T7, 16/10/2021 6:05 chiều | Duy An

Nhiều tỉnh, thành đã xác định cấp độ nguy cơ và cho mở lại nhiều hoạt động theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Ngày 15-10, nhiều tỉnh, thành đã kịp ra văn bản tạm thời áp dụng một số biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10 của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12-10 của Bộ Y tế. Một số địa phương chưa kịp ra văn bản thì đang gấp rút hoàn thiện.

Nhìn chung, trừ các hoạt động có nguy cơ cao và vận tải liên tỉnh phải chờ thì các hoạt động khác đã mở lại nhưng kèm nhiều điều kiện.

Đà Nẵng mở lại nhiều hoạt động từ 0 giờ hôm nay

Theo văn bản ngày 15-10 của UBND TP Đà Nẵng, từ 0 giờ ngày 16-10, vùng cách ly y tế do chủ tịch UBND quận, huyện quyết định thiết lập khi có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể.

56/56 phường, xã ở Đà Nẵng được xác định nguy cơ ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) và tiếp tục tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ làm đẹp (trừ cơ sở cắt tóc, gội đầu), karaoke, massage, quán bar, vũ trường, casino, điểm cung cấp dịch vụ Internet công cộng, trò chơi điện tử.

Đồng Nai được đánh giá ở cấp độ bình thường mới. Ảnh: V.HỘI
Hà Nội ở cấp độ dịch thấp nhấtTheo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, toàn bộ 30/30 quận, huyện của Hà Nội đều ở cấp độ 1. Theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, hầu hết hoạt động đi lại, kinh doanh, sản xuất trên địa bàn Hà Nội phải được diễn ra bình thường, không bị hạn chế, trừ những lĩnh vực có nguy cơ lây nhiễm cao như quán bar, karaoke…

Các hoạt động sau đây được mở như hội họp, tập huấn, hội thảo, tôn giáo, thờ tự, tín ngưỡng thì tập trung không quá 40 người. Trường hợp có từ 95% số người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng sáu tháng thì tập trung không quá 120 người. Tiệc, đám hiếu, đám hỷ, liên hoan, tân gia… tổ chức tại nhà riêng tập trung không quá 30 người.

Hoạt động phục vụ khách ăn, uống tại chỗ phục vụ tối đa không quá 50% công suất của cơ sở (nhưng không quá 200 người cùng một thời điểm).

Hoạt động tại cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao trong nhà không quá 40 người. Nếu có từ 95% số người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh trong vòng sáu tháng thì tập trung không quá 200 người. Nếu tổ chức ngoài trời thì không quá 100 người và không quá 300 người nếu đã được tiêm đủ liều vaccine, khỏi bệnh.

Hoạt động các cơ sở dịch vụ cắt tóc, gội đầu: Phục vụ không quá năm người cùng một thời điểm.

Đối với hoạt động dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, hoạt động vận tải sẽ thực hiện theo kế hoạch, lộ trình được quy định tại các văn bản riêng.

Trong tất cả hoạt động, người dân phải thực hiện nghiêm quy định 5K, thường xuyên sử dụng mã QR khi vào/ra địa điểm công cộng…

Vĩnh Long: Người dân hạn chế ra đường ban đêm

Tại Vĩnh Long, ngày 15-10, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh, đã ký quyết định về việc tạm áp dụng các biện pháp hành chính trong phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, áp dụng từ ngày 16 đến hết 31-10.

Theo đó, có 13 tổ, khóm, ấp nhà trọ ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) và giao chủ tịch UBND cấp huyện quyết định việc phong tỏa cách ly y tế cục bộ trên tinh thần “hẹp và chặt”.

Các địa bàn còn lại trên địa bàn tỉnh áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình).

Với địa bàn ở cấp độ 2, người dân vẫn hạn chế đi ra đường khi không cần thiết trong khoảng thời gian từ 21 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau.

Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người. Tạm dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.

Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện hoạt động giao thông đường bộ, đường thủy liên tỉnh và nội tỉnh theo quy định của Bộ Y tế và của bộ trưởng Bộ GTVT.

Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, khách sạn, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động.

Tiếp tục tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu có nguy cơ lây nhiễm cao như cơ sở làm đẹp (trừ dịch vụ cắt tóc, uốn tóc); khu vui chơi, giải trí; quán bar; karaoke; game; massage; phố đi bộ; chợ đêm.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phục vụ khách tại chỗ nhưng không được mở cửa quá 21 giờ, đảm bảo khoảng cách giữa bàn với bàn tối thiểu 2 m hoặc có vách ngăn (tối đa phục vụ không quá 50% công suất). Riêng cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống ven quốc lộ, các tuyến đường thuộc luồng xanh quốc gia không được kinh doanh phục vụ tại chỗ (chỉ được bán mang đi).

Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo… được hoạt động và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Đối với người dân ra, vào tỉnh thì thực hiện theo quy định của Bộ Y tế và Bộ GTVT. Riêng đối với người dân Vĩnh Long ra khỏi tỉnh và trở về; người dân từ tỉnh ngoài đến Vĩnh Long: Ngoài các yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế và Bộ GTVT, phải thực hiện cách ly theo quy định phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của tỉnh…

Đồng Nai được đánh giá ở mức bình thường mới

Ngày 15-10, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết ở quy mô cấp tỉnh, Đồng Nai xếp cấp độ 1 (bình thường mới).

Ở quy mô cấp huyện, có ba địa phương ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) là TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Trảng Bom.

Có tám địa phương còn lại xếp cấp độ 1 (bình thường mới) gồm: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Cẩm Mỹ, Tân Phú, Long Thành, Nhơn Trạch và TP Long Khánh.

Đánh giá cấp độ dịch theo quy mô cấp xã, cấp độ 3 có tám xã, phường, chiếm 4,70%; cấp độ 2 vùng có nguy cơ trung bình là 12 xã, phường, chiếm 7,06%; cấp độ 1 vùng bình thường mới là 150 xã, phường, chiếm 88,23%.

Đồng Nai đã gửi văn bản đến 30 tỉnh, thành yêu cầu thống nhất thí điểm các tuyến cố định. Tuy nhiên, đến nay mới có ba tỉnh, thành là Bình Dương, TP.HCM và Vĩnh Long thống nhất cùng Đồng Nai để vận tải hành khách lưu thông các tuyến cố định.

Trong hai ngày thí điểm, có 28 người từ Hà Nội vào ga Biên Hòa và hơn 300 người từ TP Biên Hòa ra ngoài Hà Nội. Những hành khách đi lại đều được Sở GTVT gửi các địa phương nắm lịch trình để theo dõi theo quy định của Bộ Y tế.

Sau khi UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định xếp loại cấp độ 1, Sở GTVT sẽ họp với các đơn vị GTVT, các bến xe để triển khai, xây dựng phương án chuẩn bị hoạt động trở lại. VŨ HỘI

Các địa phương mở lại nhiều hoạt động theo Nghị quyết 128 - 2

Đồng Nai đánh giá nguy cơ cấp độ 1. Ảnh: VH

Theo Nhóm PV (Pháp luật TPHCM)

Bài viết cùng chuyên mục