Ngục trung nhật ký - Bức chân dung tự họa của Hồ Chí Minh (Phần 1)
Trước khi viết Ngục trung nhật ký, trong khoảng thời gian 23 năm, Nguyễn Ái Quốc đã là tác giả của Bản yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị Versailles (1919); chủ nhiệm và chủ bút Le Paria; tác giả Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) cùng trên mười bút ký và truyện ngắn có giá trị văn học cao đăng trên nhiều báo lớn ở Paris vào thập niên đầu 1920. Tất cả đều bằng tiếng Pháp.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tiếp đó, năm 1927, là văn kiện Đường Kách mệnh, bằng tiếng Việt, viết cho đội ngũ tiên phong của cách mạng Việt Nam, với phần mở đầu là những dòng thống thiết: “Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tinh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm kách mệnh. Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Kách mệnh! Kách mệnh! Kách mệnh!”.
Bốn năm sau, năm 1931, là truyện kể Nhật ký chìm tàu, viết theo hình thức chương hồi, gồm 24 chương, kể chuyện nước Nga sau Cách mạng tháng Mười, mỗi chương mở đầu hoặc kết thúc bằng hai câu thơ lục bát
Mênh mông trên biển dưới tàu
Một hòn hoang đảo ba người lưu ly
Lạ thay trong chiếc tàu này
Cái gì cũng khác tàu Tây mình làm
Sung sướng thay thợ thuyền Nga
Ngày làm ngày nghỉ đều là có lương
Viết nhân kỷ niệm 70 năm Hồ Chí Minh viết xong Ngục trung nhật ký (1943-2013).
Về nước năm 1941, sau 30 năm xa xứ, Bác mới chính thức làm thơ, với bắt đầu là hai bài về Pác Bó theo thể tứ tuyệt, và tiếp đó là bài Thượng sơn (Lên núi), viết năm 1942, bằng chữ Hán. Nguồn thơ chữ Hán theo phong cách nhà Nho, thấm đẫm ý vị phương Đông ở Hồ Chí Minh có lẽ được bắt đầu bằng bài thơ này. Nhưng trong không khí tiền khởi nghĩa, với biết bao công việc trọng đại của đất nước mà Bác là lãnh tụ tối cao; với bao thư, lời hiệu triệu và văn kiện mà Bác phải trực tiếp soạn thảo, hoạt động thơ văn ở Bác chỉ có thể chiếm một tỷ lệ nhỏ; và trong tỷ lệ đó ưu tiên số 1 đối với Bác phải là thơ văn tuyên truyền, cổ động cách mạng. Đó chính là lý do để chỉ trong một thời gian rất ngắn, Bác đã làm trên dưới ba mươi bài trong hệ thơ Bài ca Việt Minh, với nội dung nhằm vào các tầng lớp quần chúng cơ bản để tuyên truyền ý thức cách mạng, như các bài Hòn đá to, Nhóm lửa, Ca sợi chỉ, Ca công nhân, Ca phụ nữ, Ca binh lính... tất cả đều được đăng trên tờ Việt Nam độc lập, do Bác sáng lập và tổ chức thực hiện.
Nếu có một áng thơ Bác phải bỏ công sức và huy động nhiều tri thức nhất - đó là diễn ca Lịch sử nước ta, 208 câu lục bát, tóm tắt một cách thật cô đúc lịch sử dân tộc, từ khởi thủy: “Hồng Bàng là tổ nước ta”, đến ngày “Dân ta có Hội Việt Minh”, vào đầu năm 1942.
Ba mươi bài trong nhóm Bài ca Việt Minh và Lịch sử nước ta là loại thơ nhằm vào công chúng còn thất học, rất cần được giác ngộ để hiểu về cách mạng và tham gia cách mạng; do vậy giá trị của nó phải được xác định ở khả năng phổ cập và tác dụng cổ động, tuyên truyền. Còn người viết ra nó, phải đóng vai một cán bộ quần chúng, không chỉ rất am hiểu, thông thuộc nguyện vọng của dân mà còn biết cách diễn đạt sao cho dễ nhớ, dễ hiểu, thuận theo cách nghĩ, cách nói của dân. Khỏi phải nói thêm, người viết “Hòn đá to/ Hòn đá nặng/ Chi một người/ Nhấc không đặng/ đã là tác giả của những truyện, ký viết theo phong cách hiện đại châu Âu, mà người dịch nó ra tiếng Việt là nhà thơ, Giáo sư Phạm Huy Thông, người đã sống rất lâu năm ở Pháp có lời bình là được viết bởi một thứ văn “rất Pháp”; và rồi đây, không lâu sẽ là tác giả của Ngục trung nhật ký bằng chữ Hán - nó là ngôn ngữ chung của văn hóa phương Đông - cái nôi, nguồn sản sinh một nền văn chương - học thuật Việt trong hàng ngàn năm lịch sử.
Giản lược như trên để thấy sự ra đời 135 bài thơ chữ Hán trong Ngục trung nhật ký, được Hồ Chí Minh viết trong khoảng thời gian từ tháng 8-1942 đến 9-1943, nơi các nhà ngục ở Quảng Tây - Trung Quốc là một sự kiện rất đặc biệt, và cũng có thể là bất ngờ đối với tác giả. Đặc biệt, bởi, theo tôi hiểu, tác giả dường như chưa có một chuẩn bị gì cho sự kiện này. Nói theo Giáo sư Đặng Thai Mai, đây là tập thơ Hồ Chí Minh ngẫu nhiên mà hái lượm được. Có nghĩa là một tập thơ bỗng dưng mà có; bởi - ít nhất có bốn khả năng khiến cho tập thơ không chào đời; và do vậy sẽ không có trong danh mục tác phẩm của Hồ Chí Minh, và trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX.
Đó là:
- Thứ nhất, Bác không có công việc gì để sang Quảng Châu vào thời gian đó.
- Thứ hai, Bác có việc sang Trung Quốc nhưng không bị bắt.
- Thứ ba, Bác có bị bắt, nhưng thời gian giam giữ là ngắn, chứ không phải là 14 tháng; nghĩa là người tù có thể làm thơ, nhưng lượng bài là ít hơn, hoặc rất ít.
- Thứ tư, Ngục trung nhật ký được viết xong nhưng Bác đã không giữ được bản thảo; có biết bao lý do để bản thảo không trở về với chủ - là tác giả, sau ngót mười năm kháng chiến đã trở về thủ đô. Và như vậy cũng sẽ không có sự hiện diện của bản thảo trong Viện Bảo tàng cách mạng, rồi chuyển sang Viện Văn học (thành lập năm 1959); để từ địa chỉ này mà có sự bận rộn của Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nam Trân - những người tổ chức việc dịch và in ấn rất khẩn trương cho sự ra đời Nhật ký trong tù vào tháng 5-1960, kịp đón sinh nhật lần thứ 70 của tác giả.
Khả năng cuối cùng này, may mắn đã không xảy ra. Thế nhưng, cho đến nay hành trình của nguyên tác vẫn còn nhiều chỗ mù mờ, chưa sáng tỏ. Ai đã giữ hộ cho Bác tập thơ? Ai đã gửi tập thơ về Hà Nội? Từ Hà Nội hành trình của nguyên tác là đi theo những con đường nào? Đến với Triển lãm Cải cách ruộng đất ở phố Bích Câu? Trở về kho lưu trữ của Trung ương Đảng? Rồi chuyển về Bảo tàng cách mạng? Tất cả hành trình đó là do chủ ý của Bác hay của một tổ chức nào? Đã có một số bài báo và luận án Tiến sĩ về đề tài này, nhưng tất cả theo tôi vẫn chỉ là các giả thuyết. Giá Bác có trực tiếp nói về câu chuyện này - ngay từ 1954, sau khi về thủ đô; hoặc sau 1960, khi bản dịch Nhật ký trong tù ra đời; hoặc giả Bảo tàng Hồ Chí Minh có một công trình chính thức về câu chuyện này mà tôi chưa được đọc, thì cho phép tôi được xin lỗi, để trình bày lại.
Trong ý tưởng thứ hai này tôi chỉ muốn khẳng định: Ngục trung nhật ký là một tập thơ ngẫu nhiên mà có trong một hoàn cảnh đặc biệt: Bác sang Trung Quốc và bị giam giữ ở nhiều nơi trong 14 tháng. Nếu không có hoàn cảnh đó, chắc chắn sẽ không có tập thơ. Một tập thơ Bác làm từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1943; nhưng phải 17 năm sau bản dịch tiếng Việt mới đến được với công chúng rộng rãi trong nước, và qua các bản dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài mà đến được với công chúng thế giới. Với điểm dừng cuối cùng là Bảo tàng cách mạng, như được nói trong Lời nói đầu bản dịch Nhật ký trong tù, in lần đầu năm 1960; và với khoảng cách 17 năm trong im lặng của nó, chứng tỏ người viết không quá quan tâm đến một sản phẩm do chính mình làm ra; nói cách khác, phải chăng Hồ Chí Minh đã không xem đó là một áng văn chương, hoặc có giá trị văn chương thực sự?
Nguồn: https://nguonluc.com.vn/nguc-trung-nhat-ky-buc-chan-dung-tu-hoa-cua-ho-chi-minh-phan-1-a17820.html