T5, 19/05/2022 8:47 sáng | Duy An

Về Kim Liên, ai cũng muốn nán lại lâu hơn, để hiểu hơn về thời thơ ấu của Bác qua giọng kể truyền cảm đầy chất Nghệ của những người làm sống lại ký ức về Bác.

Lưu giữ và làm sống lại những ký ức về Bác

Tháng 5, ngôi làng nhỏ nằm nép mình dưới rặng tre mát rượi ở xã Kim Liên, Huyện Nam Đàn (Nghệ An) của gia đình Bác dường như không bao giờ ngớt người đến viếng thăm. Ở đây, những nữ hướng dẫn viên ân cần, thân thiện kể về Người với một niềm tự hào. Họ chính là những người thay gia đình Bác tiếp khách viếng thăm quê hương nơi Người sinh ra và lớn lên.

Chị Trần Thị Thao thuyết minh cho đoàn thương bệnh binh và đối tượng chính sách 3 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình và đoàn bộ đội Quân khu 4

Nối tiếp những dòng người về Kim Kiên, đã có hàng trăm học sinh về thăm quê Bác với những bộ đồng phục nghiêm trang, các em chăm chú nghe thuyết minh với ánh mắt trong veo, nhiều em mắt ngân ngấn lệ khi nghe lại câu chuyện Bác mất mẹ khi mới 11 tuổi.

Khi được hỏi em có cảm xúc gì khi về thăm quê Bác, em Trần Minh Thư lớp 5A Trường tiểu học Xuân Hồng – Hà Tĩnh đã nói: Chúng con sinh ra đã không được nhìn thấy Bác, nhưng từ tuổi thơ đi học mẫu giáo đã hát nhiều bài hát về Bác Hồ. “Hôm nay được thăm quê Bác, qua lời của các cô thuyết minh chúng con hiểu thêm về Bác, chúng con thương Bác lắm vì những khổ cực vất vả Bác đã trải qua. Chúng con biết ơn Bác vô cùng vì Bác đã tìm đường cứu nước, giành độc lập cho dân tộc. Hôm nay con được đi học, được đi chơi, được thăm quê Bác. Con hứa với Bác sẽ chăm ngoan, học giỏi, xứng đáng là cháu ngoan của Bác”, Minh Thư rưng rưng.

Cụ ông Trần Văn Thanh – một lão thành cách mạng quê ở Hà Tĩnh, xúc động rưng rưng: “Năm nào dịp này tôi cũng về thăm lại nhà Bác, mỗi lần đến đây lại được nghe các cô thuyết minh kể về quê hương, gia đình của Bác, càng thương nhớ Bác khôn nguôi”.

Dưới mái lá đơn sơ – các nữ thuyết minh xứ Nghệ giọng nói tha thiết đã dẫn dắt từng dòng người tới đây bởi câu chuyện cảm động về vị thân sinh ra Bác, cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc. Tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ nghèo khổ nhưng ham học, cụ đã được thầy giáo của mình, là cụ Hoàng Đường rất mực yêu quý, rồi gả con gái cho. Tại đây, còn để trải lòng mình trong những khoảnh khắc không thể nào quên trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của vị lãnh tụ kính yêu.

Với chị Bùi Bích Đảm – Trưởng phòng Tuyên truyền tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Kiên, hơn 30 năm nay công việc mỗi ngày của các chị hằng ngày ngoài thuyết minh phục vụ các đoàn khách, các chị còn chăm sóc những hiện vật đặc biệt có ý nghĩa nơi lưu giữ những kỷ vật vô giá về gia đình, thời niên thiếu và hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê.

Gặp những người thay gia đình Bác tiếp khách
Du khách tìm về cội nguồn của Lãnh tụ qua những câu chuyện kể của chị Bùi Bích Đảm

Dưới bóng tre tỏa mát phía đầu hồi nhà Bác ở quê nội Làng Sen, chị Trần Thị Thao đang ngồi đọc sách. Tranh thủ thời gian chờ khách du lịch đến thuyết minh, chị đọc thêm trang sách liên quan đến cuộc đời cách mạng của Bác và các khu di tích trong cả nước để có thêm kinh nghiệm.

Chị kể, năm đó, mới độ tuổi 17 cái tuổi đẹp nhất của đời người, chị đã cùng với 8 thí sinh khác vượt qua 120 thí sinh để được trúng tuyển vào “tiếp khách thay gia đình Bác”. Với chị Thao, chị may mắn được sinh ra tại mảnh đất làng Sen, nhà chị cách nhà Bác vài chục mét. Chị kể không biết có bao nhiêu buổi chiều đứng trước đồng lúa mênh mông trước nhà Bác chị say sưa tập nói như những người thuyết minh thực thụ. Chị mong có ngày sẽ được kể về thời ấu thơ, cùng gia cảnh của Bác cho hết thảy mọi người được nghe. Rồi niềm đam mê ấy theo chị lớn lên cùng thời gian.

Thấm thoát đã hơn 30 năm, chị Thao giờ đã là một thuyết minh viên kỳ cựu. Chất giọng xứ Nghệ đằm thắm, ân tình của chị vẫn ngày ngày đưa du khách về với làng Sen của những ngày xa xưa, lịch sử ấy. Âm thầm, lặng lẽ, chị và các đồng nghiệp góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ những tài sản thiêng liêng về Hồ Chủ tịch.

Sinh ra tại làng Sen, lớn lên bằng những kỷ niệm quanh khu nhà Bác. Đó là niềm tự hào, nhưng chị Thao còn hãnh diện hơn khi được gắn trọn sự nghiệp của mình với Khu di tích Kim Liên. Chị Thao cho biết: “Đó là vinh quang, bởi còn gì hơn, khi một đời luôn được đứng bên Người”.

Nhiệm vụ thiêng liêng

Qua lời kể của những thuyết minh ở Khu di tích Kim Liên, công việc hàng ngày của các chị nắng cũng như mưa, những thuyết minh nơi đây vẫn tận tâm phục vụ cho đến những người khách cuối cùng, có hôm trời tối mịt mới ra về. Tình cảm thiết tha, thiêng liêng của đồng bào, đồng chí từ khắp mọi miền đất nước đến với Bác là sự động viên to lớn để họ vượt qua những khó khăn, không ngừng vươn lên học hỏi, nghiên cứu để bổ sung hoàn thiện những kiến thức về thân thế, sự nghiệp của Người, kỹ năng truyền cảm cho khách.

Gặp những người thay gia đình Bác tiếp khách
Chị Trần Thị Thao làm công việc tiếp khách thay những người trong gia đình Bác Hồ đã hơn 30 năm

Công việc đặc biệt này đòi hỏi người thuyết minh không những có trình độ, kiến thức mà cao hơn là không được phép để xảy ra sai sót dù là sai sót nhỏ nhất. Trước nhu cầu ngày càng lớn của du khách, không những nhiều đối tượng khách quốc tế nhiều thành phần, nhiều quan điểm chính trị khác nhau nên người thuyết minh ngoài hiểu biết tri thức văn hóa – xã hội, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng ứng xử nhanh.

30 làm thuyết minh, chắc chị có nhiều kỉ niệm?” – tôi hỏi chị Bùi Bích Đảm. Chị bùi ngùi: Nhiều lắm. Nhớ những lần đón tiếp đoàn khách đặc biệt đến từ Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên – Hà Nam, đó là các thương binh ngồi xe lăn đã không quản đường xa vất vả về thăm quê Bác. Khi về nhà Tưởng niệm Bác Hồ, vì bậc cao, việc lăn xe khó khăn nên có ý kiến để một số đại diện vào. Nhưng các thương binh ai cũng muốn được vào thắp hương cho Bác nên kiên nhẫn chờ cho dù từng giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt kiên nghị của họ. Trước anh linh của Bác, họ đã hứa với Người: “Chúng cháu là thương binh, tàn mà không phế, sẽ luôn vượt qua nỗi đau khi vết thương tái phát để sống có ích cho xã hội”.

Hay là lời tâm sự của một cán bộ quân đội cao cấp cũng là thương binh chống Mỹ: “Mỗi khi cần xử lý công việc khó khăn, chú về quê Bác, nghe các cháu thuyết minh, chú thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm, thanh thản và sẽ có hướng giải quyết công việc đúng đắn hơn”. Những lời chân thành ấy đã tiếp thêm sức mạnh để chị Đảm và mỗi cán bộ ở khu di tích không ngừng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Bởi “Người ta không thể trở thành Hồ Chí Minh nhưng ở Người mỗi chúng ta đều có thể học một số điều” (Châu Đại Dương)”. Còn một cựu chiến binh Mỹ sau khi thăm Khu di tích Kim Liên từng nói: “Đất nước các bạn làm được những điều phi thường vì có người phi thường như Hồ Chí Minh”.

“Nhiều vị khách nước ngoài khi đến viếng nơi đây cũng không khỏi ngỡ ngàng, bởi họ cũng không thể tin được là quê hương của một con người cao quý như Bác lại quá đỗi thanh bình như thế, và ngôi nhà thơ ấu của Bác lại quá mức giản dị và đơn sơ đến thế”, chị Đảm kể lại.

Cùng với những người có thâm niên như chị Đảm, chị Thao… thì những người trẻ hơn như chị Định, chị Thanh, chị Oanh, hay chị Hải… những thuyết minh cả cuộc đời gắn bó cùng mảnh đất thiêng liêng với nhiệm vụ đặc biệt này cho đến khi cầm quyết định về hưu, không ai không rơi lệ vì thương nhớ Bác và những người thân trong gia đình Bác. Ai cũng nhận ra rằng, mình chưa phục vụ Bác cũng như gia đình Bác được bao nhiêu.

Chia tay chị Đảm, chị Thao chia tay Làng Sen, chúng tôi ấn tượng mãi về công việc của các chị. Công việc, ít người để ý đến, bởi họ làm công việc thầm lặng giữa vườn cây, bên võng gai, khung cửi… trong ngôi nhà tranh, vách đất nơi Bác Hồ sinh ra và lớn lên. Câu chuyện của họ cảm động bởi việc làm nào cũng bắt đầu từ sự thấm đượm đạo đức cách mạng của Bác…. “Là người con xứ Nghệ, chúng tôi tự hào được thay mặt những người thân trong gia đình Bác để tiếp khách, những người về với quê hương của Bác…”, chị Đảm rơm rớm nước mắt.

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: congthuong.vn

Bài viết cùng chuyên mục