Hành trình về nguồn trên đất Phù Sa 2024 của Đảng bộ TCS

Chuyên mục: Văn hóa

Từ ngày 15-16/9, Đảng bộ Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất ( TCS ) đã tổ chức chương trình về nguồn cho các Đảng viên trong toàn Đảng bộ, với các điểm đến ý nghĩa: khu mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ Bác Hồ & Căn cứ Xẻo Quít - Đồng Tháp. Công ty Đầu tư Thương mại - Du lịch PhucGroup là đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần cho chương trình

Với sự tham gia của Lãnh đạo Đảng bộ Công ty và gần 80 Đảng viên của các chi bộ trực thuộc, Hành trình về nguồn đầy ý nghĩa là cơ hội để ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, nâng cao nhận thức và trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Bên cạnh đó, chuyến về nguồn cũng tạo điều kiện để toàn thể đảng viên trong toàn Đảng bộ thắt chặt tinh thần đoàn kết và gắn bó.


Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc được khởi công xây dựng vào ngày 22/8/1975 và khánh thành vào ngày 13/2/1977.  Đến ngày 9/4/1992 Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Nằm trong quần thể Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc là Mô hình nhà sàn Bác Hồ và Ao Sen Đồng Tháp, được khởi công xây dựng vào ngày 19/5/1990 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác, mô hình nhà sàn Bác được xây dựng theo tỉ lệ 1:1
Đến năm 2010 và trong dịp Lễ giỗ lần thứ 81 của Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, (02/12/2010 nhằm 27/10 âm lịch) Khu di tích đưa vào sử dụng dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc với nhiều hạng mục: Nhà trưng bày cuộc đời Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, phục dựng tái hiện một góc Làng Hòa An xưa nhằm thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc đối với Cụ Sắc – một nhà nho yêu nước thương dân, một thầy thuốc giỏi; đồng thời giúp du khách hình dung nơi cụ Sắc đã từng sống, hoạt động trong khoảng thời gian 1927 – 1929; Khu vực tái hiện Làng Hòa An xưa với diện tích 22.000m2, gồm các ngôi nhà di tích gắn với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; các kiểu nhà truyền thống của làng quê Nam bộ xưa, các tổ hợp hình làng nghề truyền thống: xắt thuốc lá, xay lúa giã gạo, nghề rèn, sinh hoạt đờn ca tài tử… Năm 2012, nhân lễ giỗ lần thứ 83 của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, khánh thành công trình Đền Thờ để tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ công ơn đối với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – Thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Hiện nay, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc đã trở thành một trong những điểm du lịch tiêu biểu của Tỉnh, một địa chỉ đỏ để tổ chức sinh hoạt về nguồn, giáo dục truyền thống lịch sử và lòng yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.


Cũng trong lịch trình, đoàn về nguồn đã đến thăm khu di tích Xẻo Quít. Khu di tích Xẻo Quít nằm trên địa phận hai xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cách quốc lộ 30 khoảng 06 km, có tổng diện tích là 70 héc-ta, trong đó khu bảo tồn (kv1) có diện tích 50 hec-ta và khu mở rộng phát triển dịch vụ (kv2) là 20 hec-ta. Từ năm 1960 đến năm 1975 Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) đã chọn nơi đây làm căn cứ  để lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Quanh căn cứ này, với bán kính 6 km là hệ thống gần như khép kín của hơn 10 đồn bốt địch. Trong đó, có hai đồn cách khu căn cứ khoảng 01 km. Trong suốt cuộc chiến tranh nơi đây là vùng tự do túc xạ, tự do bắn phá, là “trường bắn” và là “bãi tập trực thăng” của địch. Nhiều lần máy bay B52, xe lội nước M113, thuyền bay, pháo binh kết hợp với bộ binh địch liên tục dội bom, càn quét, bắn phá vào vùng căn cứ, hòng tiêu diệt mọi sự sống trên mảnh đất này. Một bông mướp vàng hay một tiếng gà gáy nếu để chúng phát hiện thì phải “đón nhận” hàng chục tấn bom pháo dội vào. Vì vậy, Xẻo Quít trở thành một vùng chiến sự rất ác liệt. Có những lúc Tỉnh ủy phải đối mặt giữa cái sống và cái chết trong gang tấc. Để hoạt động và tồn tại cho đến ngày toàn thắng, một mặt, Tỉnh ủy đã thể hiện tài trí thao lược, lòng kiên trì dũng cảm, chịu đựng gian khó để bám đất, bám dân “một tấc không đi, một ly không dời”, phải có kiểu ở thích hợp để sống được và sống tốt trong vùng đồng bằng, đồng đưng, mùa nước (phải đi lại và làm việc trên xuồng)… Mặt khác, Tỉnh ủy tồn tại được là do một nghĩa cử rất cao đẹp: “Xẻo Quít nằm ngay trong lòng quần chúng nhân dân”. Đây là yếu tố mang tính quyết định cho sự tồn tại và an toàn của căn cứ. Vì vậy, ngày nay Xẻo Quít được gọi là “CĂN CỨ LÒNG DÂN”.


Với những dấu ấn lịch sử quan trọng đó, ngày 09 tháng 4 năm 1992, Xẻo Quít đã được Bộ Văn Hóa-Thông tin công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Lâm An

 

Nguồn: phucgroup.vn

Chia sẻ
Vòng loại World Cup 2026 Xem thêm