CN, 27/01/2019 10:20 sáng | Duy An

Các cơ quan chức năng đang nỗ lực hết sức, đưa ra nhiều giải pháp, huy động nhiều nguồn lực để giúp người dân trên đường về quê ăn tết bớt nhọc nhằn.

Hành khách chuẩn bị lên xe về quê tại bến xe Miền Đông, TP.HCM chiều 26-1 – Ảnh: TUYẾT KIỀU

Các lực lượng đang tăng cường người, xây dựng nhiều phương án, kịch bản giải quyết các sự cố, ùn tắc.

Lên phương án xử lý ùn tắc, trễ giờ

Từ 7h30 sáng 26-1, lượng khách tại bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đông đúc, chủ yếu là khách mua vé các tuyến về Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam… trong khi nhiều nhà xe đã dán bảng thông báo hết vé tết.

Đến 10h sáng, các hàng ghế chờ tại bến xe này đã kín chỗ, hành khách ngồi la liệt chờ đến giờ xe xuất bến…

Trong bến đã đông, giao thông tại nhiều tuyến đường xung quanh bến xe Miền Đông như quốc lộ 13, Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức), Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí… (Q.Bình Thạnh) xe cộ đông nghẹt, di chuyển chậm chạp.

Trên tuyến quốc lộ 13 đường nhỏ hẹp, hàng ngàn xe máy, ôtô chen chúc nhau nhích từng chút một. Khu vực cầu Sài Gòn, ngã tư Hàng Xanh, tuyến đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) cũng rất đông xe cộ. Lực lượng cảnh sát giao thông phải vất vả ở các ngã tư điều tiết phương tiện.

Cũng tại bến xe Miền Đông trong chiều tối 25-1, các phương tiện giao thông gần như chật kín, nhích từng chút trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến bến xe Miền Đông).

Tại mỗi cổng ở bến xe Miền Đông có ít nhất 2-3 bảo vệ vừa điều tiết xe ra vào vừa nhắc nhở các phương tiện dừng đậu trước cổng quá lâu.

Ghi nhận tại bến xe Miền Tây, từ 12h ngày 26-1 hành khách tập trung mua vé đi về các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre… cũng đông hơn những ngày trước đó.

Theo ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân – phó tổng giám đốc bến xe Miền Tây, dự báo lượng khách vào ngày 26-1 (21 tháng chạp) khoảng 36.500 người, tương ứng với 1.400 lượt xe. Do đặc điểm chặng đường ngắn nên lượng khách tập trung đông nhất từ 27 tháng chạp.

Bến xe này cũng đề xuất TP xét cấp 600 phù hiệu xe chạy tuyến cố định để tăng cường giải tỏa khách trong dịp tết, đồng thời tăng 20 xe buýt loại 40 chỗ để kịp thời giải tỏa hành khách vào ngày cao điểm.

Các doanh nghiệp vận tải tại bến bán đúng giá vé, không để ai có nhu cầu về quê phải ở lại TP dịp tết. Ông Huân cam kết không để xảy ra ùn ứ, dồn khách trong bến xe những ngày cao điểm.

Đại diện bến xe Miền Đông cũng cho biết lượng khách đến bến xe hơn 35.000 người và tiếp tục tăng trong những ngày cận tết.

“Cao điểm nhất là từ ngày 25 đến 28 tháng chạp, lượng khách qua bến xe có thể đạt 55.000 người/ngày. Điều này có nghĩa giao thông xung quanh bến xe sẽ đông đúc hơn, khả năng ùn ứ vào thời gian cao điểm là khó tránh khỏi” – vị đại diện này nói.

Tuy vậy, để hỗ trợ tối đa cho hành khách được về quê ăn tết, vị đại diện này cho hay đã chuẩn bị nhiều giải pháp. Cụ thể như bến xe tăng cường lực lượng bảo vệ 39 người/ca trực phối hợp với công an địa phương điều tiết giao thông và bảo vệ an ninh trật tự trong bến xe.

Riêng đối với tình hình giao thông bên ngoài bến xe, lãnh đạo bến xe cũng đã họp, thống nhất phương án xử lý trật tự giao thông với các đội cảnh sát giao thông như Bình Triệu, Hàng Xanh.

Theo đó, ngoài lực lượng cảnh sát giao thông túc trực ở các ngã tư, khi nhận được thông tin về tình hình ùn tắc các tuyến đường xung quanh bến xe thì cử ngay lực lượng đến hiện trường điều tiết giải tỏa.

Đặc biệt, bến xe cũng có phương án linh hoạt giải quyết cho các trường hợp khách bị kẹt xe đến trễ như: nhà xe chờ thêm 5-10 phút, hoặc hoán đổi vé những người đến sớm (cùng tuyến).

Để đường về quê bớt nhọc nhằn - Ảnh 2.

Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Xả trạm nếu ùn tắc tại trạm BOT An Sương – An Lạc

Sở Giao thông vận tải TP.HCM yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng IDICO – nhà đầu tư trạm thu phí An Sương – An Lạc (quốc lộ 1, Q.Bình Tân) và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự tại khu vực trạm thu phí An Sương – An Lạc.

Theo đó, các lực lượng chức năng bố trí người theo dõi, xử lý tình trạng mất an toàn giao thông, không để tái diễn những sự cố tụ tập đông người gây ùn tắc. Trường hợp xảy ra ùn tắc phải xả trạm theo quy định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Gia Thái Bình – phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân – cho biết những ngày qua có một số trường hợp tài xế qua trạm không mua vé, cố tình dừng đậu gây ảnh hưởng đến giao thông tại trạm. Thậm chí có trường hợp lên mạng xã hội kêu gọi không mua vé, dừng tại trạm để phản đối…

Nhiều tuyến đường ở miền Tây được giặm vá, sửa chữa

Để đường về quê bớt nhọc nhằn - Ảnh 3.

Quốc lộ 60 đoạn qua tỉnh Bến Tre đang được sửa chữa, nâng cấp để phục vụ người dân về quê ăn tết – Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua Tiền Giang thời gian qua, Chi cục Quản lý đường bộ IV.3 (Bộ Giao thông vận tải) đã chi hơn 10 tỉ đồng để giặm vá một số đoạn bị xuống cấp nhằm tạo điều kiện cho xe qua lại trong dịp cao điểm tết.

Trong buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang mới đây, ông Nguyễn Xuân Cường – phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam – đã yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang tiến hành sửa chữa, giặm vá tuyến tránh thị xã Cai Lậy và mặt đường quốc lộ 1 thuộc phạm vi dự án.

Theo kế hoạch của Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, việc sửa chữa, duy tu mặt đường theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam được đơn vị này thực hiện trước Tết Nguyên đán 2019.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoàng Thanh – chánh văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh Tiền Giang, để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã thường xuyên kiểm tra thực tế trên tuyến đường này để kịp đề xuất nếu phát hiện những yếu tố gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

“Thời gian qua, chúng tôi đã kiến nghị các ngành chức năng khắc phục những “ổ gà” trên đường cao tốc để đảm bảo an toàn cho phương tiện qua lại” – ông Thanh nói.

Trên tuyến quốc lộ 60 đoạn qua tỉnh Bến Tre, những ngày này các đơn vị thi công đang gấp rút giặm vá mặt đường, thảm nhựa những đoạn mới được mở rộng.

Ông Lê Văn Hoàng, giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bến Tre, cho biết địa phương đã có văn bản yêu cầu các đơn vị thi công trên quốc lộ 60 – là tuyến đường huyết mạch nối các tỉnh duyên hải Tây Nam Bộ – nhanh chóng khắc phục những điểm xuống cấp, đồng thời kịp thời trả lại mặt đường cho người dân lưu thông dịp tết.

Hiện quốc lộ 60 đoạn gần cầu Rạch Miễu đã được mở rộng hoàn chỉnh, thông thoáng. Ông Hà Ngọc Nam, phó giám đốc Công ty TNHH BOT Cầu Rạch Miễu (tỉnh Bến Tre), cũng cho biết thêm năm nay cứu hộ xe gặp sự cố trên cầu Rạch Miễu sẽ được tăng cường.

“Việc này nhằm giúp rút ngắn thời gian giải quyết hiện trường để xe nhanh chóng qua lại cầu, vì thời điểm tết lượng xe rất đông. Chỉ cần bị sự cố nhỏ cũng có thể xảy ra ùn ứ, kẹt xe” – ông Nam nói.

Những giải pháp của Bộ GTVT

– Tổng cục Đường bộ Việt Nam có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra công tác phục vụ vận tải đường bộ của Sở GTVT, doanh nghiệp vận tải, đơn vị bến xe về thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải.

– Có phương án bố trí nhân lực ứng trực để kịp thời phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức điều tiết giao thông khi xảy ra ùn tắc. Các đơn vị thi công, hoàn trả mặt đường, tổ chức giao thông bảo đảm phương tiện lưu thông an toàn, không gây ùn tắc giao thông do việc thi công các công trình…

– Kiểm tra, chỉ đạo các trạm thu phí đường bộ kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện, hạn chế tình trạng ùn tắc trước khi vào trạm thu phí. Trong trường hợp xảy ra tắc đường trước khi vào trạm thu phí phải mở barie để giải tỏa phương tiện.

– Cục Hàng không Việt Nam có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm soát an ninh, an toàn bay.

T.P.

Theo: QUANG KHẢI – THU DUNG – MẬU TRƯỜNG (Tuổi trẻ)

 

 

Bài viết cùng chuyên mục