T4, 24/02/2021 4:40 chiều | Duy An

Từ đầu năm 2020 đến nay, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Để ngành kinh tế mũi nhọn này từng bước phục hồi, duy trì hoạt động, các doanh nghiệp du lịch Nghệ An xác định phải chuyển hướng khai thác thị trường nội địa và tiếp tục triển khai nhiều biện pháp chống dịch.

Tổn thất nặng nề vì đại dịch Covid-19 

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, theo một số đơn vị lữ hành du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho biết, số lượng tour cho dịp Tết Nguyên đán năm nay giảm đáng kể. Mặc dù các doanh nghiệp đã nỗ lực tạo sự gắn kết giữa công ty lữ hành và điểm đến, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách, đồng thời, tung ra hàng loạt tour với mức giá ưu đãi nhưng cũng chỉ thu hút được một bộ phận du khách nhỏ, lẻ.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Hệ thống Du lịch PhucGroup đã phải chịu tổn thất nặng nề nhất trong lịch sử hình thành, phát triển. Sau khi đã “thấm đòn ” với 3 làn sóng năm cũ và những diễn biến phức tạp gần đây, các đợt giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 cũng là “thời gian nghỉ cần thiết” để  du lịch PhucGroup nhìn lại những hạn chế, tìm cơ hội trong thách thức và có các giải pháp phát triển bền vững, tái cơ cấu ngành nghề trong giai đoạn mới.

Dịp xuân Tân Sửu chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng lượng khách du lịch của Hệ thống Du lịch PhucGroup.

Tuy nhiên, sau khi dịch Covid bùng phát trở lại và diễn biến có chiều hướng phức tạp hơn, những tháng đầu năm 2021 và nhất là dịp xuân Tân Sửu đã chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng lượng khách du lịch của Hệ thống Du lịch PhucGroup, nhất là tour Du xuân lễ hội và dịch vụ cho thuê xe du lịch. So với cùng kỳ các năm trước, những tháng đầu năm 2021 lượng khách cũng như doanh thu lữ hành của Công ty sụt giảm hơn 80%.

Anh Nguyễn Hữu Bắc – Chủ tịch Công ty Du lịch PhucGroup cho biết: “Hiện tại, mảng nhân sự lữ hành và vận chuyển khách du lịch của Công ty đã phải cắt giảm đến gần 50%. Mỗi bộ phận Công ty chỉ giữ lại những nhân sự chủ chốt và gắn bó, đã cống hiến lâu dài. Mức thu nhập trung bình tại thời điểm này khoảng 4.5triệu/người/tháng. Tuy nhiên, Công ty vẫn đóng đầy đủ BHXH cũng như BHTN cho tất cả nhân viên đang làm việc. Hi vọng mùa dịch sẽ sớm qua, để các hoạt động du lịch lữ hành trở lại bình thường”. 

Công ty Du lịch Vietravel tổ chức các tour du lịch với tinh thần tất cả vì sức khỏe cộng đồng trước dịch Covid-19.

Sau thời gian ngắn khôi phục với nhiều hoạt động sôi nổi, ngành du lịch Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục “đóng băng” khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Đối với Công ty Du lịch Vietravel chi nhánh Vinh, thiệt hại của đại dịch Covid càng thể hiện rất rõ. Hàng năm, mùa du lịch hè & Tết được xem là 2 dịp hoạt động cao điểm nhất trong năm của Công ty. Vào mỗi dịp Tết, du khách sẽ tập trung đi đông nhất vào thời điểm từ mùng 2 –15 AL Tết. Nhưng ngay trước dịp Tết Tân Sửu, do dịch bệnh Covid -19 lại bùng phát trên diện rộng nên đã ảnh hưởng đến tình hình du lịch của Công ty Du lịch Vietravel nói chung và chi nhánh Vinh nói riêng. Lượng khách của Công ty hoãn, hủy lên đến 90%. Vì vậy, đến trước Tết năm nay, số nhân lực của Vietravel quay lại làm việc chỉ mới đạt 50%.

Không riêng Vietravel, những doanh nghiệp du lịch khác, đặc biệt là quy mô nhỏ hơn đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp vừa bung vốn để chuẩn bị đón đầu giai đoạn phục hồi tiếp tục chịu một đòn giáng mạnh khi dịch Covid-19 trở lại.

Một góc thị xã biển Cửa Lò nhìn từ trên cao. (Ảnh Internet)

Khách nội địa – giải pháp cho ngành du lịch

Từ tháng 3/2020 đến thời điểm này, Việt Nam không mở cửa du lịch quốc tế. Trước thực tế đó, buộc Công ty Du lịch Vietravel phải chuyển hướng tập trung khai thác và phát triển du lịch nội địa. Nhờ đó, trở thành giải pháp cứu cánh cho doanh nghiệp lữ hành tồn tại, tuy nhiên chỉ giảm bớt phần nào tác động.

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh – Phó Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel cho biết: “Hiện nay, Vietravel tập trung hoàn toàn cho thị trường trong nước. Đây cũng là sự trở lại, hay nói cách khác là tái định vị ở thị trường nội địa. Mỗi năm Vietravel có trên 1 triệu khách, có hơn 500.000 khách trong nước. Chúng tôi phải cố gắng giữ lại đâu đó khoảng 80-90% lượt khách nội địa mình đã có. Trên cơ sở đó, tái cấu trúc toàn bộ sản phẩm cũng như thị trường và các chiến lược tiếp cận thị trường cho đến lúc mở cửa”.

Đảo Lan Châu, Cửa Lò. (Ảnh Internet)

Năm 2020, ngành du lịch thị xã Cửa Lò phải chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19; lượng khách du lịch và doanh thu ngành du lịch của thị xã Cửa Lò sụt giảm hẳn so với năm 2019. Cụ thể, tổng lượng khách đạt 1 triệu 811 ngàn lượt, chỉ đạt 56,9% so với năm 2019, giảm 48% so với kế hoạch. Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch đạt 1759 tỷ đồng, chỉ bằng 51% so với năm 2019, giảm 58% so với kế hoạch năm. Để từng bước khôi phục, duy trì hoạt động lĩnh vực du lịch, nhất là khi mùa du lịch biển 2021 đang cận kề, thị xã Cửa Lò đã lên 2 phương án chuẩn bị. Theo đó, phương án 1 nếu trong vòng một tháng nữa, nếu vẫn còn dịch thì thị xã Cửa Lò sẽ chuyển hướng thu hút du lịch nội địa, bởi Cửa Lò đến thời điểm này vẫn là điểm đến an toàn. Phương án 2 nếu dịch Covid được khống chế, mùa du lịch năm nay thị xã sẽ triển khai nhiều chương trình ấn tượng, nổi bật để thu hút khách du lịch như: Lễ hội âm nhạc đường phố, Lễ hội du lịch Cửa Lò với quy mô cấp tỉnh… Đồng thời, sẽ tổ chức các chương trình lớn mang tầm quốc gia và khu vực Bắc Miền Trung; đăng cai tổ chức tốt một số hoạt động, các giải thi đấu tạo không khí sôi động…Vào cuối tháng 3, thị xã sẽ tổ chức họp báo để giới thiệu, quảng bá về những điểm nhấn của du lịch Cửa Lò 2021, song song với đó là tổ chức trao giải báo chí viết về Cửa Lò trong 2 năm 2010-2021.

Lễ hội Du lịch Cửa Lò 2019 khai mạc với chủ đề “25 năm hội tụ và tỏa sáng”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND Thị xã Cửa Lò nhấn mạnh thêm yếu tố du lịch an toàn của TX Cửa Lò: “Chúng tôi sẽ chú trọng kết nối Cửa Lò với các điểm du lịch phụ cận như Quê Bác, Đảo chè Thanh Chương, khu di tích Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Khu du lịch Mường Thanh Safari Land Diễn Châu, rừng Quốc gia Pù Mát..Và với rất nhiều nét mới trong bức tranh du lịch Cửa Lò năm 2021 như cầu Cửa Hội, và nhất là đường 72 mét nối Vinh-Cửa Lò đã hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi trong giao thông đi lại..đây sẽ là những điểm nhấn thu hút khách du lịch về với Thị xã biển..Tất nhiên là với điều kiện dịch Covid được dập tắt. Còn nếu dịch vẫn còn diễn ra tại các tỉnh, thành khác chúng tôi sẽ chuyển hướng sang du lịch nội địa. Dù triển khai phương án nào thì chúng tôi cũng luôn đặt công tác phòng chống dịch lên hàng đầu, và xác định Cửa Lò là điểm đến du lịch an toàn, bởi lâu nay khách du lịch về với Cửa Lò chủ yếu là khách trong nước từ Hà Nội, miền Nam…không có khách nước ngoài”.

Cầu Cửa Hội – điểm đến mới của du lịch Cửa Lò năm 2021. (Ảnh Internet)

“Hi vọng, đến hết tháng 3 dịch sẽ tạm ổn để chúng ta có thời gian chuẩn bị kỹ càng cho  mùa du lịch biển Cửa Lò. Ngành du lịch cũng như TX Cửa Lò cũng phải lên phương án sẵn sàng để triển khai; phải cân nhắc triển khai vào thời điểm phù hợp. Đặc biệt, việc đảm bảo an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, Cửa Lò cũng phải chuẩn bị tâm thế để hoàn thành tốt công tác chuẩn bị như chỉnh trang cơ sở vật chất lưu trú, chỉnh trang đô thị, tập huấn đào tạo lại nguồn nhân lực phục vụ du lịch” – bà Nguyễn Thị Thành An, Phó Giám đốc sở Du lịch Nghệ An nhấn mạnh.

Đề xuất “cứu” du lịch

Có thể thấy, “làn sóng” thứ 4 của đại dịch Covid-19 diễn ra vào đúng mùa cao điểm khách du lịch quốc tế đi du lịch nhiều cũng như mùa du lịch lễ hội, tâm linh của khách nội địa thường hay đi sau dịp nghỉ lễ tết Nguyên đán. Vì vậy, khi dịch bùng phát trở lại đã ảnh hưởng rất lớn tới ngành du lịch Nghệ An.

“Trước những khó khăn đó, doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng thương mại cần sớm triển khai các gói vay ưu đãi lãi suất thấp, BHXH nên có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt, Chính phủ cần sớm chỉ đạo ngành thuế hỗ trợ du lịch, có thể 1-2 năm đưa thuế VAT về 0% như trước đây, để ngành Du lịch có thể cầm cự, hồi sinh” – anh Nguyễn Hữu Bắc, Chủ tịch Công ty Du lịch PhucGroup đề xuất.

Đền Chung Sơn – điểm đến khởi nguồn cho hành trình về thăm quê Bác của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

“Dù Việt Nam đã sớm xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 một cách toàn diện theo các kịch bản ứng phó được chuẩn bị kỹ lưỡng, trở thành điểm sáng về an toàn phòng dịch trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam vẫn bị tổn thất nặng nề, đòi hỏi toàn ngành phải có biện pháp ứng phó kịp thời, phải có sự đánh giá lại, tư duy lại về cách làm du lịch, đồng thời xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển. Ngành du lịch là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất từ đại dịch, vì vậy rất cần sự quan tâm của Chính phủ bởi chưa có một gói cứu trợ nào đúng nghĩa. Đồng thời, cần cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả nhằm vào thị trường chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao, cơ cấu thị trường theo phân đoạn nhu cầu; Phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn thị trường; Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến; Chuyển đổi số trong phát triển du lịch, đặc biệt trong nghiên cứu thị trường, cơ sở dữ liệu và xúc tiến, quảng bá du lịch” – bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel kiến nghị.

Đảo chè Thanh Chương nhìn từ trên cao. (Ảnh Internet)

“Dịch Covid-19 đã buộc ngành du lịch Nghệ An phải chuyển hướng và du lịch nội địa là giải pháp duy nhất giúp các doanh nghiệp từng bước phục hồi, duy trì hoạt động. Song tiên lượng trong thời điểm dịch bùng phát đợt thứ 4 và có chiều hướng diễn biến phức tạp như thế này, nên hầu hết các tour, kể cả tour lữ hành nội địa cũng đang hạn chế. Thực hiện các quy định của Nhà nước, Sở Du lịch đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh trong đó có các doanh nghiệp lữ hành áp dụng các biện pháp tốt nhất trong phòng chống dịch. Sở giao cho phòng chuyên môn thường xuyên phối hợp với các đơn vị lữ hành phổ biến tất cả các văn bản cơ quan Nhà nước liên quan đến công tác phòng chống dịch. Đồng thời, nắm bắt tình hình các đoàn khách, để kịp thời nhắc nhở hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác phòng chống cũng như khai báo y tế các đoàn khách mà các công ty lữ hành đưa đi và đưa đến” – bà Nguyễn Thị Thành An, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An nhấn mạnh.

Nhiều giải pháp, kiến nghị, đề xuất hiện đang được ngành du lịch Nghệ An cùng các doanh nghiệp, công ty lữ hành du lịch tính tới nhằm sớm phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn này khi dịch bệnh đi qua. Tuy nhiên, để du lịch thực sự phục hồi và phát triển bền vững thì bên cạnh yếu tố chất lượng, việc đảm bảo an toàn cho du khách vẫn phải được đặt lên hàng đầu.

Nguồn: Hiến Chương – truyenhinhnghean.vn

Bài viết cùng chuyên mục