T3, 26/01/2021 5:27 chiều | Duy An

Từ thực tiễn đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, chúng ta đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm quý.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai quyết liệt, bài bản

Sáng 26/1, tại phiên khai mạc Đại hội Đảng XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt đoàn Chủ tịch trình bày báo cáo của BCH TƯ Đảng khoá XII về các văn kiện trình Đại hội khoá XIII.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đại hội XIII là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước và dân tộc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển của đất nước.

“Cán bộ, đảng viên, nhân dân ta đang náo nức chờ mong, tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, sáng suốt của Đại hội”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Với các dấu mốc quan trọng được đề ra trong văn kiện trình Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định điều này có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói, 5 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Đất nước phát triển nhanh, bền vững, củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao, khoảng 5,9%. Nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém từ các năm trước đã được tập trung giải quyết, đạt được những kết quả bước đầu…

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, nhiều vấn đề phức tạp được đặt ra và thực hiện từ các năm trước nhưng hiệu quả còn thấp, trong nhiệm kỳ này đã có chuyển biến tích cực.

Công tác kiểm tra, giám sát và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt được những kết quả cụ thể, rõ rệt.

Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, điều tra, khởi tố, xét xử nghiêm minh, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh; được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao và đồng tình ủng hộ.

Tình trạng tham nhũng, tự suy thoái, tự chuyển hóa trong Đảng và trong hệ chống chính trị từng bước được kiềm chế, ngăn chặn.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động mạnh lên nước ta, gây nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội. Nhưng với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, Việt Nam đã đạt được những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước.

Trong khi kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4% thì kinh tế Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng 2,91%, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi là điểm sáng trong việc thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch Covid-19 thành công, vừa phục hồi phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống, an toàn cho người dân.

“Đó là chúng ta chưa kể thiên tai bão lũ dồn dập xảy ra ở miền trung trong thời gian rất ngắn, chúng ta nỗ lực khắc phục đến mức tối đa”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ.

Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa.

Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới.

“Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu - Ảnh 1.

Ảnh: TTXVN.

5 bài học kinh nghiệm quý báu

Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập đến 5 bài học kinh nghiệm, để ĐH XIII cho ý kiến.

Đầu tiên là, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ.

Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

“Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên BCH TƯ”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Hai là,trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

“Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ.

Ba là,trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực, có bước đi phù hợp, phát huy mọi nguồn lực, mọi động lực và tính ưu việt của chế độ xã hội…

Thứ tư là tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hoà giữa kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hoá, xã hội… Thực sự coi trọng, phát huy hiệu quả và vai trò động lực của con người, văn hóa, của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong phát triển đất nước.

Năm là, chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước…

“Những bài học kinh nghiệm đó là cơ sở quan trọng để Đảng ta tiếp tục vận dụng, phát huy và phát triển sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, giúp chúng ta kiên định, vững vàng, tự tin vượt qua những khó khăn, thách thức mới, nhiệm vụ nặng nề hơn khi bước vào nhiệm kỳ khoá XIII”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói và đề nghị Đại hội thảo luận về 5 bài học này.

Nguồn tin: Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Bài viết cùng chuyên mục