T7, 12/06/2021 2:49 chiều | Duy An

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Dự kiến thời gian bão đổ bộ vào đất liền tại khu vực Thái Bình đến Thanh Hóa, khoảng 10h ngày 13/6.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngày 12/6, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) đã có cuộc họp về ứng phó tình hình ATNĐ có thể mạnh lên thành bão.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, đến 4h sáng ngày 12/6, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông. Cách bờ biển Hà Tĩnh khoảng 480 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 16h ngày 12/6, vị trí tâm bão ở khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Tây đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: Phía Bắc vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông.

Ông Khiêm cho biết, dự kiến thời gian bão đổ bộ vào đất liền tại khu vực Thái Bình đến Thanh Hóa, khoảng 10h ngày 13/6, thời điểm bão đổ bộ vào kỳ triều trung bình.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, cần chú ý việc mưa lớn và cảnh báo dông, lốc, sét, gió giật mạnh ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Theo đó, từ chiều nay đến ngày 14/6, ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 80-150 mm/đợt, có nơi trên 150 mm/đợt; riêng khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hòa Bình, Phú Thọ có tổng lượng mưa phổ biến 150-250 mm/đợt, có nơi trên 350 mm/đợt.

Cùng với đó Ban Chỉ đạo cũng đưa ra thông tin cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, mưa dông trên biển. Ngày 12/6, khu vực phía Tây Bắc của Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh. Từ chiều 12/6, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2-3 m, biển động mạnh.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên trong ngày và đêm 12/6, ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2 m-3 m; biển động. Về diễn biến mưa trên đất liền, nhiều nơi có lượng mưa rất lớn.

Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, tính đến 6h00 ngày 12/6, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.732phương tiện/225.936 ngườibiết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi trồng thủy sản các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Định có: 105.600 ha; 27.600 lồng bè; 3.900 chòi canh. Về trồng trọt, theo báo cáo sơ bộ của Cục Trồng trọt, hiện nay, khu vực đồng bằng Bắc Bộ còn khoảng 100.000 ha lúa Đông Xuân đến thời kỳ thu hoạch/1,098 triệu ha gieo trồng.

Theo báo cáo của Vụ Quản lý đê điều, trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 33 vị trí đê điều xung yếu gồm 24 đoạn đê (với chiều dài 37,22 km) và 9 cống dưới đê.

Ngoài ra, hiện có nhiều công trình đang thi công dở dang như ở tỉnh Thái Bình có 3 công trình là : Thi công mặt đê biển 8, cống Láng Quai đê cửa sông Diêm Hộ, kè Thiên Kiều đê cửa sông Trà Lý; tỉnh Ninh Bình có đê biển Bình Minh 4; tỉnh Nghệ An có đê Đông Hồi….

Về tình hình hồ chứa, tổng số các hồ khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ 4.866 hồ. Mực nước các hồ ở mức thấp, dung tích từ 25-82% dung tích thiết kế. Cùng với đó,khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có 250 hồ chứa thủy điện, hiện mực nước đang ở mức thấp.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Phòng chống thiên tai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cho biết đơn vị này đã ban hành Công điện gửi các tỉnh phía Bắc; ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định và các bộ, ngành liên quan để chủ động ứng phó với ATNĐ khẩn cấp có khả năng mạnh lên thành bão.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT đã ban hành các công điện và công văn tới các địa phương để nắm được tình hình và chủ động ứng phó, đồng thời đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố: Theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn trên cả 2 tuyến biển và đất liền; Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, hướng dẫn kỹ năng nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả, phù hợp với diễn biến ATNĐ.

Cùng với đó cần chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình cụ thể tại các địa phương, đặc biệt đối với các khu vực cần tổ chức sơ tán dân. Các địa phương cần tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT.

Tác giả:  Đỗ Hương

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Bài viết cùng chuyên mục