T5, 24/01/2019 11:43 sáng | Duy An

Do lâu ngày không có người sử dụng nên hầu hết các thiết bị dùng để thực hành, thực nghiệm trong Trung tâm đều đã hư hỏng nghiêm trọng.

Xung quanh xôn xao vụ Trung tâm thực hành 32 tỷ của Trường đại học Vinh hoang phế bỏ không, ngày 23/1, trả lời báo Đất Việt, ông Nguyễn Hồng Soa, Trưởng phòng hành chính tổng hợp – Trường Đại học Vinh (tỉnh Nghệ An) xác nhận sự việc.

Theo ông Soa, do số lượng sinh viên ngành nuôi trồng thủy sản của nhà trưởng giảm nhiều, chỉ còn 85 sinh viên nên Trung tâm Thực hành nuôi trồng thủy sản Trường Đại học Vinh (tại xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh) không sử dụng hết công suất dẫn đến 1 số cơ sở vật chất trong 1 năm qua không sử dụng đến.

Cổng vào Trung tâm thực hành nuôi trồng thủy sản Trường đại học Vinh tại xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân. Ảnh: Một thế giới

“Trung tâm thực hành nuôi trồng thủy sản này được xây dựng để phục vụ cho nhu cầu đào tạo sinh viên ngành nuôi trồng thủy sản, hoạt động nguyên cứu khoa học của giảng viên và sản xuất thực nghiệm.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, công tác tuyển sinh của nhà trường gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành nuôi trồng thủy sản.

Tại thời điểm Trung tâm mới đi vào hoạt động thì các hoạt động được triển khai có hiệu quả để phục vụ cho công tác đào tạo hơn 650 sinh viên ngành nuôi trồng thủy sản nhưng hiện nay, số lượng sinh viên của ngành này giảm nhiều”, ông Soa nói.

Ông Soa cho biết, sau khi dư luận phản ánh về tình trạng có nhiều hạng mục trong Trung tâm bị bỏ không, để cỏ mọc vào tận trong nhà, nhà trường đã triển khai họp và làm công tác vệ sinh môi trường, duy tu bảo dưỡng.

Do lâu ngày không có người sử dụng nên hầu hết các thiết bị dùng để thực hành, thực nghiệm đều đã hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Lao động

Về thông tin nước thải từ hồ nuôi tôm trong Trung tâm này xả ra môi trường gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh, ông Soa cho rằng, người dân phản ánh như vậy là không có cơ sở.

Ông Soa cho biết: “Khi xây dựng Trung tâm, thiết kế kỹ thuật đảm bảo việc xử lý môi trường, đặc biệt là nước xả thải. Nhà trường cũng đã thống nhất với chính quyền địa phương định kỳ 6 tháng 1 lần sẽ tiến hành quan trắc môi trường.

Kết quả báo cáo đánh giá tác động môi trường do Trung tâm quan trắc môi trường Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hà Tĩnh lập mới nhất vào tháng 12/2018 cho thấy các chỉ số xả thải đều nằm ở ngưỡng cho phép”.

Được biết, Trung tâm thực hành nuôi trồng thủy sản của Trường đại học Vinh có 5 dãy nhà, gồm 1 dãy nhà hành chính 2 tầng và 4 dãy nhà trệt là nhà chức năng.

Hàng chục hồ nuôi thủy sản nay chỉ còn lại 3 hồ được đơn vị này cho một doanh nghiệp thuê để nuôi tôm, số còn lại bỏ hoang. Ảnh: Lao động

Tuy nhiên, theo phản ánh trên báo chí, hiện nay cổng chính của Trung tâm này được khóa và buộc thêm dây xích sắt có dấu hiệu lâu ngày không được mở, đã bị hoen rỉ. Phòng bảo vệ sát ngay bên cổng bị mất cửa, kính chắn gió bị vỡ, cỏ dại mọc vào quá bậc thềm, bên trong không có vật dụng nào ngoài bụi và rác.

Khu vực hồ thực hành nuôi trồng thủy sản có nhiều diện tích cũng bị bỏ không. Hiện tại có vài người đang nuôi tôm trong một số hồ mà theo người dân tại đây thì đó là người của một đơn vị bên ngoài vào thuê hồ để sản xuất.

Trung tâm thực hành nuôi trồng thủy sản Trường đại học Vinh được xây dựng từ năm 2008 với kinh phí 32 tỷ đồng từ nguồn vốn của Bộ NN-PTNT. Đến tháng 9/2010 thì trung tâm thực hành này được đưa vào sử dụng.

Tác giả: Thu Hoài – Nguồn tin: Báo Đất Việt

Bài viết cùng chuyên mục