Kinh tế Việt Nam cất cánh, tăng trưởng nhanh nhất khu vực 10 năm tới

Chuyên mục: Tài chính

Các chuyên gia nước ngoài nhận định lực lượng lao động chất lượng cao là một trong những nhân tố giúp kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất khu vực trong thập kỷ tới.

Theo báo cáo "Đón đầu làn sóng mới: Triển vọng Đông Nam Á 2024-2034”, công bố đầu tháng 8, của ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) và 02 đơn vị tư vấn là Bain & Company cùng Angsana Council, Việt Nam được dự báo là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong thập kỷ tới.

Báo cáo được thực hiện dựa trên khảo sát, dự báo hiệu suất của 6 nền kinh tế lớn trong khu vực, gồm Việt Nam, Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia và Thái Lan. Theo báo cáo, nền kinh tế Đông Nam Á sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong thập kỷ tới, với GDP và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vượt qua Trung Quốc. Mức tăng trưởng được dự báo của ASEAN thập kỷ tới sẽ đạt 5,1% mỗi năm. Con số này có được là nhờ nền kinh tế nội địa của mỗi nước tăng trưởng mạnh và đầu tư gia tăng do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Việt Nam và Philippines sẽ có mức tăng trưởng nhanh nhất, trong đó Việt Nam sẽ luôn dẫn đầu. Báo cáo nhận định Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6,6% trong giai đoạn 2024 - 2034, vượt xa mức trung bình của khu vực.

Theo các chuyên gia, mức tăng trưởng nhanh của Việt Nam xuất phát các yếu tố tích cực như nền kinh tế định hướng xuất khẩu, có ưu thế để tận dụng xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, nguồn FDI đa dạng, cạnh tranh địa phương tốt, đặc biệt là hệ thống giáo dục và lực lượng lao động chất lượng cao.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính đến quý đầu năm 2024, Việt Nam có khoảng 52,4 triệu người trong độ tuổi lao động từ 15 trở lên, tăng 175,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Con số này phản ánh sự gia tăng đáng kể của lực lượng lao động Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế. Với nguồn nhân lực dồi dào, Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiềm năng trong việc thu hút đầu tư và góp phần nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Trước đó, hồi đầu tháng này, các chuyên gia của Nikkei Asia cũng đưa ra nhận định rằng nhờ ưu thế sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao tiềm năng, Việt Nam đang đang thu hút ngày càng nhiều các công ty công nghệ cao đầu tư, mở rộng cơ sở sản suất, biến nước này thành trung tâm bán dẫn mới của thế giới.

BOS Semiconductors, một công ty chuyên thiết kế chip AI, bao gồm cả cho xe tự lái, cho các khách hàng ô tô như Hyundai của Hàn Quốc đã vào Việt Nam năm 2022. Họ đặt trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh để thành lập một nhóm nhân viên tư vấn thí điểm. Sau khi so sánh giữa các nhóm nhân viên nội địa và Việt Nam, lãnh đạo công ty đã quyết định mở rộng nhóm tại Việt Nam do chất lượng của các kỹ sư tại đây. Một lãnh đạo của BOS Semiconductors cho biết Việt Nam có thể sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển chính của công ty này trong tương lai.

Trong khi đó, một ông lớn trong ngành chip của Mỹ là Marvell đã mô tả Việt Nam như “một trung tâm chiến lược để phát triển lực lượng kỹ sư chất lượng cao”. Công ty hoạt động ở Việt Nam từ năm 2013 và chỉ sau 10 năm đội ngũ lao động của Marvell đã tăng từ khoảng hơn 10 người lên con số hơn 400 nhân viên. Công ty đặt mục tiêu mở thêm một trụ sở tại Đà Nẵng và tăng số lượng nhân viên tại Việt Nam lên khoảng 500 vào năm 2026. “Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất chip lớn thứ ba của Marvell, chỉ sau Mỹ và Ấn Độ”, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam Lê Quang Đạm khẳng định.

Nguồn: https://nguonluc.com.vn/kinh-te-viet-nam-cat-canh-tang-truong-nhanh-nhat-khu-vuc-10-nam-toi-a17282.html

Chia sẻ
Vòng loại World Cup 2026 Xem thêm