Viết tiếp bài “Cần giải pháp gỡ khó cho bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả​”: Số lượng người làm việc vượt quá quy định

T3, 12/01/2021 10:20 sáng | Duy An

Từ khi Ban Quản lý dự án (BQLDA) Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đi vào hoạt động đến nay đã bước sang năm thứ 9 nhưng nhân sự tại đây là vấn đề tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm.

Giải quyết những tồn tại tại BQLDA NN&PTNT Nghệ An qua 9 năm vẫn còn gặp khó khăn. Ảnh: Xuân Thống

Do áp lực tiến độ

Trở lại vấn đề mang tính “mấu chốt” dẫn đến những tồn tại diễn ra tại BQLDA NN&PTNT Nghệ An, đó là ngày 7/3/2013, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 749/QĐ-UBND “về việc phê duyệt phương án thành lập BQL DA khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An” (sau đổi tên BQLDA NN&PTNT Nghệ An, thuộc Sở NN&PTNT). Trong đó, quy định cơ cấu tổ chức bộ máy gồm: Lãnh đạo Ban có giám đốc và không quá 3 phó giám đốc; 3 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và không quá 20 người làm việc… Tuy nhiên, quá trình thực hiện việc thành lập Ban này đã tăng số lượng người làm việc thêm 1 phó giám đốc ban và “đội lên” hơn 20 người làm việc.

Chúng tôi đã có buổi làm việc với Sở NN&PTNT. Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Sơn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (TCCB) trao đổi: Đây là DA có quy mô lớn và địa bàn thực thi rộng (qua 4 huyện) nên cần phải bổ sung thêm lãnh đạo Ban để phụ trách công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Liên quan đến việc này, Sở NN&PTNT đã báo cáo BQL Trung ương các DA thủy lợi và được chấp thuận tại Văn bản số 567/CPO-Jica2 ngày 23/4/2013.

Trên cơ sở đó, Sở đã có Tờ trình số 1100/SNN-TCCB ngày 13/5/2013 đề nghị UBND tỉnh bổ sung thêm 1 phó ban và được UBND tỉnh đồng ý tại Công văn số 3421/UBND-TH, ngày 24/5/2013. DA có quy mô lớn, ngoài công trình đầu mối lớn như Bara Đô Lương, cống Diễn Thành, kênh Vách Bắc, 56,2km kênh chính, 164km kênh cấp 1,169 km kênh cấp 2,55km kênh cấp 3… thì còn hàng nghìn công trình trên kênh nên khối lượng hồ sơ, thiết kế, đấu thầu, hoàn công… rất lớn. Mặt khác, do yêu cầu tiến độ gấp nên các bộ phận kế hoạch, kỹ thuật, tài vụ đều phải tăng thêm người để hoàn thành đúng tiến độ. Riêng tổ tư vấn đấu thầu có thời điểm cần hơn 10 nhân viên; Phòng Kỹ thuật do vừa phải đi hiện trường với tư vấn thiết kế vừa kiểm tra bản vẽ nên phải bổ sung thêm người mới đảm bảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Dù hợp đồng thêm người nhưng kinh phí trả lương được lấy từ chi phí quản lý DA theo Quyết định 1929/2012 của Bộ NN&PTNT.

Số lượng người làm việc vượt quá quy định

Thực tế tìm hiểu cho thấy, quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu các cơ quan, đơn vị cần thiết tăng số người làm việc thì phải xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền và được UBND tỉnh đồng ý bằng văn bản. Do vậy, việc tăng gấp đôi số lượng người làm việc ở BQLDA như trên mà không được đồng ý bằng văn bản của cấp có thẩm quyền là việc làm hoàn toàn không phù hợp. Đáng chú ý, trong số các nhân viên được hợp đồng làm việc tại BQL NN&PTNT, có nhiều người được ký hợp đồng gần đây (các năm 2015, 2016, 2017 và 2018).

Trao đổi vấn đề này, ông Phan Sỹ Đức, chuyên viên Phòng Tổ chức biên chế và tổ chức phi Chính phủ, Sở Nội vụ Nghệ An cho biết: Quyết định UBND tỉnh ra trước, quyết định của Sở NN&PTNT ra sau. Theo nguyên tắc, quyết định của Sở NN&PTNT phải thực hiện quyết định của UBND tỉnh, vì là cấp trên và đây là văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành. Tuy nhiên, Sở NN&PTNT làm theo hướng khác, là tăng số lượng cấp phó; đồng thời trong quá trình thực hiện, số lượng người làm việc lại vượt quá so với quy định của UBND tỉnh. Về nguyên tắc, nếu có sự điều chỉnh đó thì Sở NN&PTNT phải có văn bản xin ý kiến cua UBND tỉnh qua Sở Nội vụ thẩm định nhưng trong giai đoạn đó, Sở NN&PTNT không hề có văn bản nào xin UBND tỉnh để điều chỉnh!

“Rõ ràng, quy định nếu không được UBND tỉnh phê duyệt thì không được phép, bởi trên địa bàn tỉnh năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 30 ngày 28/10 (sau này sửa đổi, bổ sung Chỉ thị 293) cấm ký kết hợp đồng ngoài thẩm quyền cho phép. Do vậy, việc điều chỉnh số cấp phó của BQLDA và tiếp nhận, hợp đồng người làm việc vượt quá so lượng quy định của quyết định của UBND tỉnh là trái quy định của UBND tỉnh. Cấp dưới thực hiện sai thẩm quyền của cấp trên rõ ràng là sai. Không bao giờ và không ai được phép làm điều đó”, ông Phan Sỹ Đức khẳng định thêm.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục làm rõ những vấn đề trên.

BOX: Chỉ thị số 30/CT-UBNDngày 28/10/2013 của UBND tỉnh Nghệ An “về việc tiếp tục chấn chỉnh tình trạng hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị” quy định: “Từ nay về sau, nghiêm cấm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị hợp đồng lao động khi chưa được UBND tỉnh phê duyệt cơ cấu, số lượng, vị trí, chức danh hợp đồng lao động. Tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, tại Chỉ thị số 293/CT-UBND ngày 3/11/2017 của UBND tỉnh về công tác tổ chức bộ máy biên chế, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan đơn vị” tiếp tục chấn chỉnh việc ký hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị.

CTV Xuân Thống – Nguồn: Báo Thanh Tra

Bài viết cùng chuyên mục
XEM BÀI VIẾT THEO NGÀY
Tháng Tư 2024
H B T N S B C
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  
XEM BÀI VIẾT THEO NGÀY
Tháng Tư 2024
H B T N S B C
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930