T4, 25/12/2019 9:42 sáng | Duy An

Đe dọa đóng cửa căn cứ không quân Incirlik để tránh lệnh trừng phạt S-400 không phải là một chiến lược hay của Thổ Nhĩ Kỳ trước Mỹ.

Tiêu điểm - Nguy cơ 'gậy ông đập lưng ông': Thổ Nhĩ Kỳ 'thua sớm' trong 'ván cờ' S-400 với Mỹ vì đi sai chiến thuật?
Căn cứ không quân Incirlik không hẳn quan trọng đối với hoạt động của Mỹ ở Trung Đông.

Quân bài thương lượng

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan tiếp tục đe dọa sẽ đóng cửa căn cứ không quân Incirlik nếu Mỹ đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt chống lại Ankara vì mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Đây không phải lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn Mỹ sử dụng Incirlik. Nước này đã từng làm điều tương tự vào năm 1974 sau khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với chiến dịch của Ankara vào miền bắc Síp.

Trong quá khứ, Mỹ cũng từng sử dụng Incirlik để áp đặt vùng cấm bay lên phía Bắc Iraq trong những năm 1990, nhưng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã không cho phép lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ được sử dụng cho cuộc xâm lược Iraq năm 2003 do Mỹ lãnh đạo.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng ngăn chặn lực lượng Mỹ sử dụng Incirlik để ném bom IS vào tháng 9/2014.

Với mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đang ở mức thấp, không rõ Tổng thống Erdoğan sẽ thực hiện lời đe dọa của mình như thế nào trong bối cảnh hiện tại.

Shashank Joshi, biên tập viên quốc phòng của tờ The Economist cho biết, có một lịch sử lâu dài về căng thẳng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến căn cứ Incirlik, cũng như có hàng loạt những lời đe dọa tương tự của Thổ Nhĩ Kỳ về chủ đề này trong quá khứ.

“Nhiều khả năng, quyền sử dụng căn cứ sẽ bị hạn chế hơn đối với Mỹ thay vì bị loại bỏ hoàn toàn”, Joshi nói với Ahval News. “Điều này cũng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các lệnh trừng phạt. Có vẻ như còn chỗ cho ngoại giao vào thời điểm này”.

Mặc dù cho rằng tình hình không nghiêm trọng như thập niên 1970, cây bút Joshi không loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa căn cứ cũng như buộc Mỹ gỡ bỏ bom hạt nhân B61 được lưu trữ tại đây. Điều này sẽ khiến không chỉ Mỹ mà cả các đồng minh NATO lo lắng.

“Bất kỳ thay đổi nào đối với sức mạnh hạt nhân của NATO sẽ khiến liên minh và các thành viên lo lắng”, ông cho biết.

Suleyman Ozeren, một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học George Mason, tin rằng tuyên bố của ông Erdoğan về căn cứ Incirlik là một nỗ lực gửi thông điệp tới chính quyền Mỹ ngay trước khi Thượng viện thông qua dự luật trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.

“Tuy nhiên vấn đề S-400 không phải là ranh giới đỏ duy nhất đối với Erdoğan”, chuyên gia Ozeren nói Ahval News. “Ông ấy sẽ tiếp tục sử dụng căn cứ Incirlik như một quân bài thương lượng trong nhiều tranh cãi khác với Mỹ, miễn là nó phục vụ lợi ích”.

Tuy nhiên, chuyên gia Ozeren không tin Tổng thống Erdoğan dám quay lưng với Mỹ và đốt cháy mối quan hệ. “Nếu Quốc hội Mỹ thông qua dự luật xử phạt nhằm vào chính bản thân ông ấy, đó mới là ranh giới đỏ thực sự. Nếu như vậy, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chính thức từ bỏ quan hệ với Mỹ”.

Tuy nhiên, với những bước đi mà Mỹ đã thực hiện thời gian qua, việc tận dụng căn cứ Incirlik để làm quân bài thương lượng có thể không hiệu quả đối với Tổng thống Erdogan.

Thổ Nhĩ Kỳ thua thiệt?

Tiêu điểm - Nguy cơ 'gậy ông đập lưng ông': Thổ Nhĩ Kỳ 'thua sớm' trong 'ván cờ' S-400 với Mỹ vì đi sai chiến thuật? (Hình 2).

Việc đóng cửa căn cứ căn cứ không quân Incirlik có thể làm tổn hại chính Thổ Nhĩ Kỳ.

Aaron Stein, giám đốc chương trình Trung Đông tại Viện nghiên cứu Chính sách Đối ngoại chỉ ra rằng, Incirlik vừa là thực thể quan trọng về mặt chính trị, vừa là một biểu tượng quan trọng của mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ.

“Về mặt chức năng, đây là một trung tâm trung chuyển cho các lực lượng Mỹ tới Iraq hoặc Afghanistan, và là một kho chứa vũ khí hạt nhân, một trung tâm bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ, nơi triển khai hệ thống phòng không Patriot đa quốc gia”, ông Stein nói với Ahval News.

“Mỹ đã yêu cầu quyền truy cập vào căn cứ và tìm cách sử dụng tài sản tại căn cứ để tấn công Iraq trong gần hai thập kỷ. Tuy nhiên, câu trả lời mặc định của Ankara là không”.

Những giới hạn mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra đối với việc sử dụng căn cứ này có thể được khắc phục, nhưng về mặt chính trị, nó sẽ được xem là một biểu tượng khác của mối quan hệ song phương rối loạn và thù địch.

Nicholas Heras, chuyên gia Trung Đông tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ nói rằng, căn cứ Incirlik rất quan trọng, nhưng nó không phải là cơ sở không thể thiếu đối với các hoạt động của Mỹ ở Trung Đông.

Mỹ có một mạng lưới các căn cứ không quân trong khu vực, bao gồm sân bay Quốc tế Erbil ở khu vực người Kurd ở Iraq, có thể bù đắp cho sự mất mát Incirlik.

Chuyên gia này cho biết, sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ chiến dịch của Mỹ chống lại Iraq vào năm 2003, các nhà hoạch định quân sự Mỹ đã tiếp tục chiến dịch mà không cần các hoạt động từ căn cứ Incirlik và vẫn thành công.

“Do đó, trong bất kỳ trường hợp nào, căn cứ Incirlik quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn là so với Mỹ, bởi vì Incirlik mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ uy tín trong NATO và sự hiện diện của căn cứ đóng vai trò răn đe đối với các thế lực nước ngoài, đặc biệt là Nga”, ông nói.

Tác giả: Mạnh Kiên

Nguồn tin: nguoiduatin.vn (24/12/2019 | 19:00)

Bài viết cùng chuyên mục