T3, 10/12/2019 8:30 sáng | Duy An

Với chủ đề “Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh”, Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam lần 2, năm 2019 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) tổ chức là sự kiện gặp gỡ, đối thoại công – tư quy mô quốc gia.
Thách thức du lịch bền vững, năng lực cạnh tranh

Diễn đàn thu hút sự hàng trăm doanh nghiệp trong cách lĩnh vực hàng không, lữ hành, du lịch và nhiều chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước. Mục tiêu là nhằm tạo sự bứt phá, bền vững, cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch Việt.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng thông tin về tình hình phát triển du lịch Việt Nam. Ảnh: Kiều Dương.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, với sự quan tâm của các cấp, ngành, tỉnh thành phố, doanh nghiệp và cộng đồng, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, xếp hạng tăng từ 75/141 quốc gia năm 2016 lên 63/140 quốc gia năm 2019, các chỉ số tăng trưởng nhiều nhất là 15 bậc, sức cạnh tranh về giá tăng 13 điểm, hàng không tăng 11 điểm so với năm 2017. Việt Nam cũng được chọn là điểm đến du lịch, văn hoá, ẩm thực hàng đầu châu Á cùng nhiều giải thưởng danh giá khác. Tháng 11/2019, Việt Nam đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39% so với cùng kỳ 2018, tăng gấp hai lần so với năm 2016. Dự kiến năm 2019, du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng chia sẻ, những năm gần đây, hạ tầng du lịch cũng được quan tâm, đầu tư, đáp ứng nhu cầu tốt hơn của khách du lịch. Đến nay, cả nước có 166 khách sạn năm sao, 291 khách sạn bốn sao… Nhiều dự án quy mô lớn đầu tư khởi công và hoàn thiện đã đưa vào hoạt động tại các địa phương cũng góp phần thay đổi hình ảnh, nâng cao chất lượng du lịch Việt Nam. Bên cạnh kết quả đạt được, trong năm 2019, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn nhiều chỉ số ở mức thấp. Nhân lực và thị trường giảm 10 bậc; bền vững về môi trường và hạ tầng du lịch xếp vào nhóm thấp nhất thế giới. Nhiều hạn chế và điểm nghẽn chưa được giải quyết như công tác xúc tiến quảng bá chưa tốt, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa đưa vào vận hành, hạ tầng sân bay quá tải chưa đáp ứng được lượng khách du lịch ngày càng lớn, chính sách thị thực nhập cảnh còn nhiều hạn chế…

“Để thực hiện mục tiêu phát triển ngành du lịch Việt Nam đến năm 2025 với tổng thu dự kiến 45 tỷ USD, chúng ta cần gia tăng mạnh về chất lượng dịch vụ. Diễn đàn là dịp để các bên đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam”, ông Lê Quang Tùng nhận xét.

Đặc biệt, Diễn đàn cũng là kênh đối thoại để thúc đẩy thực hiện sáng kiến xây dựng thị trường hàng không chung hay còn gọi “Bầu trời mở ASEAN” vào năm 2020.

Bốn bài toán đặt ra cho du lịch Việt

Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam chia thành bốn chuyên đề thảo luận gồm: “Tổ chức lại hoạt động quảng bá và truyền cảm hứng cho du khách”, “Cải thiện quá trình lập kế hoạch – đặt dịch vụ của du khách”, “Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến”, “Việt Nam làm gì để phát triển hàng không – chắp cánh cho du lịch”.


Những đề xuất, giải pháp phát triển du lịch được lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch tiếp nhận để tháo gỡ trong thời gian tới.

Ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) thông tin: Chuyên đề đầu tiên “Tổ chức lại hoạt động quảng bá và truyền cảm hứng cho du khách” tập trung đánh giá chiến lược thương hiệu quốc gia và những ưu tiên của Chính phủ đối với lĩnh vực Du lịch; bài toán phối hợp của các bên trong quảng bá du lịch quốc gia; xây dựng chiến dịch truyền thông và cải thiện các thông điệp về Việt Nam trên các kênh truyền thông khu vực, quốc tế, đặc biệt tại các thị trường mục tiêu…; cải thiện đề xuất/phản hồi của các du khách từng tới Việt Nam để tiếp tục tạo cảm hứng cho các du khách; cơ chế để vận hành hiệu quả các văn phòng quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài.

Tại chuyên đề này, các diễn giả đều cho rằng nguồn kinh phí xúc tiến quảng bá mỗi năm của Việt Nam khoảng 2 triệu USD là rất thấp. Do đó cần có cơ chế vận hành Quỹ Phát triển du lịch để xã hội hóa nguồn đóng góp từ các bên. Tuy nhiên, gần 1 năm qua, Quỹ Phát triển du lịch vẫn chưa được vận hành do còn vướng nhiều cơ chế, thủ tục hành chính đang làm cản trở nhiều cho hoạt động xúc tiến quảng bá.

Chuyên đề hai “Cải thiện quá trình lập kế hoạch – đặt dịch vụ của du khách” tập trung giải quyết các bài toán số hóa của ngành du lịch; giải pháp thiết kế bản đồ hành trình trải nghiệm của du khách; cải thiện trải nghiệm du khách trong các khâu xin các giấy phép du lịch, đặt dịch vụ trong hành trình, nhất là vấn đề về visa.

Chuyên đề ba “Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến” gồm các chủ đề chính như nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch, đề xuất giải pháp tăng cường trải nghiệm của khách du lịch tại các điểm đến du lịch; chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; yếu tố phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, chất lượng nguồn nhân lực du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điểm đến và kinh doanh của doanh nghiệp du lịch.

Ở chuyên đề bốn “Việt Nam làm gì để phát triển hàng không – chắp cánh cho du lịch”, các chuyên gia đã cùng thảo luận về những nút thắt về hàng không và năng lực hàng không trong nước; giải pháp nâng cao năng lực hàng không Việt Nam; giải pháp tăng cường hợp tác công – tư để phát triển hàng không & chắp cánh cho du lịch.

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Việt Nam có lợi thế về giá cả cạnh tranh và tài nguyên thiên nhiên, văn hoá phong phú đã tạo sự hấp dẫn cho khách du lịch. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (từ 10 – 40%). Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao, trung bình khoảng 1.000 USD cho một chuyến du lịch dài 9 ngày. Một nguyên nhân được chỉ ra là sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, thiếu gắn kết, các hoạt động giải trí, mua sắm, chăm sóc khách chưa đa dạng…

Từ các chỉ số đo lường năng lực cạnh tranh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định: Cùng với mục tiêu tăng trưởng nhanh về số lượng, ngành Du lịch cần tìm giải pháp để tăng cường trải nghiệm cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ điểm đến.

Tham dự diễn đàn, các chuyên gia du lịch, đại diện doanh nghiệp đề xuất, với lượng khách quốc tế tăng trưởng nhanh trong thời gian qua thì ưu tiên trước mắt là tập trung vào sự bền vững của môi trường và cơ sở hạ tầng; tiếp đến là môi trường kinh doanh và ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó là chính sách về thông thoáng hơn về visa, sự chuyên nghiệp của đội ngũ phục vụ…

Theo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp, địa phương sẽ được giao cho Tổng cục Du lịch và các đơn vị chuyên môn tổng hợp để báo cáo Chính phủ để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Tác giả: Xuân Cường

Link bài gốc: vanhien.vn

Bài viết cùng chuyên mục