔNG

Theo quan niệm truyền thống, rất nhiều bậc cha mẹ tin rằng: điều quan trọng là phải dạy cho con một cái nghề nào đó. Bởi vì không có nghề nghiệp thì không thể nào sống được. Nhưng thực tế, không ai làm mãi một nghề. Học ngành này có thể làm ngành khác, 10 năm sau lại làm nghề khác nữa.

Tôi không tin là chúng ta sẽ làm mãi một công việc cả đời? Vậy thì đâu là yếu tố quyết định thành công trong cuộc đời chúng ta?“, GS Châu đặt câu hỏi.

Theo ông, thành công của một người đến từ sự mềm dẻo trong tư duy, kỹ năng hiểu biết vốn văn hóa chung và có sự sáng tạo trong đó. Một người thành công là khi đi tới đâu, anh ta cũng đem theo kinh nghiệm sống, vốn sáng tạo mới của mình.

Chúng ta cần chuẩn bị cho con cái mình như thế nào để chúng đối mặt với cuộc sống luôn thay đổi trong tương lai? Tôi nghĩ chuyện các con được trang bị, hòa mình vào môi trường có văn hóa ngay từ nhỏ quan trọng hơn nhiều so với việc phải có một cái nghề“.

GS Ngô Bảo Châu: Tôi từng mong muốn con có thể giỏi Toán nhưng không thành công - Ảnh 2.

GS Ngô Bảo Châu cho rằng, phụ huynh không nên quá quan trọng chuyện phải dạy cho con mình một nghề nghiệp cụ thể. Ảnh cắt từ clip.

Ông Châu tin rằng, vốn văn hóa, sự hiểu biết về cuộc sống và cách sống sẽ là hành trang cho các em hội nhập trong cuộc sống đang biến đổi rất nhanh chóng. Nền tảng đó giúp các em dù ở đâu cũng có thể hòa nhập được, hiểu được điều người khác nói hoặc nghĩ và đồng thời là đem những điều tốt đẹp của mình chia sẻ cho cộng đồng.

“Như thế có thể gọi là thành công trong cuộc sống, trong công việc, trong văn hóa. Sống như thế giúp chúng ta có một cuộc sống dễ chịu. Một người không hiểu, không chia sẻ được với nỗi niềm của người khác, hoặc là họ không biết cách chia sẻ điều mình nghĩ thì tôi không tin những người đó có thể hạnh phúc được“.

PHẢI CHÚ TRỌNG TRÍ THÔNG MINH CẢM XÚC

Đồng quan điểm với GS Ngô Bảo Châu, Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh cũng nhấn mạnh vai trò của trí tuệ cảm xúc trong việc tạo nên thành công của người trẻ.

Theo bà, giáo dục hiện nay đang có nguy cơ khiến người học hướng về bản thân quá nhiều. Do đó, nền giáo dục toàn diện cần phải trú trọng nhiều hơn đến trí thông minh cảm xúc (EQ).

Bà Ninh cho rằng, một người có trí tuệ cảm xúc tốt phải có EQ phải trên 2 triệu. Họ không chỉ dễ xúc động, bộc lộ cảm xúc của mình mà còn biết lắng nghe, đồng cảm với cái đẹp, cái đau thương của người khác.

“EQ không phải là dành cho con người đơn độc trong thiên nhiên bao la. EQ là cái cần cho con người được đặt trong xã hội.

Chúng ta phải hết sức coi chừng người vừa được giải phóng ra khỏi sự ức chế. Họ biết thể hiện, xả cảm xúc của mình nhưng lại đứng trước nguy cơ chỉ có biết mình. Cho nên một người có trí tuệ cảm xúc phải biết lắng nghe, đồng cảm, hiểu người khác. Còn nếu chỉ tràn ngập trong cảm xúc của mình thôi thì sẽ thiếu đi sự tĩnh lặng. Vì thế IQ (thông minh trí não) và EQ phải có sự tác động qua lại.“.

GS Ngô Bảo Châu: Tôi từng mong muốn con có thể giỏi Toán nhưng không thành công - Ảnh 3.

Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, thành công là khi một người biết kết nối với cộng đồng. Giáo dục không bao giờ là một hành trình đơn độc. Ảnh: BTC.

Bà Ninh quan điểm, sự tác động qua lại hữu cơ giữa EQ và IQ được xúc tác bởi sự sáng tạo. Để hướng tới sự sáng tạo, nền giáo dục toàn diện phải khiến người học suy nghĩ bằng toàn bộ khối óc, cảm nhận cảm xúc bằng trái tim, tâm hồn, phát huy trí tưởng tượng.

Tư duy của người trẻ cần thoát ra khỏi những khuôn mẫu có sẵn. Họ phải luôn tìm cách để tiến lên, để tiếp cận cuộc sống một cách thật chủ động. “Tôi vẫn hay nói với các bạn thanh niên rằng trả lời đã khó, nhưng đặt câu hỏi còn khó hơn. Điều đầu tiên trong sáng tạo là phải biết đặt câu hỏi, phải có tư duy phản biện”.

Bà Ninh nói thêm: sáng tạo không phải hành trình đơn độc, cô đơn và giáo dục sáng tạo là thiết yếu trong thời đại hiện nay cũng như sắp tới, cho số đông chứ không phải chỉ số ít có điều kiện kinh tế – xã hội.

“Thế kỷ 21 là thế giới phức tạp, biến đổi nhanh nên giáo dục cũng phải đổi mới, thích nghi liên tục và lồng ghép cả sáng tạo trong đó thì mới đáp ứng được nhu cầu của thế kỷ mới”.

Tác giả: Thu Hường

Theo Tổ Quốc

Bài viết cùng chuyên mục