T2, 09/01/2023 8:41 chiều | Duy An

Khi đất trời vào xuân cũng là lúc thành phố Vinh được “khoác” lên mình chiếc áo mới với muôn màu cờ hoa rực rỡ và những không gian văn hóa đặc sắc. Với sự sáng tạo, đổi mới không ngừng, việc trang trí các họa tiết, đèn đường, các tuyến đường hoa nghệ thuật năm nay mang lại cho Vinh một diện mạo mới, rực rỡ sắc màu, lung linh và ấn tượng.

Phố Hoa thành Vinh vào xuân đón Tết

Đã từ rất lâu, ngoài những nghi lễ tiễn năm cũ, mừng năm mới, có thể nói du xuân là một tục lệ và là một thói quen không thể thiếu mỗi dịp Xuân về. Từ ngày xưa, các Vua, Quan đã tổ chức du xuân đầu năm, Vua mặc áo long bào đi trước, các quan theo sau. Việc du xuân phải đi theo đúng hướng với mong muốn cầu một năm mới quốc thái dân an. Ngày nay, người Việt nói chung và người dân thành phố Vinh nói riêng xem việc du xuân là một việc để bắt đầu cho một năm mới suôn sẻ, sung túc và bình an

Với việc xây dựng các đường hoa, Đêm hội Giao thừa, ca múa nhạc Mừng Đảng, mừng Xuân, Lễ hội kỷ niệm chiến thắng ngọc Hồi Đống Đa, khai bút đầu xuân… và nhiều hoạt động hướng về nguồn cội ở các điểm di tích lịch sử tâm linh, người dân thành phố Vinh có cơ hội được du xuân trong những không gian văn hóa. Những ngày đầu năm mới, hàng chục nghìn lượt người đã đến các địa chỉ văn hóa này, tiếp nối một phong tục đẹp của cha ông.

Từ những ngày giáp Tết, đến Vinh chắc chắn du khách không thể không ghé thăm Làng Hoa Nghi Ân, Nghi Liên, các chợ hoa vào dịp tết khu vực đường Lê Mao, Đại lộ Lê Nin,  để tận hưởng không khí tết nhộn nhịp và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh khôi, lộng lẫy của vô vàn loài hoa nơi đây. Chợ hoa là không gian để mọi người du xuân, cảm nhận không khí tết gần gũi nhất. Đặc biệt hơn đây còn là địa điểm check in những khoảnh khắc đẹp.

nlntv-anh-2-1673258384.jpg
Những thiếu nữ Vinh duyên dáng trong tà áo dài tại Phượng Hoàng Trung Đô  (Đền thờ Vua Quang Trung)

Quảng trường Hồ Chí Minh, Công viên Nguyễn Tất Thành, đường Trường Thi, đường Hồ Tùng Mậu và ở một số địa điểm nổi bật khác như ngã ba Quán Bàu, Tượng đài Bến Thủy, Tượng đài Lênin…  được thành phố Vinh chỉnh trang và xây dựng thành các tuyến đường hoa để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Ở trụ sở và các tuyến chính của các Phường, xã cũng được trang trí hoa, treo cờ tổ chức các điểm vui chơi các trò chơi dân gian hoặc các điểm sinh hoạt văn hóa; sắc xuân như tràn ngập trên từng con phố. Những “tác phẩm nghệ thuật” trên đường hoa được trang trí đặc sắc như “khoác áo” mới cho thành Vinh ngày Tết gây ấn tượng với người dân nơi đây. Nhiều hội nhóm, nam thanh nữ tú, các bậc phụ huynh cũng đưa con nhỏ trong những bộ quần áo đẹp nhất đến đây để chụp ảnh trong ngày cuối năm.

Đường Nguyễn Văn Cừ, Hồ Tùng Mậu là không gian của Phố đi bộ. Vào tối thứ 6, thứ 7 hàng tuần khi phố lên đèn ngoài việc tham gia phố đi bộ, trải nghiệm những món ăn đường phố, những tốp nhạc đậm chất Dân ca Ví dặm xứ Nghệ, những nhóm nhảy sôi động biểu diễn, tham gia các trò chơi dân gian… người dân có thể được tham quan, đi bộ dạo bước trên quảng trường Hồ Chí Minh và cảm nhận vẻ đẹp của TP Vinh về đêm. Đến và trải nghiệm, du khách sẽ thấy sự đông vui, chen chúc và không khí nhộn nhịp hoặc thả bộ, tự mình thưởng thức những phút giây thư thái, thoải mái giữa lòng thành phố với đầy hoa, đèn và ánh sáng lung linh sắc màu..

nlntv-anh-3-1673258424.jpg
Những cung đường linh linh sắc màu chuẩn bị chào Xuân

Vào đêm 30 Tết, chương trình “Đêm hội Giao thừa” tại sân khấu đài phun nước quảng trường Hồ Chí Minh. Đêm hội với các tiết mục đặc sắc như: trống hội, múa lân, múa hát tập thể, khiêu vũ, ca múa nhạc tổng hợp; đã thu hút đông đảo nhân dân thành phố Vinh và vùng phụ cận đến theo dõi. Tạo không khí sôi nổi, vui tươi, phấn khởi chào đón năm mới; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân. Chương trình nghệ thuật đón giao thừa khép lại, hòa cùng tiếng reo hò của đông đảo của người dân đến xem và thưởng thức cũng là lúc màn pháo hoa rực rỡ đã được bắn lên vào đúng thời khắc thiêng liêng.

Từ đêm Giao thừa đến ngày mùng 5 Tết, khu vực di tích Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, Đền Hồng Sơn, Chùa Cần Linh( Cửa Nam), Chùa Diệc (Quang Trung), chùa Ân Hậu, Đức Hậu ( Nghi Đức), Đền Hạ Mã, Đền Bà Cô ( Hưng Hòa), Đền Trìa, (Hưng Lộc) … không lúc nào vắng khách tham quan. Ngay sau giờ phút đón giao thừa, thời khắc chuyển giao của năm cũ và năm mới, rất nhiều gia đình tổ chức đến chùa thắp hương đầu năm mới để cầu an, cầu tài, cầu lộc. Lúc này, khung cảnh tĩnh mịch, thanh đạm của các ngôi chùa, sân đình, Đền bỗng trở nên đông đúc, các công trình văn hóa tâm linh rực sáng ánh đèn thêm phần huyền ảo.

nlntv-anh-4-1673258486.jpg
Phút giao mùa, ai cũng nguyện cầu một năm mới ấm no, hạnh phúc

Người Vinh tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Đi lễ đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. Về nơi cửa Phật, Thánh giữa không gian thanh tịnh, hương trầm lan tỏa hòa cùng sắc màu của đèn hoa, mới thấy lòng mình lắng lại, thanh thản và nhẹ nhàng hơn.

Trên đỉnh núi Dũng Quyết – quần thể danh thắng cấp quốc gia, vừa nhìn xuống dòng sông Lam thơ mộng, hữu tình vừa thấy cả một phần thành phố Vinh mờ ảo trong sương – là điểm du xuân, “check-in Tết” yêu thích của người dân Thành phố Vinh và những vùng lân cận. Người  thành Vinh và du khách từ đó cũng đã có thêm một địa điểm mới để tìm hiểu về lịch sử của mảnh đất địa linh nhân kiệt, quê cha đất tổ của người anh hùng áo vải. Qua đó, được tỏ lòng biết ơn tới những con người đã làm nên lịch sử của dân tộc. Đặc biệt cứ đến ngày 5 tháng Giêng Âm lịch nhân dân khắp mọi miền về dâng hương tưởng niệm, tham quan, chiêm bái và du xuân tại đây. Lễ kỉ niệm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa được tổ chức với  các hoạt động chính như: Lễ khai mạc, lễ tưởng niệm chiến thắng ngọc Hồi Đống Đa, Hoàng đế Quang Trung và các anh hùng nghĩa sỹ Triều Đại Tây Sơn, Lễ kỷ niệm diễn ra với nhiều hoạt động vui chơi văn hóa thể thao, các trò chơi dân gian như đập niêu, leo cầu khỉ, kéo co, cờ tướng, đấu võ cổ truyền…. Khai bút đầu xuân, Thầy đồ cho chữ thư pháp, viết câu đối đỏ, các gian hàng đặc sản của Xứ Nghệ, quầy hàng lưu niệm … luôn là điểm thu hút độc đáo hấp dẫn nhân dịp Xuân về.

nlntv-anh-5-1673258543.jpg
Khoảnh khắc những trò chơi dân gian được tái hiện cùng niềm vui trẻ thơ

Bên cạnh đó là không gian văn hóa tại các thiết chế văn hóa như Bảo tàng Tỉnh Nghệ An, Bảo tàng Xô Viết, công viên trung tâm…được trang trí rực rỡ, hấp dẫn thu hút cũng là một lựa chọn lý tưởng. Ngoài ra du khách còn tham quan chiêm bái, hành lễ tâm linh tại các di tích tâm linh đền chùa, nhà thờ họ và checkin, vui chơi giải trí tại rất nhiều địa điểm tại thành phố và các vùng lân cận Hưng Nguyên, Nam Đàn, Hà Tĩnh.

nlntv-anh-6-1673258583.jpg
Phố đi bộ Thành Vinh

Theo quy luật của tạo hóa, mỗi lần Tết đến xuân về, đất trời lại đem đến cho con người và vạn vật luồng sinh khí mới. Không khí linh thiêng của Tết Nguyên Đán, của mùa xuân khiến lòng người rạo rực, háo hức một niềm vui,  niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai. Tết cổ truyền là thời khắc quan trọng của một năm, Tết là lúc mọi nhà sum họp, quây quần bên nhau. Tết giúp cho con người gần gũi, xích lại gần nhau hơn. Du xuân là một nhu cầu của mỗi người, mỗi gia đình trong những ngày đầu năm mới. Thành phố Vinh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tại các di tích lớn, các không gian công cộng quan trọng. Điều đó, giúp người dân thành phố và du khách có thêm không gian vui chơi và việc du xuân đầu năm thêm ý nghĩa.

nlntv-anh-7-1673258644.jpg
Bảo tàng Nghệ An – một điểm đến ý nghĩa khi tìm hiểu văn hóa, lịch sử xứ Nghệ
 Tác giả: Phạm Oanh – Lâm An
Nguồn tin: nguonluc.com.vn
Bài viết cùng chuyên mục