T2, 04/05/2020 4:21 chiều | Duy An

Theo Worldometers, tính đến 6h ngày 4/5, thế giới ghi nhận thêm 80.714 người nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 3.562.085.

Nhân viên y tế Mỹ lấy mẫu xét nghiệm – Ảnh: Getty

Số ca tử vong trên toàn cầu tính đến 6h ngày 4/5 là 248.086, tăng 3.423 trường hợp trong 24 giờ qua. Ngoài ra, số bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi đã vượt mốc 1,1 triệu, lên 1.153.033 ca, chiếm khoảng 1/3 số ca nhiễm.

Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 24.511 ca mắc và 1.063 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 1.185.285 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 68.507 trường hợp.

Tại Brazil, đất nước có Tổng thống đi biểu tình ủng hộ dân phản đối lệnh phong tỏa, vừa có thêm 4.588 ca dương tính mới với virus corona chủng mới và thêm 275 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua.

Nước này đang có xu hướng thành tâm dịch mới của thế giới với các bang Sao Paulo, Rio de Janeiro là những bang có nhiều người nhiễm và tử vong.

Theo Bộ trưởng Y tế Brazil ngày 3/5, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới được xác nhận của nước này là 101.147 trường hợp, tăng 5% trong vòng 1 ngày. Tổng số ca tử vong của Brazil đến nay là 7.025, tăng 4% trong vòng 1 ngày.

Theo AFP, trong khi hệ thống bệnh viện, nhà tang lễ và nghĩa trang gần như “sụp đổ” do quá tải, Tổng thống Jair Bolsonaro vẫn liên tục lên tiếng phản đối việc phong tỏa đất nước, cho rằng biện pháp này sẽ khiến nhiều người thất nghiệp.

Tại Mexico, Bộ Y tế xác nhận nước này có thêm 1.383 ca nhiễm virus mới và 93 ca tử vong mới liên quan đến dịch COVID-19. Tổng số ca nhiễm bệnh của Mexico là 23.471 trường hợp và 2.154 ca tử vong.

Theo BBC, ngày 3/5, các nước Pháp, Italy, Tây Ban Nha tiếp tục có số tử vong trong một ngày thấp nhất sau nhiều tuần. Cụ thể, Pháp có 135 ca tử vong, Tây Ban Nha 164 ca, Italy 174 ca. Các nước này cũng đang nới lỏng các biện pháp hạn chế để kiểm soát virus.

Bắt đầu từ ngày 4/5, Italy chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống COVID-19 với việc gỡ bỏ một loạt các biện pháp phong tỏa trong bối cảnh tổn thất nhân mạng vì COVID-19 tại nước này xuống thấp nhất sau hơn 9 tuần phong toả. 4 triệu lao động Italy sẽ quay trở lại làm việc tại một số nhà máy, công trường xây dựng. Người dân được tự do ra khỏi nhà. Các công viên được mở cửa trở lại để người dân đi dạo và tập luyện thể thao. Đặc biệt, sau gần 9 tuần thực hiện một trong những lệnh phong tỏa khắc nghiệt nhất châu Âu, người dân Italy có quyền đến thăm gia đình người thân.

Tuy nhiên, tất cả việc nới lỏng phải đi kèm điều kiện đeo khẩu trang bắt buộc trong không gian kín và giữ khoảng cách tối thiểu 2m tại nơi công cộng. Ngoài ra, người dân Italy vẫn chưa được phép di chuyển ra khỏi vùng mà mình đang sinh sống.

Lệnh phong tỏa ở Anh đã kéo dài hơn một tháng. Anh dự kiến đánh giá công tác chống dịch vào ngày 7/5 và lộ trình nới các hạn chế sẽ được công bố vào tuần sau, khi nhiều người lo ngại về tác động kinh tế của các biện pháp “cách biệt cộng đồng”. Thủ tướng Boris Johnson nói Anh đã qua đỉnh dịch nhưng vẫn còn quá sớm để nới lỏng lệnh phong tỏa.

Trong khi đó, Bộ Y tế Pháp tái khẳng định, thời điểm dự kiến dỡ bỏ phong tỏa toàn quốc vào ngày 11/5 có thể sẽ được xem xét lại nếu các ca bệnh mới tiếp tục tăng lên.

Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Chính phủ Pháp cũng dự kiến sẽ tổ chức lại các cuộc bầu cử địa phương vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Cuộc bầu cử địa phương vòng 1 tại Pháp đã diễn ra vào ngày 15/3, giữa tâm bão dịch COVID-19.

Tác giả: An Bình

Nguồn tin: Báo điện tử Chính Phủ (09:42, 04/05/2020)

Bài viết cùng chuyên mục