T3, 24/05/2022 5:15 chiều | Duy An

Việc phát hiện, xử lý cơ sở hành nghề y, dược không phép trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa triệt để. Còn rất nhiều cơ sở hành nghề y, dược không phép đang tồn tại, hoạt động…

Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền Hà Nội, có địa chỉ tại số nhà 28B, đường Trần Quang Diệu, phường Trường Thi, TP Vinh. Ảnh tư liệu

Hàng trăm cơ sở không phép bị đóng cửa

Anh Đậu Văn C. sinh năm 1990, trú tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An bị thoát vị đĩa đệm từ lâu. Thông qua mạng xã hội và sự giới thiệu của người bạn, ngày 14/3, anh C. đã đến Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền Hà Nội, có địa chỉ tại số nhà 28B, đường Trần Quang Diệu, phường Trường Thi, thành phố Vinh khám và điều trị.

Tại đây, anh C. được một người tự xưng là bác sĩ hỏi bệnh tình và tư vấn về gói dịch vụ điều trị chạy sóng máy, vật lý trị liệu, thủ thuật 5-6 lần (điều trị 3 ngày 1 lần) và 15 thang đông y sắc uống với giá 22 triệu đồng. Với mong muốn điều trị bệnh nên anh C. đã đồng ý thực hiện gói dịch vụ và thanh toán trước 10 triệu đồng.

Ngày 17/3, anh C. quay trở lại phòng khám này để điều trị tiếp. Anh C. được chỉ định tiếp tục điều trị vật lý trị liệu trong 3 ngày liên tục, đồng thời được yêu cầu tiếp tục nộp số tiền 12 triệu đồng còn lại nhưng anh C không đồng ý vì mới điều trị được mấy ngày. Đến ngày 20/3, anh C. tiếp tục nộp 12 triệu còn lại cho phòng khám này.

Theo anh C. thì có nhiều bệnh nhân đang điều trị ở phòng khám đã phải bỏ ra số tiền còn cao hơn số tiền anh bỏ ra để điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm…

Trước những thủ thuật điều trị lạ lùng không có trong danh mục kỹ thuật được Bộ Y tế phê duyệt, công thêm giá tiền điều trị quá cao mà phòng khám yêu cầu, người nhà anh C. đã làm đơn đề nghị Sở Y tế Nghệ An vào cuộc, làm rõ.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh của công dân, Sở Y tế Nghệ An đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra Phòng khám Y học cổ truyền Hà Nội. Qua thanh, kiểm tra, đoàn phát hiện phòng khám này chỉ mới có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do UBND thành phố Vinh cấp; chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh song vẫn thực hiện khám, điều trị cho bệnh nhân; không thực hiện niêm yết giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh…

Xem xét các nội dung vi phạm, thanh tra Sở Y tế Nghệ An đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền Hà Nội 47 triệu đồng; đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày 28/3/2022.

Nghệ An: Xử lý nghiêm những cơ sở hành nghề y, dược tư nhân không phép   - Ảnh 2.
Thanh tra Sở Y tế Nghệ An kiểm tra Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền Hà Nội hoạt động không phép

Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền Hà Nội hành nghề không phép, chặt chém khách hàng… bị xử phạt thích đáng không phải là câu chuyện hiếm và đơn lẻ ở Nghệ An trong 4 năm qua.  Trong 4 năm qua hàng trăm cơ sở y dược hoạt động không phép đã bị đóng cửa.

Trước đó, để chấn chỉnh hoạt động hành nghề y, dược không phép gây hại cho sức khỏe cộng đồng cũng như các vi phạm khác trong lĩnh vực này, ngày 29/01/2018, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Chỉ thị này Sở Y tế Nghệ An và các sở, ngành liên quan cùng các địa phương trong tỉnh đã tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý các vi phạm, đình chỉ những cơ sở vi phạm. Theo báo cáo của Sở Y tế Nghệ An, đơn vị này đã phối hợp Công an tỉnh, cục quản lý thị trường tỉnh thành lập 58 đoàn thanh kiểm tra tại 441 cơ sở hành nghề y, dược tại 21 huyện, thành, thị.

Qua đó, đoàn phát hiện 17 cơ sở chưa được cấp giấy phép hoạt động; xử lý vi phạm hành chính đối với 102 cơ sở có hành vi vi phạm. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 1,124 tỷ đồng… Sở Y tế Nghệ An cũng đã thực hiện hơn 75 đợt kiểm tra, giám sát ngẫu nhiên và phát hiện thêm 130 lượt cơ sở hành nghề không phép, chủ yếu là cơ sở răng hàm mặt, cơ sở bán thuốc chữa bệnh. Sở đã thông báo cho UBND các huyện xử lý theo quy định.

Về phía các UBND huyện, thành, thị trong tỉnh, UBND cấp huyện đã tổ chức theo định kỳ 1 – 2 lần/năm và kiểm tra đột xuất về hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn. Tính đến ngày 30/3/2022, 21 huyện, thành, thị đã thực hiện kiểm tra 2.255 lượt cơ sở, xử phạt 368 lượt cơ sở với số tiền 1,4 tỷ đồng triệu đồng và đình chỉ 620 cơ sở hành nghề không có giấy phép.

Theo thông tin từ Sở Y tế Nghệ An, tỉnh này hiện có 2.870 cơ sở hành nghề y dược, bao gồm 673 cơ sở hành nghề y (15 bệnh viện và 658 phòng khám đa khoa, chuyên khoa, dịch vụ y tế) và 2.197 cơ sở hành nghề dư­ợc (85 Công ty và chi nhánh, 507 Nhà thuốc,1605 Quầy thuốc).

Trước khi Chỉ thị 03 được ban hành, số cơ sở hành nghề không phép trong toàn tỉnh là 685 cơ sở và sau 4 năm, qua kiểm tra, số cơ sở hành nghề không phép đang hoạt động giảm mạnh… Có thể nói, Chỉ thị 03 đã đi vào cuộc sống. Các cơ sở hành nghề y, dược có phép được quản lý chặt chẽ hơn, chấp hành các quy định về chuyên môn tốt hơn. Công tác thanh kiểm tra về hành nghề y, dược được tăng cường, việc xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm hơn và kịp thời hơn.

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm

Chỉ thị 03 đã nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các cơ sở y dược ngoài công lập, tạo sự tiện lợi và góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Một số địa phương đã thực hiện tốt Chỉ thị 03 là TX. Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Đô Lương, Anh Sơn và Quỳ Hợp.

Nghệ An: Xử lý nghiêm những cơ sở hành nghề y, dược tư nhân không phép   - Ảnh 3.
Cơ quan chức năng kiểm tra 1 cơ sở hành nghề y dược không phép

Bên cạnh đó, công tác quản lý hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Một số huyện chưa xử lý dứt điểm, vẫn còn nhiều cơ sở hành nghề không phép trên địa bàn quản lý (Diễn Châu còn 10 cơ sở; Quỳnh Lưu còn 12 cơ sở; Nam Đàn còn 14 cơ sở; TP. Vinh còn 15 cơ sở). Việc kiểm tra xử lý vi phạm tại một số huyện chưa nghiêm (Kiểm tra, vi phạm nhưng không phạt tiền như TP. Vinh, huyện Diễn Châu, Yên Thành). Các huyện rà soát, thống kê cơ sở hành nghề không phép còn bỏ sót. Qua giám sát của Sở Y tế, thì thực tế số cơ sở hành nghề không phép nhiều hơn so với báo cáo.

DS Lê Hồng Lĩnh, Trưởng phòng Quản lý hành nghề, Sở Y tế Nghệ An cho biết: “Có phòng y tế báo cáo cả huyện chỉ còn 01 cơ sở hành nghề không phép nhưng khi Sở Y tế đi giám sát thực tế thì lại phát hiện thêm nhiều cơ sở không phép khác mà không được nêu trong báo cáo”.

Thực tế cho thấy, việc phát hiện, xử lý cơ sở hành nghề y, dược không phép trên địa bàn tỉnh chưa triệt để. Vẫn còn rất nhiều cơ sở hành nghề y, dược không phép đang tồn tại, hoạt động, gây bất ổn xã hội, không công bằng đối với đơn vị thực hiện nghiêm túc. Việc phát hiện cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập không phép, vi phạm là rất dễ. Vấn đề lâu nay là các cơ quan chức năng, địa phương có chịu xử lý hay không…

Chỉ thị 03 và Quy chế phối hợp về Quản lý hành nghề y, dược (Quyết định số 1491/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 của UBND tỉnh Nghệ An) đã phân cấp rất cụ thể. UBND cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý các phòng khám chuyên khoa, dịch vụ y tế, cơ sở dược (Nhà thuốc, quầy thuốc, đại lý bán thuốc) và tất cả các cơ sở hành nghề y, dược không có giấy phép trên địa bàn quản lý. Sở Y tế quản lý các Bệnh viện tư nhân, Phòng khám đa khoa và Công ty, Chi nhánh Dược.

Yêu cầu thực tế đặt ra là Nghệ An phải lành mạnh hóa hoạt động y dược ngoài công lập; khuyến khích các cơ sở đủ điều kiện hoạt động tốt; phải thật sự trách nhiệm, cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm, không để hành nghề không phép, không đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn.

Nghệ An: Xử lý nghiêm những cơ sở hành nghề y, dược tư nhân không phép   - Ảnh 4.
Một cơ sở răng hàm mặt hoạt động không phép ở đường Nguyễn Thị Ngọc Oanh, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh

PGS.TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và UBND cấp huyện thực hiện nghiêm Chỉ thị 03 và xử lý dứt điểm hành nghề không phép; tiếp tục chỉ đạo và gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh trong ngành, nếu để nhân viên là y, bác sĩ tham gia hoạt động hành nghề không phép thì thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở; đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về hành nghề y, dược tư nhân; chỉ đạo và phối hợp với UBND cấp huyện kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm những cơ sở hành nghề có vi phạm tại các huyện, thành, thị xã.

Người đứng đầu ngành y tế Nghệ An đề nghị: UBND các huyện, thành, thị cần đẩy mạnh công tác truyền thông về quy định của pháp luật trong hành nghề y, dược tư nhân. Chủ tịch UBND huyện, thành, thị cần triển khai chỉ đạo các đơn vị liên quan trên địa bàn; tổ chức kiểm tra thường xuyên, đột xuất, xử lý dứt điểm và đăng tải những cơ sở hành nghề không phép lên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.

UBND các huyện, thành, thị cần giao UBND cấp xã quản lý chặt chẽ không để công dân tham gia hành nghề y, dược không phép trên địa bàn và nếu có hành nghề không phép thì Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện; đưa công tác quản lý hành nghề y, dược vào tiêu chí xếp loại thi đua hàng năm cho UBND cấp xã… Các sở, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với ngành y tế và UBND cấp huyện trong công tác quản lý hành nghề y, dược theo quy định tại Quy chế phối hợp về Quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập.

Sở Y tế Nghệ An khuyến cáo: Khi mắc bệnh, người dân cần đến bệnh viện, phòng khám chuyên khoa, các cơ sở y tế có đủ điều kiện, được Sở Y tế thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện khám chữa bệnh. Tuyệt đối không nên đến cơ sở chưa được cấp phép để khám chữa bệnh, … để khỏi bị tiền mất, tật mang.

Tác giả: Khánh Tâm – Thanh Sơn

Nguồn tin: suckhoedoisong.vn

Bài viết cùng chuyên mục