T5, 16/07/2020 4:27 chiều | Duy An

Câu chuyện nghe qua tưởng như một bộ phim Hollywood thế nhưng lại hoàn toàn có thật, về một tù nhân đang thụ án 25 năm tại Mỹ bỗng trở thành thiên tài toán học.

Cuộc đời của Christopher Havens chưa bao giờ dễ dàng. Người đàn ông 40 tuổi này bỏ học từ sớm, thất nghiệp, nghiện ma túy và sống ngoài vòng pháp luật. Năm 2011, Havens phạm tội giết người trong một vụ tranh chấp liên quan đến ma túy và bị kết án 25 năm tù. Các thẩm phán tin rằng với những gì Havens đã gây ra bên ngoài xã hội thì 4 bức tường sau song sắt nhà tù chính là nơi phù hợp nhất giúp anh ta ăn năn hối cải, điều chỉnh hành vi của mình.

Cuộc đời thay đổi sau khi… đi tù

Cũng như nhiều tù nhân khác, Havens đọc nhiều sách trong thời gian ngồi tù. Tuy nhiên, nếu nhiều tù nhân chỉ đọc để giết thời gian, thì Havens lại bất ngờ tìm được tình yêu với toán học.

Người đàn ông này đã tự học toán cơ bản, toán nâng cao, rồi đặt mua thêm các quyển sách toán chuyên sâu để tự nghiên cứu. Các cai ngục còn phải kiểm soát rất kĩ xem anh ta có đặt mua sách toán thật không, hay âm mưu giấu gì trong những tài liệu dày cộp, khó hiểu với đa số mọi người. Sau khi kiểm tra và dám chắc mọi chuyện ổn thỏa, các cai ngục đã cho phép Havens mua sách toán với điều kiện anh ta phải dạy cho các tù nhân khác.

Sau một thời gian trau dồi, toán cao cấp trở nên nhàm chán và tù nhân kì lạ này quyết định gửi thư tay đến tạp chí toán học chuyên ngành Annals of Mathematics. Anh ta đề nghị được giải thử những bài toán hóc búa chưa từng có người giải thành công.

Từ kẻ sát nhân trở thành thiên tài toán học - Ảnh 1.

Bức thư Havens gửi cho Tạp chí toán học Annals of Mathematics – Nguồn: The Conversation

Toán học trở thành một “sứ mệnh”

Trong thư, Havens cho biết coi toán học là một “sứ mệnh” và quyết định dành thời gian ngồi tù để tự cải thiện bản thân mình. Havens cũng cảm thấy nuối tiếc vì không có “bạn học”, không ai trong tù có thể thảo luận những vấn đề toán học phức tạp với mình.

Havens cho biết đang cần một cơ hội để chứng tỏ khả năng của mình. Rồi số phận đã mỉm cười với người đàn ông này. Nhận được bức thư, biên tập viên tại tổ chức phi lợi nhuận Mathematica Science Publisher đã chuyển tiếp tới đồng nghiệp của mình, cô Marta Cerruti. Cô Cerruti cảm thấy thú vị với câu chuyện này và gửi bức thư đi hàng nghìn dặm đến cha mình là giáo sư toán học Umberto Cerruti ở tận thành phố Turin, Italy. Thoạt đầu nghe qua câu chuyện, vị giáo sư cảm thấy hoài nghi. Tuy nhiên, ông không khước từ lời đề nghị của con gái mình và quyết định thử thách người tù kì lạ bằng bài một toán đố để kiểm tra kĩ năng.

Sau một thời gian, giáo sư Umberto Cerruti nhận được câu trả lời là một bức thư dài tới 1,2 mét ghi chằng chịt lời giải với các công thức toán học. Giáo sư phải nhập lời giải lên máy tính và xác thực rằng, đáp án của người tù là hoàn toàn chính xác.

Quá ấn tượng trước khả năng của anh tù nhân người Mỹ, giáo sư Cerruti đã mời Havens cùng ông giải một vấn đề toán học từ thời cổ đại mà ông đã cố gắng giải trong suốt nhiều năm nhưng chưa có kết quả.

Bí ẩn cổ đại được giải mã

Havens đã đáp lại niềm tin của giáo sư Cerruti bằng cách giải luôn đề tài toán học đã tồn tại hàng nghìn năm. Chỉ bằng giấy và bút, anh tù nhân đã giải thành công câu đố của Euclit – nhà toán học Hy Lạp cổ đại khi sử dụng phân số liên tục. Phân số liên tục là một phân số có mẫu số dưới dạng phân số hỗn hợp và lặp lại đến vô cực. Đây là một phương pháp ít được sử dụng trong số học nhưng lại rất quan trọng và thông dụng trong lĩnh vực ngân hàng và quân sự.

Từ kẻ sát nhân trở thành thiên tài toán học - Ảnh 2.

Phân số liên tục dùng để dự đoán kết quả cho những phép tính phức tạp – Nguồn: DW

Sau khi giáo sư Cerruti chỉnh sửa một vài chi tiết, nghiên cứu của Havens đã được đăng trên tạp chí Research in Number Theory vào tháng 1 vừa qua. Không chỉ được ghi nhận trong làng toán học, anh tù nhân còn làm được việc khó khăn hơn khi truyền cảm hứng cho nhiều nhóm bạn tù cùng nhau học toán.

Khơi gợi niềm đam mê Toán học

Havens cùng các bạn tù tổ chức một Câu lạc bộ Toán học có tên là “Ngày số Pi”. Giáo sư Cerruti đã bay tới Mỹ, đến trại giam để tham dự một buổi giao lưu cùng những tù nhân yêu toán. Ông đã kể lại trải nghiệm của mình thông qua một bài viết trên tạp chí Maths Horizons. Theo đó, ông đã rất bất ngờ trước khả năng đọc lưu loát 436 số thập phân đầu tiên trong số Pi của một tù nhân trong Câu lạc bộ.

Christopher Havens coi việc nghiên cứu Toán học là một cách để “trả món nợ cho xã hội” – Nguồn: Hệ thống nhà tù bang Washington

Havens đã ngồi tù được 9 năm, anh này còn phải thụ án 16 năm nữa. Trong thời gian còn lại, Havens cho biết sẽ quyết tâm nghiên cứu, tìm lời giải cho nhiều vấn đề toán học khác nữa. Theo đánh giá của gia đình giáo sư Cerruti, việc Havens coi toán học là “sứ mệnh” – chính là cách anh “trả món nợ cho xã hội”.

Chưa biết Havens sẽ đóng góp được gì thêm cho cộng đồng toán học, tuy nhiên câu chuyện của tù nhân này chắc chắn là một chất liệu tốt cho các nhà làm phim Hollywood tạo ra tác phẩm điện ảnh truyền cảm hứng tích cực. Cho dù là phạm nhân hay những người lầm bước thì đều có cơ hội thứ hai để trở thành công dân có ích cho xã hội.

Nguồn tin: vtv.vn

Bài viết cùng chuyên mục