T3, 11/08/2020 3:41 chiều | Duy An

Các hộ dân cho rằng một số lãnh đạo xã Tân Thái có dấu hiệu “bảo kê” cho cho xe gỗ lưu thông qua đường giao thông nông thôn mới của xóm.

Tòa soạn báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn phản ánh của các hộ dân ở xóm Suối Cái, xã Tân Thái (Đại Từ, Thái Nguyên) về việc một số lãnh đạo xã Tân Thái có dấu hiệu “bảo kê” cho xe gỗ lưu thông qua đường giao thông nông thôn mới của xóm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, xóm Suối Cái nằm ngay sát chân núi Cù Vân, nơi giáp ranh giữa xã Tân Thái với xã Cù Vân (huyện Đại Từ). Sự việc xuất phát từ khi có giao dịch mua bán gỗ của người dân với chủ rừng tại xã Cù Vân. Trong đó, người mua gỗ muốn dùng đường bê tông của thôn làm con đường để vận chuyển gỗ, nhưng bà con không đồng ý.

Bà Ngô Thị Từ (SN 1965), người dân trong xóm cho biết: Xóm Suối Cái chúng tôi có khoảng 80 hộ dân sinh sống, hầu hết bà con đều làm nông nên chúng tôi rất đoàn kết và luôn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

20200810_081745

Bà Ngô Thị Từ, người dân xóm Suối Cái, xã Tân Thái.

Trước đây, trong thôn chưa có đường nên bà con chúng tôi đi lại rất khó khăn. Đến năm 2005, chúng tôi tự đứng ra mở con đường vào làng, hộ nào có đường đi qua thì hiến đất, các hộ còn lại thì đóng góp ngày công lao động.

Đến năm 2008, nhà nước có chủ trương làm đường giao thông nông thôn mới, trong đó nhà nước hỗ trợ xi măng, còn người dân đóng góp tiền và công sức để làm đường.

Bà Nguyễn Thị Tú cho biết: Từ năm 1995 tôi có về đây làm dâu, nhưng khi đón dâu thì chỉ có đi ngược suối chứ chưa có đường đi lại thuận tiện như bây giờ. Nhờ dân làng đồng lòng, chung sức mới xây dựng nên được con đường bê tông đi lại thuận tiện như bây giờ.

Sự việc này cũng đã được ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng thôn Suối Cái xác nhận với phóng viên. Theo ông Thành thì trước đây bà con có tự mở con đường dài gần 2 cây số từ ngoài đường cái vào trong thôn. Con đường làng hiện tại là đường giao thông nôn thôn mới do Nhà nước và nhân dân cùng làm trên chính con đường đó.

Theo đơn trình bày của các hộ dân, đến năm 2015, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên có thực hiện Dự án hồ Cây Vỉ ngay phía sau của làng. Dự án này nối từ đường bê tông nông thôn mới của làng vào hồ Cây Vỉ. Hàng ngày có nhiều phương tiện trọng tải lớn vận chuyển vật liệu, máy móc ra vào công trường, lo ngại con đường bê tông nông thôn mới hỏng, người dân đã ngăn chặn.

117386356_318416305969178_4872436691082452713_n

Bất lực trước việc ngăn cản xe chở gỗ, người dân đã xây hai trụ để hạn chế xe có tải trọng lớn để tránh làm hỏng đường.

“Sau đó Chủ đầu tư hứa nếu đường hỏng thì sẽ làm lại đường trả lại cho bà con. Đến khi thi công xong dự án thì con đường bị hỏng thật. Giữ lời hứa với dân, họ có làm lại đường bê tông, nhưng có hai cầu qua suối thì bỏ lại. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền nhưng không được giải quyết. Một lần nữa, người dân chúng tôi lại tự đóng góp tiền, thuê người làm lại hai đoạn cầu trên vào ngày 28 tết,” bà Ngô Thị Từ cho biết.

Sẽ không có gì đáng nói nếu như không có cuộc họp của xóm Suối Cái vào ngày 21/3/2020. Tại cuộc họp này, Trưởng thôn Nguyễn Văn Thành đã thông báo có anh Khuyến (người địa phương khác) đến mua gỗ của ở xã Cù Vân, xin đi nhờ qua đường làng.

Nhưng hầu như toàn bộ người dân đều không nhất trí vì dùng đường làng để vận chuyển gỗ thì con đường bê tông sẽ hư hỏng. Biên bản họp đã được lập và theo những người dân thì biên bản này sau đó được gửi lên UBND xã Tân Thái.

“Sau đó, tại cuộc họp khác của thôn lại thông báo người đứng ra mua bãi gỗ là anh Phạm Hữu Thái, người trong thôn. Anh Thái có quan hệ họ hàng với gia đình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Thái và bí thư, trưởng thôn. Tại cuộc họp này, người dân đưa ra điều kiện nếu đường hỏng thì ai sẽ chịu trách nhiệm, nhưng không được câu trả lời thỏa đáng. Cuộc họp không thành công và người dân đã bỏ về” bà Ngô Thị Từ cho biết.

117341057_582546575758785_5100007217816836758_n

Khu rừng thuộc xã Cù Vân nhưng khi vận chuyển lại qua đường bê tông của xóm Suối Cái.

Dù người dân chưa thống nhất về việc cho phép sử dụng đường làng để vận chuyển gỗ, nhưng ngày 22/5, người dân đã phát hiện có một xe chở gỗ đi từ trong rừng ra.

Sự việc lập tức được báo cáo tới Bí thư thôn Vũ Văn Tiến, nhưng người dân nhận được câu trả lời ông là chỉ chỉ đạo về Đảng. Về dân sự, chính quyền thì ông không chỉ đạo được. Còn Trưởng thôn Nguyễn Văn Thành cũng trả lời không biết gì về việc này và phải kiểm lâm mới giải quyết được.

Ngày 28/5, người dân xóm Suối Cái đã gửi đơn ra UBND xã Tân Thái, hôm sau, UBND xã đã tổ chức đối thoại với người dân. Trong cuộc đối thoại bà con vẫn thống nhất không cho phép vận chuyển gỗ qua vì đường sẽ hỏng.

Theo những người dân nói, ông Trần Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã trả lời rằng bà con không thể giữ đường được vì đường này là đường của Nhà nước, đường của dự án.

Đến đầu tháng 6, lãnh đạo UBND xã đã về xóm Suối Cái để họp và đối thoại với người dân. Ở đây người dân được thông báo anh Thái đã mua bãi gỗ của anh Mến chủ rừng với giá 1 tỷ 50 triệu.

20200810_081817

Bà Bùi Thị Bình, người dân xóm Suối Cái.

“Với số tiền này thì số lượng gỗ khai thác được sẽ rất lớn. Nếu vận chuyển trong một thời gian dài thì đường chắc chắn sẽ hư hỏng. Chúng tôi có đề nghị rằng chưa cần biết số tiền hỗ trợ cho thôn như thế nào, nhưng cần nắm được cụ thể diện tích gỗ khai thác, thời gian và tải trọng các xe đi qua. Việc này cần phải lập biên bản để người dân giám sát. Nhưng Phó Chủ tịch xã khẳng định xã chỉ là trung gian, không giải quyết được việc này. Cuộc họp cũng không đi đến thống nhất và người dân tiếp tục bỏ về.”

Đến ngày 11/6, bà con xóm Suối Cái phát hiện có 5 xe chở gỗ với tải trọng lớn tiếp tục đi qua làng. Mọi người rất bức xúc và báo cáo Trưởng thôn để xây hai trụ ở hai điểm cầu, vì dân không thể bỏ công việc hàng ngày đi giữ đường như vậy.

Bà Bùi Thị Bình cho biết: Tôi năm nay gần 70 tuổi rồi, tôi đã vào đây sinh sống từ năm 1975, trước đây đường đi rất khổ. Làm được con đường này là mồ hôi, công sức của tập thể gần 100 hộ dân chúng tôi. Nhưng khi chúng tôi đã làm nên đường rồi thì chúng tôi cũng phải có quyền bảo vệ đường. Nhưng những kiến nghị đề xuất của chúng tôi lại bị thôn và xã phớt lờ, không giải quyết. Bức xúc quá chúng tôi mới phải xây trụ ở cầu, trước khi xây tôi cũng đã báo cáo trưởng thôn nhưng trưởng thôn cũng không nói gì.”

Đến ngày 18/7, mặc dù ngày thứ 7, ngoài giờ làm việc nhưng ông Đỗ Văn Nghị, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã và ông Trần Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã đã trực tiếp cầm xà beng đến phá trụ tại hai điểm cầu trên.

Do đó, người dân xóm Suối Cái đặt nghi vấn lãnh đạo xã có dấu hiệu “bảo kê” cho xe chở gỗ qua đường bê tông nông thôn mới, mặc sức người dân ngăn cản.

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Nghị khẳng định tuyến đường bê tông này là do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên mở để thực hiện dự án Hồ Cây Vỉ.

20200810_070358

Ông Đỗ Văn Nghị, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Thái (Ảnh trái) và ông Trần Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thái trực tiếp cầm xà beng đến phá trụ cầu.

“Không có chỗ nào dân bỏ tiền ra cả, nhà nước bỏ tiền hết. Người dân không có quyền xây hai trụ để hạn chế trọng tải xe. Việc xây như vậy là ảnh hưởng đến giao thông rất lớn.”

Ông Nghị cũng khẳng định chưa có bất cứ hình ảnh nào thể hiện xe trọng tải lớn, chở gỗ đi qua và ông không nắm được việc này. Vị lãnh đạo này cũng khẳng định người dân xây hai trụ để hạn chế tải trọng xe là vi phạm nhưng chưa đến mức phải lập biên bản và ra quyết định tháo dỡ nên UBND xã chưa có biên bản xử lý.

Phóng viên đặt câu hỏi về việc tại sao lãnh đạo Đảng ủy và UBND xã trực tiếp “ra mặt” phá hai trụ cầu, ông Nghị cho biết: “Chúng tôi huy động chúng tôi dẹp, không ông nào đứng ra nhận chúng tôi đập. Tôi không ra mặt thì ai làm, nếu nhân dân không dập thì tôi trực tiếp đấy, chứ không phải không.”

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn: Phapluatplus.vn

Bài viết cùng chuyên mục