T4, 02/10/2019 9:14 sáng | Duy An

Với dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Tổng thầu đưa các đoàn tàu vào hoạt động thương mại trong năm nay.

Sáng 1/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trực tiếp kiểm tra tình hình thực hiện các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, trong đó có dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông.

cl1_jdvq

Sáng 1/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trực tiếp kiểm tra tình hình thực hiện các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, trong đó có dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Cùng đi với Phó Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, dự án này không chỉ là dự án trọng điểm của Hà Nội mà còn là lời hứa của Bộ GTVT, của Chính phủ với nhân dân Thủ đô. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc tại dự án Cát Linh – Hà Đông phải làm nhanh, không lý sự nhiều.

Đến cuối 2019, tàu  Cát Linh – Hà Đông phải khai thác thương mại

Sau khi thị sát, kiểm tra từng hạng mục dự án Cát Linh – Hà Đông, Phó Thủ tướng đánh giá cao cố gắng của chủ đầu tư (Bộ GTVT), Ban QLDA đường sắt, nhà thầu, tư vấn trong quá trình thực hiện dự án.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, do kinh nghiệm quản lý chưa có nhiều hoặc do nóng vội trong quá trình thực hiện nên tồn tại một số vướng mắc, chậm tiến độ, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc tại dự án Cát Linh – Hà Đông phải làm nhanh, không lý sự nhiều.

“Chủ đầu tư, ban QLDA, nhà thầu, tư vấn phải đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án vào khai thác trong thời gian ngắn nhất. Cố gắng cuối năm nay có thể vận hành. Dự án đã cơ bản xong và chỉ 1% còn lại là thủ tục, giấy tờ do vậy không thể để dự án bị chậm thêm khiến nhân dân bức xúc”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trách nhiệm của tổng thầu rất lớn. “Tổng thầu phải tích cực hơn, trách nhiệm hơn nữa để cùng chủ đầu tư, ban QLDA, tư vấn khép lại hồ sơ đúng trình tự, đặc biệt phải đảm bảo an toàn tuyệt đối khi đưa dự án vào hoạt động”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT, UBND TP.Hà Nội phối hợp với nhà thầu, tư vấn độc lập tập trung cho công tác đánh giá chất lượng công trình và hoàn thiện hồ sơ; yêu cầu tổng thầu phải đáp ứng các hồ sơ đánh giá an toàn, đảm bảo đủ điều kiện để chứng nhận an toàn hệ thống.

“Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước khẩn trương phối hợp với đơn vị tư vấn đánh giá chất lượng để nghiệm thu công trình trong thời gian sớm nhất”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Tổng thầu cần làm nhanh, không lý sự nhiều

Trước khi đưa ra những chỉ đạo thúc tiến độ dự án, trên toa tàu chạy thử của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Phó Thủ tướng trao đổi nhanh với ông Đường Hồng, Giám đốc điều hành dự án (Tổng thầu Trung Quốc).

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng hỏi: “Bao giờ Tổng thầu thực hiện được các yêu cầu của chủ đầu tư, tư vấn để hoàn thành dự án và đưa vào khai thác?”.

Ông Đường Hồng: “Tất cả những hồ sơ liên quan, những yêu cầu của tư vấn, chúng tôi đều cung cấp để phục vụ đánh giá dự án. Nếu cần cung cấp hồ sơ, cần giải trình, tài liệu, chúng tôi đều đáp ứng và đang đợi ý kiến cuối cùng của tư vấn độc lập”.

duong sat cat linh: "tong thau phai lam nhanh, khong ly su nhieu" ​ hinh 3
Dự án đã cơ bản xong và chỉ 1% còn lại là thủ tục, giấy tờ do vậy không thể để dự án bị chậm thêm khiến nhân dân bức xúc”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Theo ông Đường Hồng, Việt Nam lần đầu tiên có đường sắt trên cao nên các trình tự trong quá trình thực hiện dự án còn nhiều vướng mắc, nhiều cái mới mẻ, các bên cũng chưa có kinh nghiệm để thực hiện đầy đủ.

Phó Thủ tướng: “Quan trọng nhất là phải nghe tư vấn độc lập, họ là tư vấn quốc tế nên đơn vị thực hiện dự án phải tôn trọng cái chung”.

Ông Đường Hồng: “Chúng tôi rất phối hợp, phối hợp toàn diện và chặt chẽ với đơn vị tư vấn”.

“Vấn đề là phải sớm, phải nhanh!”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Giám đốc Tổng thầu cho biết gặp vướng mắc vì đơn vị đánh giá an toàn hệ thống tàu vào dự án muộn. Theo quy định, đơn vị đánh giá phải vào ngay từ khi xây dựng dự án, nhưng tư vấn vào dự án năm 2016 và lúc này tất cả các hạng mục dự án đã cơ bản hoàn thành.

duong sat cat linh: "tong thau phai lam nhanh, khong ly su nhieu" ​ hinh 4
 Phó Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, ban QLDA, nhà thầu, tư vấn phải đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án vào khai thác trong thời gian ngắn nhất. 

“Khi họ vào dự án và yêu cầu chúng tôi cung cấp một số hồ sơ nhưng có những hồ sơ thời gian đã qua rồi nên không bổ sung được. Vướng ở đó, chủ yếu là về hồ sơ”, ông Đường Hồng cho biết.

Theo vị này, hiện đơn vị tổng thầu cũng rất “sốt ruột”.

“Chúng tôi ở đây càng kéo dài thời gian thì lợi nhuận cũng như thành quả càng kém, vì vậy cũng muốn hoàn thành nhanh để bàn giao, để giảm chi phí cho nhà thầu. Tổng thầu đã làm nhiều dự án tương tự ở Trung Quốc và đường sắt cao tốc cũng làm rất nhiều. Thông tin nói nhà thầu chúng tôi không có kinh nghiệm là không có cơ sở”, ông Hồng nói.

Chốt lại, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: “Các ông hứa bao giờ làm xong?”, ông Hồng trả lời: “Bao giờ vận hành chính thức thì không phải do nhà thầu chúng tôi quyết định mà do chủ đầu tư quyết định”.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói ngay: “Chúng tôi đã chờ đợi kiên trì và bây giờ đã quá mức kiên trì chờ đợi rồi. Phải nhanh, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Muốn vậy thì phải làm, không lý sự nhiều”.

Đại diện Tổng thầu Trung Quốc khẳng định với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để sớm bàn giao, đưa tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào vận hành, khai thác thương mại./.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông được Bộ GT-VT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng tương đương 552 triệu USD.

Quá trình thực hiện Dự án được điều chỉnh là 18.001,59 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD). Nguồn vốn sử dụng từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc với giá trị 669,62 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD. 

Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435 mm và 12 nhà ga trên cao.

Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35 km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Dự án có tiến độ hoàn thành tháng 6/2015. Tuy nhiên đến nay mặc dù đã 8 lần lỡ hẹn và đội vốn từ hơn 8.000 tỷ lên 18.000 nhưng vẫn mịt mù ngày vận hành chính thức.

Nguồn tin: VOV

 

 

 

Bài viết cùng chuyên mục