T7, 08/08/2020 9:25 sáng | Duy An

Tiểu sử Đại danh y Tuệ Tĩnh ghi chép trong sách báo tiếng Viêt hiện đại, có nhiều chi tiết không gặp trong di sản Hán Nôm.

Tiểu sử Đại danh y Tuệ Tĩnh ghi chép trong sách báo tiếng Viêt hiện đại, có nhiều chi tiết không gặp trong di sản Hán Nôm. Đã có cuộc thảo luận không thắng bại trong khoảng 30 năm về Tuệ Tĩnh sống ở đời Trần hay thế kỉ 18. Trong bài Nghiên cứu về Tuệ Tĩnh, Ts Trần Trọng Dương nêu vấn đề: “Cho đến nay, danh tính, hành trạng cũng như sự nghiệp của ông vẫn đang còn là vấn đề còn phải tranh luận bàn bạc”(1).
Từ di sản Hán Nôm ghi về tiểu sử Tuệ Tĩnh, có thể kể 4 giá trị đặc biệt, khác biệt:

1- Ông được suy tôn là vị thánh thuốc Nam. Trong sắc mệnh năm 1939 của triều đình nhà Nguyễn ban tặng mĩ tự: Thánh Nam dược (Vị thánh thuốc Nam)(2). Bản sắc mệnh không ban tặng cho riêng ông mà giao trách nhiệm cho quan dân làng Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng cúng tế ông. Hồ sơ thờ Thành hoàng làng của thôn Nghĩa Phú, chính quyền báo cáo triều đình nhà Nguyễn năm 1938, ghi ông là Thành hoàng làng(3). Như vậy, Tuệ Tĩnh vừa là vị thánh trong lòng dân, vừa là vị thần được dân làng thờ ở đình nơi chính quê hương ông.

Vinh dự này ít nhân vật có được.
2- Sách thuốc của ông được nhà sách Liễu Chàng, một nhà in có danh tiếng thời Lê Trung Hưng dâng lên Hoàng thượng (Vua?) năm Đinh Dậu (1717). Sau khi đọc kĩ bản thảo, Hoàng thượng đã giao cho các quan trong Y viện biên tập. Sách được triều đình ban tặng tên: Hồng Nghĩa giác tư y thư 洪 義 覺 斯 醫 書(Sách thuốc của người hiền trí thôn Nghĩa Phú, phủ Thượng Hồng ) và cho khắc vào gỗ (mộc bản), in làm nhiều bản để truyền bá trong nước.
3- Đã từ lâu, ông được dân làng Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, làng Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; làng An Lư, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng lập đền thờ; Văn miếu Mao Điền, thờ Tuệ Tĩnh trong hậu cung; Y miếu ở Hà Nội (Y miếu Thăng Long), dựng năm 1750, thờ và tưởng niệm hai vị danh y nổi tiếng của đất nước là thiền sư Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cùng các vị danh y của nền y học cổ truyền dân tộc. Năm di tích này đều được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có ba di tích vừa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
4- Chưa có danh y, lương y nào trong cả nước đã ba lần hiển thánh cứu giúp dân. Chuyện này được phản ánh trong chính sử triều Nguyễn, trong sách Quốc sử di biên國史遺編của Thám hoa Phan Thúc Trực (1808 – 1852), trong thần tích làng An Lư, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
Tài liệu tham khảo
1- Trần Trọng Dương. Nghiên cứu về Tuệ Tĩnh. khoavanhoc.edu.vn
2- Lịch sử văn hóa làng Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Vũ Đình Tiến chủ biên. Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hải Dương, năm 2016, trang 154-155.
Đặng Văn Lộc – Nguồn: https://phuongnamplus.vn/
Bài viết cùng chuyên mục