T4, 23/03/2022 5:19 chiều | Duy An

Thông báo chia tay Quang Hải trên trang chủ Hà Nội FC đã chỉ ra hình hài tương lai mà đội bóng Thủ đô cần phải hướng tới.

Hà Nội FC thông báo chia tay Quang Hải.

Bóng đá Việt Nam chưa có cầu thủ nào thực sự gặt hái thành công khi ra nước ngoài thi đấu là yếu tố luôn được nhắc tới trong cơn bão tin đồn Quang Hải sắp sang châu Âu chơi bóng.

Hiện tại, việc Quang Hải sang châu Âu chơi bóng vẫn đang dừng lại ở mức tin đồn, dù Hà Nội FC đã chính thức thông báo chia tay ngôi sao sinh năm 1997 vào tối 22/3. Nguyên nhân là bởi, bến đỗ mới của Quang Hải vẫn chưa lộ diện.

Nhưng dù Quang Hải thành công hay thất bại nếu ra nước ngoài thi đấu, thì người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn có thể yên tâm rằng tiền vệ này có một con đường lùi. Đó là trở về Hà Nội FC.

“Hà Nội FC sẽ mãi là mái nhà, toàn thể thành viên đội bóng và khán giả sẽ mãi là những người thân đối với Nguyễn Quang Hải. Cuối cùng, cánh cửa sân Hàng Đẫy sẽ luôn rộng mở đón chào Nguyễn Quang Hải trở lại cống hiến cho đội bóng ở bất kỳ thời điểm nào.” – Trang chủ của Hà Nội FC viết.Tuy nhiên, tương lai của Hà Nội FC sẽ không chỉ dừng lại ở việc làm mái nhà luôn chờ đợi Quang Hải quay về. Việc phát triển đội bóng thành một “bến cảng” xuất khẩu cầu thủ ra thế giới đã được đặt ra một cách cấp thiết với Hà Nội FC nói riêng và các CLB Việt Nam nói chung.

Trong thông báo chia tay Quang Hải, Hà Nội FC đã thẳng thắn thừa nhận việc cầu thủ Việt Nam có nhu cầu thử thách bản thân ở môi trường bóng đá cao hơn V-League, nhất là khi cầu thủ đó đã chinh phục mọi danh hiệu có thể trong làng bóng đá Việt Nam.

Nhu cầu kể trên sẽ không xuất hiện, nếu cầu thủ Việt Nam chưa có trình độ trên tầm V-League. Quang Hải chính là người tiên phong cho một thế hệ cầu thủ Việt Nam có tiềm năng chơi bóng ở mọi nơi trên thế giới.

Người tiên phong ấy sắp sửa tạo ra một thương vụ chưa có tiền lệ trên thị trường chuyển nhượng bóng đá Việt Nam. Quang Hải sẽ ra nước ngoài thi đấu theo dạng chuyển nhượng tự do, nếu các tin đồn trở thành sự thật.

Vấn đề là việc Quang Hải ra nước ngoài theo dạng chuyển nhượng tự do có thể sẽ ảnh hưởng đến ĐT Việt Nam, thậm chí là cả nền bóng đá Việt Nam.

HLV Park Hang Seo chính là người đã nêu lên vấn đề này khi phát biểu hôm 15/3 rằng: “Đương nhiên là có ảnh hưởng chứ. Chúng ta làm gì có cầu thủ tấn công nào xuất sắc hơn Quang Hải. Tôi nghĩ VFF cần có những tham vấn để đưa các nội dung (liên quan tới việc thi đấu cho các cấp độ ĐT Việt Nam) vào hợp đồng tới của Quang Hải. Tuy nhiên, đó sẽ là việc của VFF chứ không phải của tôi”.

Dù nhà cầm quân người Hàn Quốc đã nói rằng tác động của VFF là tham vấn và đây không phải việc của ông, nhưng vị thuyền trưởng ĐT Việt Nam vẫn chịu chỉ trích. Một số người cho rằng HLV Park Hang Seo đã đòi hỏi quá đáng và VFF không có chức năng, quyền hạn để can thiệp vào việc đàm phán hợp đồng của Quang Hải ở cấp độ CLB.

HLV Park Hang Seo gây tranh cãi vì phát biểu liên quan đến tương lai của Quang Hải.
HLV Park Hang Seo gây tranh cãi vì phát biểu liên quan đến tương lai của Quang Hải.

Làn sóng tranh cãi như vậy không xuất hiện trong lần đầu tiên HLV Park Hang Seo nêu lên quan điểm này. Đó là tháng 9/2019 khi Đoàn Văn Hậu đột ngột xin rời ĐT Việt Nam để sang Hà Lan ký hợp đồng với SC Heerenveen.

Thời điểm đó, HLV Park Hang Seo đã nói thẳng rằng ông không lo ĐT Việt Nam vắng Đoàn Văn Hậu dù sắp làm khách của Thái Lan, mà lo rằng Đoàn Văn Hậu sẽ không thể về tham dự SEA Games 30. Mong muốn cài điều khoản cho phép Đoàn Văn Hậu về dự SEA Games 30 trong bản hợp đồng với SC Heerenveen của HLV Park Hang Seo đã nhận được sự đồng thuận từ VFF, giới truyền thông, người hâm mộ và được cụ thể hóa bởi Hà Nội FC.

Đoàn Văn Hậu sang SC Heerenveen theo bản hợp đồng cho mượn, được về đá SEA Games 30 và lập cú đúp trong trận chung kết giúp U22 Việt Nam giành tấm HCV lịch sử. Tầm quan trọng của việc Hà Nội FC đàm phán với SC Heerenveen để đưa điều khoản cho phép Đoàn Văn Hậu về tham dự SEA Games 30 đã được nhắc lại trong lễ mừng công, cũng như những bài viết phân tích thành công của U22 Việt Nam.

Đoàn Văn Hậu tỏa sáng rực rỡ trong trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 30.

Tuy nhiên, Quang Hải dự kiến sẽ rời Hà Nội FC theo dạng chuyển nhượng tự do. Và kịch bản tiền vệ này không về tham dự AFF Cup 2022 vào cuối năm nay do bận phục vụ CLB mới rất có thể sẽ xảy ra.

Trong khi đó, bóng đá Việt Nam vẫn có khát khao mãnh liệt với chức vô địch AFF Cup. Ngay sau khi thua đau Thái Lan ở bán kết AFF Cup 2020 và không thể bảo vệ ngôi vương, trang chủ VFF đã khẳng định rằng mục tiêu của ĐT Việt Nam trong năm 2022 là vô địch AFF Cup, dự kiến tổ chức vào cuối năm.

Thực tế, bóng đá Đông Nam Á với AFF Cup vào năm chẵn và SEA Games vào năm lẻ, đồng thời hai giải đấu truyền thống của khu vực lại không thuộc FIFA Days (các CLB buộc phải nhả quân về ĐTQG) đang tạo ra thế khó cho các đội bóng của khu vực.

Thái Lan mất ngôi vương ở AFF Cup 2018 khi không có Chanathip, Theerathon, Dangda, Kawin ở AFF Cup 2018 và rơi vào khủng hoảng. Philippines chỉ còn 14 người sang Việt Nam đá bán kết năm đó vì một loạt cầu thủ phải trở về CLB. Malaysia chỉ có Dion Cools ở trận cuối vòng bảng AFF Cup 2020 rồi bị loại và cũng khủng hoảng. Indonesia phải chờ đến bán kết mới có Egy Maulana trở về từ trời Âu và không kịp tạo ra sự khác biệt.

ĐT Việt Nam có thể sẽ nối tiếp câu chuyện của Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia khi nhu cầu phát triển của cầu thủ, nhu cầu thành tích của ĐTQG và đặc thù của bóng đá Đông Nam Á có sự lệch pha.

Ở cấp độ ĐTQG, bóng đá Đông Nam Á vẫn chưa thể hình thành việc coi AFF Cup là giải đấu cho "đội hình 2" như việc xác định SEA Games là mục tiêu số 1 còn U23 Đông Nam Á là giải đấu cọ xát. (Ảnh: VFF)
Ở cấp độ ĐTQG, bóng đá Đông Nam Á vẫn chưa thể hình thành việc coi AFF Cup là giải đấu cho “đội hình 2” như việc xác định SEA Games là mục tiêu số 1 còn U23 Đông Nam Á là giải đấu cọ xát. (Ảnh: VFF)

Trong bối cảnh đó, các CLB như Hà Nội FC trở thành đối tượng phù hợp nhất để điều hòa lợi ích giữa các bên, giống như ở trường hợp của Đoàn Văn Hậu.

Tương lai của Hà Nội FC sẽ không chỉ là nơi để Quang Hải trở về nếu mộng trời Âu không thành, mà còn phải là đối tác tin cậy của các CLB quốc tế để đưa cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài, vừa góp phần tích cực vào việc duy trì thành tích của các cấp độ ĐT Việt Nam. Theo chiều ngược lại, họ cũng sẽ hưởng lợi từ chính những việc mình làm, giống như cách đã trở thành “đội bóng quốc dân” kể từ sau kỳ tích Thường Châu.

Bước phát triển ấy đang trở nên cấp thiết với Hà Nội FC và có thể họ sẽ nhanh chóng tìm cách cụ thể hóa, để hướng đến những tương lai mang tên “Đoàn Văn Hậu” thay vì “Nguyễn Quang Hải”.

Tương lai ấy của Hà Nội FC có lẽ sẽ không thay đổi, ngay cả khi Quang Hải đột ngột quyết định ở lại sân Hàng Đẫy và không đi đâu hết sau ngày 12/4. Bởi lẽ, CLB này vẫn đang sở hữu hàng loạt trụ cột của ĐT Việt Nam và U23 Việt Nam, trong khi độ vênh giữa bóng đá Đông Nam Á và bóng đá thế giới vẫn còn đó./.

Tác giả: Lam Ngọc

Nguồn tin: VOV.VN

Bài viết cùng chuyên mục