T3, 18/05/2021 4:22 chiều | Duy An

Sáng 18/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đoàn công tác của Bộ Y tế đến kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

“Chúng ta phải làm mạnh còn hơn đuổi theo dịch”

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết hiện tỉnh Bắc Giang đã tiến hành giãn cách theo Chỉ thị 15 đối với 4 huyện, trong đó huyện Việt Yên và 1 phần huyện Yên Dũng là nguy cơ nhất – 3 xã đã cách ly theo Chỉ thị 16 từ đêm ngày 17/5.

“Đối với những chỗ nguy cơ nhất, tỉnh thực hiện giãn cách vòng ngoài nhưng cách ly bên trong. Cách ly nhà với nhà”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thông tin.

Ông Lê Ánh Dương cũng cho biết tại các khu công nghiệp của tỉnh, thành phần công nhân rất phong phú, đa đạng…

“Do đó, chúng tôi phải quyết định cách ly toàn bộ huyện Việt Yên để công nhân không tỏa đi các tỉnh, không về quê. Đây là nơi có nguy cơ nhất, tập trung đông công nhân, 100.000 người đến từ 57 tỉnh, thành trên cả nước (hiện Bắc Giang đã gửi danh sách cho các tỉnh, để tiến hành giám sát).

Khu nhà trọ quanh khu Công nghiệp Quang Châu cũng đã được phong tỏa, đã tiến hành lấy mẫu nghiệm xét 28.000 người dân, mới phát hiện ca bệnh liên quan ổ dịch trong công ty, chưa lan ra cộng đồng”- ông Lê Ánh Dương thông tin.

Bắc Giang ghi nhận 400 ca F0 chỉ trong 1 tuần, Bộ trưởng Bộ Y tế thúc giục đuổi theo dịch - Ảnh 1.

Bộ trưởng làm việc với tỉnh Bắc Giang.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 với những khu vực nguy cơ. “Chúng ta phải làm mạnh còn hơn đuổi theo dịch” – Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị tỉnh xét nghiệm ngay vòng 2 từ nay đến cuối tuần.

Tình trạng báo động cao nhất

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số nhà máy, xí nghiệp đông công nhân làm việc trong môi trường kín, tỉnh Bắc Giang đã tạm dừng hoạt động của khu công nghiệp, thực hiện phong tỏa toàn huyện Việt Yên và 3 xã lân cận của huyện Yên Dũng nơi có công nhân ở trọ, nhằm hạn chế tình trạng công nhân ở khu công nghiệp trở về các tỉnh, thành khác.

Tuy nhiên, trước đó đã có những công nhân hằng ngày đi về Hà Nội, Bắc Ninh và một số tỉnh khác nên những địa phương này ghi nhận 1 số ca mắc liên quan.

Hiện huyện Việt Yên có khoảng 100.000 công nhân của 57 tỉnh thành đến làm việc, chiếm 1/3 dân số toàn huyện. Các huyện khác là Lạng Giang, Lục Nam và các xã, thị trấn còn lại của Yên Dũng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến sáng nay, tỉnh Bắc Giang ghi nhận hơn 400 ca mắc COVID-19 tại 2 khu công nghiệp đều nằm trên địa bàn huyện Việt Yên. Ổ dịch tại khu Công nghiệp Vân Trung liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sau đó lây sang khu công nghiệp Quang Châu.

Dự báo số công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính tại Bắc Giang tiếp tục được ghi nhận khi ngày hôm nay khi tỉnh này hoàn thành hơn 70.000 mẫu xét nghiệm nữa.

Trong thời gian tới Bắc Giang vẫn đối mặt tình trạng tiếp tục gia tăng ca nhiễm.

Theo Bộ trưởng, tình hình dịch tại Bắc Giang có nhiều điểm khác biệt, dịch xảy ra ở khu công nghiệp, đặc biệt là tại nhà máy, số ca nhiễm tăng nhanh trong một thời gian rất ngắn.

Tính từ ngày 8/5, tỉnh phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên và sau hơn 1 tuần đã phát hiện hơn 400 ca F0, kéo theo đó, số F1 tăng rất nhanh gây áp lực lớn về cách ly và điều trị. Dịch từ một nhà máy, 1 khu công nghiệp đã lan ra các khu công nghiệp khác, lan ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh và đã có ca xâm nhập vào một số tỉnh, thành khác.

“Chúng tôi nhận định trong thời gian tới, Bắc Giang vẫn đối mặt tình trạng tiếp tục gia tăng ca nhiễm, đặc biệt là trong khu công nghiệp đã phong tỏa, một số địa bàn khu dân cư có mối quan hệ mật thiết với công nhân khu công nghiệp. Chúng tôi cũng cho rằng khả năng lây nhiễm trong cộng đồng là rất lớn, có thể bây giờ chưa thể hiện, nhưng mấy ngày nữa sẽ có thể phát hiện thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng. Khi đó, chúng ta phải đối mặt với 2 mặt trận: khu công nghiệp và cộng đồng.

Tỉnh phải đặt trong trạng thái báo động rất cao, ở mức độ cao nhất để kiểm soát thật tốt tình hình dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, tốc độ lây nhiễm lần này cũng cao hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước, biến chủng của Ấn Độ có tần suất lây nhanh hơn biến chủng của Anh, vì vậy phải chặn nhanh, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng.

Bắc Giang cần phong tỏa toàn bộ huyện Việt Yên và một số xã của Yên Dũng do người dân giữa 2 huyện này giao lưu nhiều. Phong tỏa phải làm thật nghiêm, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Về xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng tốc độ trả mẫu của tỉnh còn hạn chế.

“Hiện Bộ Y tế đã cho xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Nếu dương tính thì phải xét nghiệm lại PCR. Tuy nhiên, ngay cả khi chờ xét nghiệm PCR mà kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính thì vẫn phải xử lý như ca dương tính. Tỉnh nên huy động xét nghiệm tổng lực, trong đó đẩy nhanh xét nghiệm kháng nguyên”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

“Đơn vị nào có năng lực, đủ điều kiện xét nghiệm thì tiến hành thực hiện ngay. Chúng tôi không hạn chế. Giải toả ngay 70.000 mẫu để phát hiện ngay F0 và tiến hành ngay các biện pháp phòng chống dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Ngay tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giao Viện Vệ sinh dịch tễ TW, BV Bạch Mai, Trường Đại học Y Hà Nội và BV Nhi TW hỗ trợ Bắc Giang xét nghiệm sàng lọc COVID-19.

Bộ Y tế đã hỗ trợ Bắc Giang 40.000 sinh phẩm xét nghiệm PCR, tuy nhiên, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ thêm 20.000 sinh phẩm xét nghiệm nữa cho tỉnh, tổng là 60.000 sinh phẩm xét nghiệm PCR.

Về trang thiết bị phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế giao Vụ Kế hoạch tài chính rà soát lại ngay lập tức và cấp xuất, chuyển ngay khẩu trang, quần áo bảo hộ cho Bắc Giang.

“Tinh thần chung của Thủ tướng là hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang phòng chống dịch”– Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Thiếp lập ngay 50 phòng ICU phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại chỗ

Bắc Giang ghi nhận 400 ca F0 chỉ trong 1 tuần, Bộ trưởng Bộ Y tế thúc giục đuổi theo dịch - Ảnh 4.

Bộ trưởng lưu ý Bắc Giang cần tính tới kịch bản 3.000 người mắc.

Về cách ly, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị phải thực hiện nghiêm cách ly các trường hợp F1, tuy nhiên Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang trao đổi ngay với Quân khu 1 để hỗ trợ giải toả người cách ly. Tránh để tần suất dày, nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Về điều trị, đến thời điểm hiện nay Bắc Giang chuẩn bị 600 giường bệnh, có thể nâng lên công suất thành 1.500 giường. Hiện tỉnh có hơn 400 bệnh nhân.

“Trong công tác điều trị của Bắc Giang sẽ hình thành nhiều cấp độ khác nhau. Chúng tôi đồng ý với tỉnh về chủ trương bệnh nhân nhẹ chuyển vào bệnh viện dã chiến theo dõi, điều trị; bệnh nhân nặng chuyển vào điều trị tại BVĐK tỉnh”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu ngay trong chiều nay, BV Bạch Mai khảo sát, thiết lập ngay các phòng ICU, ít nhất là 50 phòng vì hiện nay BV Bệnh Nhiệt đới TW đã cách ly nên cần điều trị bệnh nhân nặng ngay tại địa phương.

“Ngoài bộ phận thường trực về điều trị đã cử xuống Bắc Giang hỗ trợ trực tiếp. Các chuyên gia của Tiểu ban điều trị sẽ kết nối hỗ trợ tỉnh chẩn đoán, điều trị những ca bệnh khó, nặng qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa khi cần. Chúng tôi luôn sát cánh với tỉnh”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nói.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng bày tỏ đồng tình với việc tỉnh Bắc Giang xây dựng kịch bản 3.000 người mắc, tuy nhiên Bộ trưởng lưu ý tỉnh phải xây dựng kịch bản về hậu cầu, điều trị, trong đó phải có 3.000 giường bệnh.

Về sản xuất trong các khu công nghiệp của tỉnh, cần phải tiến hành giãn cách, không để công nhân làm việc 100% công suất.

Tác giả: Ngọc Minh

Nguồn tin: Doanh nghiệp và Tiếp thị

Bài viết cùng chuyên mục