T7, 07/11/2020 10:47 sáng | Vi Văn Tới

Ông Phan Bá Bảy hiện là Giám đốc Công ty TNHH Hương trầm Bảy Lương. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thanh Chương nghèo khó, phải lo từ những miếng cơm manh áo, đã mang trong con người ông nghị lực phấn đấu phi thường. Nhờ cái “duyên”, nghề hương trầm đã “chọn người” đến với ông, giúp ông thay đổi vận mệnh, từng bước thoát cảnh nghèo khó. Hương Trầm Bảy Lương – Liên Đức trở thành một thương hiệu được hàng ngàn khách hàng thập phương tin dùng – Hương Trầm Liên Đức.

Cơ sở hương trầm Liên Đức đã được thay đổi từ sản xuất thủ công sang sản xuất theo dây truyền công nghiệp hiện đại

Chuyện cái “duyên” nghề hương trầm đến với ông thật khó quên. Ông kể, vào năm 2002, ông chẳng may bị lâm bệnh nặng được đưa đi cứu và chữa tại bệnh viện Đa khoa Thanh Chương. Những tưởng là một ngày đen đủi, nhưng lại là một ngày nhận được món quà quý “thay đổi cuộc đời tôi”.

Chuyện là, kế bên giường bệnh ông nằm là giường của chị Nga – một bệnh nhân nữ, khoảng 50 tuổi, lúc đó ông mới 32 tuổi. Mấy ngày nằm cùng phòng bệnh, chị Nga thường trò chuyện với vợ chồng ông. Chị đã học được nghề làm hương thơm, về mở hiệu làm nghề, nhưng vì sức khỏe quá yếu, hay ốm đau luôn, không thể chuyên tâm công việc được. Trước đó, đã bao người muốn xin chị truyền lại bí quyết, công thức làm hương, nhưng chị đều lắc đầu. Và tới khi gặp ông – một chú thợ xây ốm yếu, nghèo khó, thật thà, chị và chồng đã mủi lòng bảo ông “Nếu chú muốn học nghề này, sau khi ra viện lên nhà chị nói chuyện thêm”.

Chữ “duyên” của ông với chị Nga và nghề bắt đầu từ đó. Tuy còn rất mơ hồ, nhưng khi rời bệnh viện, ông vẫn lần theo địa chỉ về miền ngược, cách khoảng 30 km đồi núi thăm chị và gia đình. Qua trò chuyện, chị Nga tin tưởng và quyết định truyền lại bí quyết nghề hương cho ông với những lời nhắn nhủ của một người chị vô cùng có Tâm – Đức.

Tháng 6/2002, ông bắt đầu làm hương thủ công theo bí quyết của chị Nga, nhưng vẫn còn lấy bao bì bán sẵn của các thương hiệu Hà Nội dùng tạm. Tuy còn thô sơ, chỉ mới chào bán ở các cửa hàng nhỏ trên xã mình, nhưng thật tuyệt vời khi mọi người đã đón nhận sản phẩm với lời khen về mùi thơm trầm hương đặc trưng, giúp ông có động lực đi tiếp.

Vạn sự khởi đầu nan, gặp không ít khó khăn, khiên vợ chồng ông có lúc cũng nản chí muốn bỏ cuộc vì thiếu vốn, giá cả cạnh tranh, thị trường hạn hẹp,… Nhưng rồi, thuận vợ thuận chồng, họ động viên nhau cùng cố gắng. Không lâu sau, khoảng 2 năm dùng tạm bao bì từ Hà Nội, ông đã tự tạo dựng cho mình thương hiệu riêng –  Hương Trầm Liên Đức và tuyển dụng thêm lao động làm cùng, từ một hai người, rồi năm, sáu người và thời điểm cao nhất lên đến gần 20 công nhân.

Đặc biệt, được sự quan tâm của Đảng Uỷ, Uỷ Ban nhân dân xã và Ban ngành các cấp, kết quả kiểm định chất lượng, “Hương Trầm Liên Đức”đã có một số mốc thời gian đáng nhớ như:

Năm 2010, Cơ sở chính thức nâng cấp thành Doanh nghiệp tư nhân Bảy Lương và đồng thời thương hiệu Hương trầm Liên Đức được công nhận cùng địa phương là Làng nghề hương Liên Đức.

Năm 2012, thị trường biến đổi theo công nghệ, từ làng nghề thủ công ông phải chuyển sang công nghệ máy móc hiện đại, thay đổi mẫu mã để theo kịp thị trường  và mở rộng đưa sản phẩm vào các tỉnh phía Nam.

Năm 2014, Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh Nghệ An công nhận Sản Phẩm Công Nghiệp Nông Thôn Cấp Tỉnh. Hương Liên Đức đã có thương hiệu độc quyền, Cục Sở Hữu Trí Tuệ cấp bằng “Độc Quyền Toàn Quốc”.

Năm 2020, Hương Liên Đức đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2020.

Đến nay, ông vẫn luôn không ngừng hoàn thiện chất lượng sản phẩm, mẫu mã, quy trình sản xuất – phân phối để phục vụ được bà con một cách tốt nhất. Đó là tâm nguyện không những của gia đình ông bà Bẩy mà là tấm lòng tri ân với bà Nga người đã tin tưởng truyền lại bí quyết làm nghề để có thương hiệu “Hương Trầm Liên Đức”như ngày nay../.

Nguồn: http://phapluatkinhtequocte.vn/

Bài viết cùng chuyên mục