T4, 16/09/2020 5:01 chiều | Duy An

Mặc dù bị đơn nhiều lần yêu cầu, phía Ngân hàng BIDV từ chối cung cấp quy trình giám sát việc sử dụng vốn vay và cho rằng việc sử dụng vốn thuộc trách nhiệm của khách hàng.

Vợ chồng anh Sơn – chị Loan đến văn phòng Báo Lao Động kêu cứu vì khoản vay 1,2 tỉ từ BIDV. Ảnh: Quang Đại

Ngày 15.9, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng BIDV chi nhánh Phủ Quỳ (Nghệ An) và bị đơn là vợ chồng Trần Tử Sơn và Nguyễn Thị Thanh Loan (trú xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn, Nghệ An).

Như Lao Động đã thông tin, đầu năm 2014, vợ chồng Sơn-Loan lên Ngân hàng BIDV chi nhánh Phủ Quỳ làm thủ tục vay 1,2 tỉ để mua ô tô. Cán bộ ngân hàng hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn với mục đích “mua bán nông sản”, trong đó người bán nông sản cho vợ chồng Sơn-Loan là bà Nguyễn Thị Huyền.

Theo “hợp đồng mua bán nông sản” giữa hai bên, Ngân hàng đã chuyển 1,2 tỉ đồng vào tài khoản của bà Huyền. Bà Huyền khai sau khi rút số tiền nói trên đã đưa lại cho bà Loan.

Tuy nhiên, theo hồ sơ vụ án, bà Huyền thừa nhận không quen biết với bà Loan, việc bà Huyền cho “mượn” tài khoản là do quen biết với ông Hồ Đăng Đông – cán bộ Ngân hàng Ngân hàng BIDV chi nhánh Phủ Quỳ. Việc giao tiền không có giấy tờ; giữa hai bên không có giao dịch mua bán nông sản.

Tại phiên tòa, bà Loan yêu cầu phía Ngân hàng cung cấp quy trình giám sát sử dụng vốn của khách hàng sau khi cho vay, và chứng minh việc bà Huyền đã đưa tiền cho bà Loan.

Tuy nhiên phía Ngân hàng BIDV chi nhánh Phủ Quỳ từ chối cung cấp hồ sơ và cho rằng việc sử dụng vốn vay thuộc trách nhiệm của khách hàng. Ngân hàng cũng không đưa ra được tài liệu chứng minh bà Huyền đã giao tiền cho bà Loan.

Mặc dù vụ án còn nhiều vấn đề chưa rõ, nhưng đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An vẫn cho rằng việc cho vay đúng quy định, đề nghị tòa tuyên vợ chồng Sơn – Loan thua kiện.

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho rằng trong việc xử lý hồ sơ chưa chặt chẽ, phía Ngân hàng cần “rút kinh nghiệm”, tuy nhiên không làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng đối với việc xét duyệt hồ sơ vay vốn, giám sát việc sử dụng vốn sau vay.

Bị đơn yêu cầu hoãn phiên tòa để xác minh các nội dung chưa rõ ràng.

Hội đồng xét xử tuyên bố dừng phiên tòa để nghị án và sẽ tuyên án vào ngày 21.9.

Được biết, theo quy định của Ngân hàng BIDV, sau 13 ngày kể từ thời điểm giải ngân, cán bộ tín dụng phải có báo cáo bằng văn bản về tình hình, kết quả sử dụng vốn vay của khách hàng. Nếu có hiện tượng bất thường, sử dụng vốn sai mục đích, Ngân hàng sẽ lập tức có biện pháp xử lý.

Tác giả: QUANG ĐẠI

Nguồn tin: Báo Lao động

Bài viết cùng chuyên mục