Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11
Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ, nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật hiệu lực từ tháng 11.
Bỏ quy định ghi âm, ghi hình giám sát cảnh sát giao thông
Hiệu lực từ 15/11, Thông tư 46/2024 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trong 5 hình thức nhân dân được giám sát công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, việc giám sát “thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình” không được áp dụng.
Các hình thức khác vẫn giữ nguyên, gồm: thông qua quan sát trực tiếp; tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Việc giám sát của người dân phải bảo đảm tuân thủ pháp luật liên quan, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ đang thực thi công vụ; không được vào khu vực thực thi công vụ, trừ người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tại nút giao An Phú, TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần
Tăng trợ cấp quân nhân đã xuất ngũ
Thông tư 53/2024 của Bộ Quốc phòng về điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ có hiệu lực từ ngày 1/11.
Quy định áp dụng cho quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo chế độ với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội; quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng chế độ trợ cấp theo chính sách đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975.
Mức trợ cấp mới được tính theo công thức mức hưởng tháng 6/2024 nhân 1,15.
Nới điều kiện xây trường cho Hà Nội, TP HCM
Nghị định 125 hiệu lực từ 20/11 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, trường mầm non, phổ thông khi thành lập cần đáp ứng các điều kiện cơ bản về đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình giáo dục, nhân lực. So với trước, những tiêu chuẩn cụ thể như diện tích đất tối thiểu trên một học sinh, hay các thiết bị cần có cho hoạt động giáo dục đã được bãi bỏ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thay đổi này nhằm tạo ra sự linh hoạt, phù hợp với việc điều chỉnh chương trình giáo dục theo sự phát triển kinh tế xã hội.
Nghị định bổ sung tiêu chí về diện tích sàn, nêu rõ: Với khu vực nội thành của các đô thị đặc biệt, trường học có thể dùng diện tích sàn thay cho diện tích khu đất xây trường. Hiện cả nước có hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP HCM. Quy định này nhằm khắc phục phần nào hạn chế tại các khu vực đô thị có mật độ dân số cao, quỹ đất để xây trường ngày càng hạn hẹp.
Học sinh tại một trường mầm non tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy
Thành lập TP Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh
Theo Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính tại tỉnh Quảng Ninh hiệu lực từ ngày 1/11, TP Đông Triều được thành lập nguyên trạng trên cơ sở thị xã Đông Triều với diện tích 395,950 km2, dân số 249.000. Cùng với đó, 4 phường Bình Dương, Thủy An, Bình Khê, Yên Đức được lập mới thuộc TP Đông Triều.
Thành phố mới thành lập phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Ninh định hướng đến năm 2030. Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Đông Triều đạt 14%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt hơn 163 triệu đồng, gấp 1,6 lần trung bình cả nước.
Sau khi thị xã Đông Triều lên thành phố, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là địa phương có nhiều thành phố nhất cả nước, gồm Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái và Đông Triều. Quảng Ninh cũng đang triển khai thủ tục, xây dựng hồ sơ để đề nghị thành lập TP Quảng Yên vào năm 2025. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình riêng.
Khối ngoại không cần ký quỹ 100% khi mua chứng khoán
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều về giao dịch, bù trừ và thanh toán, công bố thông tin trên thị trường chứng khoán của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 2/11. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu (khối ngoại) không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh như trước đây.
Để thực hiện, các công ty chứng khoán phải đánh giá năng lực của khách hàng nhằm xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận. Nếu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thiếu tiền, công ty chứng khoán sẽ thanh toán phần thiếu hụt thông qua tài khoản tự doanh của mình. Đơn vị này sẽ phải bán ngay khi chứng khoán về tài khoản.
Bộ Tài chính cũng chỉ rõ ngân hàng nơi nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mở tài khoản lưu ký chứng khoán sẽ chịu trách nhiệm thanh toán số tiền thiếu hụt nếu xác nhận sai số dư tiền gửi của khách hàng với công ty chứng khoán, dẫn tới thiếu tiền thanh toán giao dịch chứng khoán.
Nguồn: https://cualo.vn/chinh-sach-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-11/