T3, 09/07/2019 10:27 chiều | Duy An

Lợi dụng tuyến đường tuần tra vành đai biên giới của nước bạn Lào, các đường dây gỗ lậu có thể dễ dàng tiếp cận rừng nguyên sinh biên giới Tây Nghệ An để khai thác gỗ trái pháp luật.

Để đến điểm đầu của tuyến đường tuần tra biên giới Lào, đi qua cửa khẩu Thông Thụ chừng dăm km, đến bản Nậm Táy, huyện Xăm Táy, tỉnh Hủa Phăn. Tại đây sẽ có một lối rẽ bên trái nhập vào đường tuần tra biên giới. Trong ảnh: Đoạn đầu đường tuần tra biên giới nước bạn Lào, thuộc địa phận bản Nậm Táy.
Tuyến đường này mới chỉ được đơn vị thi công cắt xẻ đồi núi tạo hình, đắp bề mặt đường bằng đất, đá.
Theo cán bộ huyện Xăm Táy, do không có kinh phí nên Chính phủ Lào cho phép Công ty Xẻng Thoong (trúng thầu thi công) được khai thác gỗ hai bên tuyến đường. Vì vậy, những cánh rừng hai bên tuyến đường đều đã bị cắt trụi. Hiện nay, do thiên tai, đường đã bị xuống cấp, hư hỏng ở nhiều đoạn. Trong ảnh: Đoàn công tác tỉnh Nghệ An và huyện Xăm Táy (Lào) kiểm tra hiện trường.
Hình ảnh thường thấy trên đường tuần tra biên giới Lào là những ngọi núi trọc do bị khai thác gỗ, hoặc phát đốt làm nương rẫy.
Ven đường tuần tra biên giới Lào, có không ít điểm cất dấu gỗ đã qua sơ chế. Trong ảnh: Anh Lưu Nhật Thành – Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Pù Hoạt kiểm tra gỗ cất dấu ven đường tuần tra của nước bạn Lào.
Đường tuần tra biên giới Lào chỉ cách rừng nguyên sinh Khu BTTN Pù Hoạt một thung lũng và một dốc núi, ước lượng chừng 1km. Bởi vậy, rất thuận lợi cho những kẻ khai thác gỗ trái pháp luật. Năm 2014, tại thung lũng này, lực lượng chức năng của Lào đã bắt một vụ khai thác trái phép gỗ từ rừng Việt Nam.
Đi trên đường tuần tra biên giới Lào, đoàn công tác tỉnh Nghệ An ghé vào bản Pà Khốm, một trong 9 bản H.Mông sát biên giới Việt Nam thuộc hai huyện Xăm Táy và Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn. Trong ảnh: Già làng bản Pà Khốm, ông Cha Vừ Thò trò chuyện với đoàn công tác.
Không ít nhà các hộ dân bản Pà Khốm có gỗ sa mu dầu chất quanh nhà. Trong ảnh: Anh Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Khu BTTN Pù Hoạt ghi nhận hình ảnh gỗ sa mu quanh nhà một hộ dân bản Pà Khốm.
Trong chuyến thực địa đường tuần tra biên giới Lào, đoàn công tác giúp huyện Xăm Táy phát hiện, thu giữ trên 20m3 gỗ lậu, là loại gỗ sa mu dầu và pơ mu
Gỗ lậu sẽ được tiêu thụ ở đâu? Tất cả các cán bộ chức năng của Lào khi được hỏi như vậy đều khẳng định: Gỗ lậu được đưa về Việt Nam tiêu thụ. Và đường đi của gỗ lậu thì có rất nhiều. Có thể là qua Nghệ An. Cũng có thể qua các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, thậm chí cả Lai Châu. Trong ảnh: Cửa khẩu Tha Lấu của nước bạn Lào trên địa bàn huyện Xăm Táy; phía bên kia là cửa khẩu Khẹo, thuộc địa bàn xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Bài viết cùng chuyên mục