CN, 28/06/2020 10:40 sáng | Duy An

Những hóa đơn tiền điện cao bất thường tại nhiều hộ gia đình là vấn đề được dư luận đặc biệt quan trong tuần qua.

Theo dẫn nguồn từ Tập đoàn điện lực Việt Nam, trong tháng 5, có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50% so với tháng trước. Thậm chí có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300%.

Đổ lỗi do thời tiết, tiền điện tăng phi mã là tại ông trời? - Ảnh 1.

Theo bài viết với tiêu đề “Tiền điện lại tăng vọt” của tờ Thanh niên, do cả nước vừa trải qua là đợt nóng kỷ lục trong 27 năm qua, nhu cầu sử dụng  các thiết bị làm mát như quạt mát, máy lạnh tăng cao. Đây là nguyên nhân chính làm cho tiền điện tăng đột biến.

Trong một góc nhìn đáng chú ý tờ Nông thôn ngày nay cho rằng cách lý giải này của Tập đoàn điện lực Việt Nam là không thuyết phục. Bởi nếu như cách lập luận của EVN thì tiền điện tăng cao là tại “ông Trời”… chứ không phải do ngành điện.

Dẫn chứng cho sự tăng vô lý này phải kể đến 2 câu chuyện gây nóng dư luận trong tuần. Một là trường hợp hộ dân ở Quảng Bình nhận thông báo tiền điện với mức 58 triệu đồng. Trường hợp thứ hai là hộ gia đình ở Vân Đồn (Quảng Ninh) được thông báo tiền điện phải trả lên tới gần 90 triệu đồng. Tức là, cao gấp 300 lần số tiền thực tế mà hộ dân này phải trả cho ngành điện.

Điều đáng nói là có vẻ như là không có trường hợp “nhầm lẫn” nào khiến khách hàng được trả tiền ít đi?

Điện lực Quảng Ninh giải thích về sự nhầm lẫn này là do hôm chốt chỉ số công tơ có mưa dông nên thiết bị cầm tay không chính xác, dẫn đến việc sai lệch tiền điện.

Trả lời phỏng vấn tờ Tuổi trẻ, ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng ban kinh doanh của Tập đoàn điện lực Việt Nam lý giải rằng, một số sai sót về việc ghi chỉ số tiêu thụ điện là những sai sót cá nhân.

Ông Dũng cũng cho biết, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã có văn bản hoả tốc chỉ đạo các Tổng công ty điện lực kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm cá đơn vị và cá nhân liên quan việc ghi sai chỉ số công tơ. Đồng thời thực hiện nghiêm túc việc phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1 – 3 lần so với tháng trước liền kề.

Độc quyền kinh doanh, độc quyền bán lẻ

Trước thông tin dư luận phản ánh về việc thời gian qua hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tăng cao bất thường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm rõ, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm.

Đổ lỗi do thời tiết, tiền điện tăng phi mã là tại ông trời? - Ảnh 3.

Hiện giá bán điện được EVN tính theo biểu giá bậc thang gồm 6 bậc

Trên tờ Đại biểu nhân dân, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, Giáo sư Trần Đình Long chỉ ra một một nguyên nhân khiến giá điện tăng cao, đó là cách tính theo phương pháp luỹ tiến với nhiều thang bậc khác nhau.

Với cách tính này, khách hàng sử dụng điện nhiều thì càng phải trả nhiều tiền hơn. Trong 4 – 5 năm tới, nếu thị trường điện lực phát triển đúng theo lộ trình mà Chính phủ phê duyệt (thị trường bán lẻ cạnh tranh) sẽ chỉ còn 1 mức giá thay vì giá bậc thang 6 bậc như hiện nay.

Không thể phủ nhận ưu điểm của giá điện bậc thang là giúp người tiêu dùng tiết kiệm điện. Thế nhưng cách tính toán rối rắm và khó kiểm tra khiến người tiêu dùng nghi ngờ về cách tính giá điện là tất yếu.

Đổ lỗi do thời tiết, tiền điện tăng phi mã là tại ông trời? - Ảnh 4.

Sự nghi ngờ xuất phát từ cơ chế độc quyền kinh doanh, độc quyền bán lẻ của ngành điện, cho nên dù giá điện thấp hay cao thì người tiêu dùng vẫn buộc phải là khách hàng của EVN.

Trong bài viết “Độc quyền điện, dân bị thiệt”, tờ Đại đoàn kết dẫn lời các chuyên gia kinh tế bình luận lẽ ra càng mua nhiều sản phẩm càng được rẻ, nhưng riêng điện thì càng dùng nhiều càng bị tính giá cao. Nếu có thêm nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia thị trường, chắc chắn sẽ không có chuyện áp đặt giá cả như hiện nay. Khi có nhiều lựa chọn, khách hàng có thể mua điện của đơn vị khác.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các cơ chế phát triển nguồn và lưới điện đầu tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công Thương phải áp dụng Nghị quyết của Bộ Chính trị và pháp luật có liên quan đã được Quốc hội thông qua.

Theo đó, mọi thành phần kinh tế có thể tham gia sản xuất điện, kể cả lưới truyền tải. Áp dụng quy luật thị trường trong sản xuất điện. Theo Thủ tướng thì bảo đảm giá điện cạnh tranh rất quan trọng, “cái gì có lợi cho người dân, cho người sản xuất để thu hút đầu tư thì nên làm”.

Link nguồn: vtv.vn

Bài viết cùng chuyên mục