T7, 14/11/2020 6:37 chiều | Duy An

Con tôm bị sốc nước ngọt đã làm hơn 170 hộ dân nuôi tôm thiệt hại nặng nề, hộ ít nhất cũng vài trăm triệu đồng, hộ nhiều lên đến cả tỷ đồng.

Do ảnh hưởng của bão số 12, môi trường nước nuôi bị ngọt hóa, lượng tôm hùm nuôi ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên bị chết liên tục tăng nhanh, nhiều người nuôi tôm lâm cảnh trắng tay. Khẩn trương kê khai, thu dọn, đưa lên bờ số tôm chết để đảm bảo môi trường là những biện pháp đang thực hiện tại khu vực này.

Mấy ngày nay, các làng ven biển ở thị xã Sông Cầu, thủ phủ tôm hùm trở nên xao xác bởi tôm hùm chết hàng loạt. Các chủ lồng xót xa nhìn những chiếc thúng, tàu chở đầy tôm hùm chết vào bờ. Không chỉ dăm chục con mà lượng tôm chết lên đến hàng chục ngàn con. Cách đây mấy ngày, mỗi ký tôm thịt giá đến 800.000 đồng thì nay tôm ngộp chỉ còn 200.000 đồng/kg, nhưng rất khó bán, phần nhiều phải đổ bỏ.

Bà Hà Thị Lợi khóc nghẹn khi bị thiệt hại nặng nề do tôm chết.

Bà Hà Thị Lợi, ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu than thở, chỉ sau 1 đêm nước ngọt tràn vào, hơn 1.000 con tôm đã chết, gia đình bà mất gần 1 tỷ đồng.

“Gia đình vay vốn 300 triệu đồng nuôi tôm với số lượng lớn, nay tôm đến kì thu hoạch, nếu không có bão là đã bán được. Trước kia tôm nuôi đến khi bán đã bị ảnh hưởng của Covid-19 khiến không ai mua, nay tôm lại chết như vậy mất hết vốn liếng đầu tư và công sức 18 tháng trời”, bà Lợi xót xa.

Theo kinh nghiệm của các ngư dân, mỗi lần xảy ra bão, lũ, ngư dân thường đẩy bè ra xa, hạ chìm lồng xuống sâu thêm 1,5m để tôm tránh bị ngọt hóa. Thế nhưng, sau bão số 12 vừa qua, lượng nước lũ từ thượng nguồn đổ về quá nhiều, cộng thêm triều cường nên mức nước ngọt tăng nhanh, ngư dân trở tay không kịp. Nhiều lồng đã hạ thấp để ứng phó nhưng tôm vẫn bị chết hàng loạt do sốc nước ngọt.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, ở xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu cho biết, đoán trước khả năng ngọt hóa nguồn nước nuôi nên đã hạ lồng cách mặt nước khoảng 1,5m. Nhưng nước ngọt quá nhiều, lũ về rất nhanh lại kết hợp với triều cường cùng lượng mưa lớn khiến tôm vẫn chết.

Con tôm bị sốc nước ngọt đã làm hơn 170 hộ dân nuôi tôm thiệt hại nặng nề, hộ ít nhất cũng vài trăm triệu đồng, hộ nhiều lên đến cả tỷ đồng. Thị xã Sông Cầu cũng là địa phương bị thiệt hại nặng nhất tỉnh Phú Yên, với mức thiệt hại gần 50 tỷ đồng. Ngoài tôm hùm, còn có khoảng 1 vạn con bớp nuôi lồng cũng bị chết.

Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên cho biết, lồng nuôi dày đặc, nước lũ về nhanh, nên người dân gặp khó khăn trong việc di chuyển lồng nuôi đến vị trí an toàn.

“Chúng tôi nhận khuyết điểm khi trách nhiệm quản lý của chính quyền chưa đến nơi, đến chốn, để ra người dân tự phát trong vùng nuôi. Trước mắt chính quyền đề nghị bà con ổn định tinh thần và đảm bảo môi trường, toàn bộ tôm chết trên vịnh phải được đưa vào bờ hết, sau đó các hộ nuôi sẽ kê khai số lượng và đề xuất hướng hỗ trợ”, ông Dũng cho biết.

Số tôm chết phải được đưa vào bờ để tránh ô nhiễm.

PGS.TS. Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3, Bộ NN&PTNT cho biết, ở miền Trung thường xảy ra mưa bão, ngọt hóa ao nuôi, gây khó khăn cho nuôi trồng thủy sản. Đối phó với tình trạng này, nhiều người nuôi tôm đưa lồng bè xuống sâu để tránh nước ngọt. Tuy nhiên theo ông Nha, do mật độ nuôi quá dày, nhiều hộ nuôi gần bờ, gần cửa sông, mực nước cạn nên giải pháp này không khả thi.

“Đặc trưng của miền Trung là vào tháng 10 hàng năm thường có những cơn bão và lũ lụt. Bà con nuôi tôm phải chú ý, khi tôm nuôi đạt được thương phẩm cần thu hoạch trước, nếu có được nơi đặt lồng bè an toàn quanh năm thì trước tháng 10 phải dẫn lồng bè đến vùng đó. Chính quyền cũng tuyên truyền vận động làm sao để bà con giảm mật độ nuôi, cần thiết có chế tài mạnh mẽ”, PGS.TS. Võ Văn Nha phân tích./.

Tác giả: Thái Bình

Nguồn tin: vov.vn

Bài viết cùng chuyên mục