T2, 14/10/2019 3:06 chiều | Duy An

‘Tôi đổ tiền vào trường này nên dĩ nhiên tôi sẽ đòi hỏi cao ở giáo viên’. Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, một người mẹ đã dõng dạc tuyên bố trước lớp như thế.

“Việc gắn hay không gắn camera không quan trọng bằng việc phụ huynh có hợp tác với giáo viên trong việc giáo dục con em mình hay không” – Ảnh: AFP

Tôi hiểu, phụ huynh luôn mong con có được một môi trường giáo dục tốt nhất, nhưng tôi và nhiều giáo viên khác đang phải gồng mình lên trước những yêu sách quá trớn của phụ huynh.

‘Tôi sẽ không để cô yên đâu’

Tôi chủ nhiệm lớp 5 một trường tiểu học tại quận Ba Đình (Hà Nội). Ngay từ đầu nhận chủ nhiệm lớp ấy, tôi đã được một đồng nghiệp rỉ tai: “Năm nay xem như cô gặp sao xấu rồi, trong lớp có 1 học sinh cá biệt, phụ huynh cũng có máu mặt, ghê lắm. Làm chủ nhiệm lớp ấy chỉ có nước rước họa vào thân”. Khi đó, tôi chỉ cười và thầm nghĩ, mình yêu trò, mình có làm điều gì nên tội đâu mà sợ?

Đúng như cảnh báo, học sinh nam ấy rất hay đi học trễ, trên lớp hoặc là trêu chọc bạn khác hoặc ngủ gật. Tôi thường xuyên nhắc nhở em nhưng đều không ăn thua. Cho đến một lần, sau khi bị nhắc nhở, cậu học trò nhỏ ấy chỉ tay vào mặt tôi: “Mẹ em bảo cấm cô không được xúc phạm em”.

Giận quá, không hiểu sao khi đó tôi chẳng thể kiềm chế được trước thái độ xấc cược và cái chỉ tay của học sinh. Tôi cầm thước đập vào tay em, sau đó yêu cầu em đứng úp mặt vào tường suốt gần 1 tiếng đồng hồ.

Giờ ra chơi, tôi có kể với mấy đồng nghiệp thì một cô hù dọa: “Thôi xong rồi, em tiêu rồi, đụng vào nhà đấy là hết đường cơm cháo, kiểu gì phụ huynh cũng sẽ đến trường, để rồi xem”.

Rồi đồng nghiệp cùng chia sẻ những câu chuyện liên quan đến phụ huynh “có máu mặt” ấy. Mới năm ngoái thôi, người mẹ ấy cũng đôi ba lần lên trường “oanh tạc” giáo viên chỉ vì trót to tiếng với con họ – dù con họ hỗn hào với cô.

Hôm đó trôi qua thật chậm, tôi cứ nơm nớp lo sợ và luôn thắc thỏm, tự giận mình sao khi đó tôi không cố gắng kiềm chế? Nhưng rồi tôi lại tặc lưỡi tự an ủi mình rằng, tôi không cố ý và cũng chẳng bạo hành gì học sinh, sao phải sợ?

Nghĩ là vậy nhưng cuối cùng thì nỗi sợ của tôi cũng đến, chẳng đợi đến hôm sau, ngay tối hôm đó, tôi đã nhận được tin nhắn qua điện thoại: “Cô làm nhục con tôi trước lớp, tôi sẽ không để yên đâu”.

Hôm sau, người mẹ ấy phừng phừng đến trường, lên thẳng phòng hiệu trưởng. Tôi cũng được gọi lên để đối chất và viết bản tường trình. Trước khi ra về, phụ huynh ấy còn liếc xéo tôi một cái cùng lời mắng vốn: “Giáo viên mà thế à?”.

Tôi vừa bị cô hiệu trưởng “lên lớp” vừa được các đồng nghiệp truyền kinh nghiệm đối phó với những học sinh cá biệt bằng cách “không nghe, không nói, không thấy”.

Rồi một chuyện khác cũng khiến tôi nhớ mãi, đó là một lần, tôi nghe một phụ huynh dặn dò con ở ngay sân trường: “Ôi dào, con sợ gì, có vấn đề gì con cứ mách mẹ”. Dù cho học sinh đó không thuộc lớp tôi nhưng sao mắt tôi vẫn cay cay.

Thầy cô dạy làm sao khi mẹ cha can thiệp thô bạo?

Cách đây mấy năm, trong buổi họp phụ huynh cuối năm, có phụ huynh còn đập bàn chỉ vì con họ có kết quả không như mong muốn. Phụ huynh ấy còn lớn tiếng vì với kết quả thấp sau này con họ sẽ khó vào được trường chuyên, lớp chọn. Và tôi hiểu, trong xã hội, không ít gia đình đang nuôi dưỡng những “ông vua con” như thế.

Có một phụ huynh còn trao đổi thẳng thắn với tôi: “Nhà tôi chỉ có mỗi cục cưng, tôi giao cho cô. Tôi chỉ mong con tôi tiến bộ từng ngày chứ còn tiền bạc không thành vấn đề”.

Rồi người mẹ ấy yêu cầu con phải được ngồi bàn đầu để tập trung, dễ nhìn mặc dù con họ khá cao trong lớp. Tôi đã giải thích rằng, sẽ thay đổi vị trí ngồi của các con thường xuyên để bạn nào cũng được ngồi bàn đầu, bàn giữa, bàn cuối nhưng người mẹ ấy không chịu. “Ngồi bàn cuối thì học hành kiểu gì, mất tập trung lại nhìn chữ khó, rồi hại mắt thì ai đền cho con tôi?”, vị phụ huynh ấy thắc mắc.

Có thể nói, chính tư tưởng con mình là số một, là trung tâm khiến phụ huynh sẵn sàng nặng lời với giáo viên, đúng kiểu “khách hàng là thượng đế”. Tôi nghĩ, việc gắn hay không gắn camera không quan trọng bằng việc phụ huynh có hợp tác với giáo viên trong việc giáo dục con em họ hay không.

Nhiều người cứ thắc mắc việc đạo đức trong nhà trường xuống cấp thì ai chịu trách nhiệm? Giáo viên hay phụ huynh? Đây là câu hỏi khó và cứ đụng đến vấn đề gì trong giáo dục là người ta lật lại câu hỏi ấy với hi vọng sẽ có câu trả lời. Nhưng nút thắt của vấn đề không chỉ nằm ở phía nhà trường hay cô giáo mà phụ huynh cũng có một phần trách nhiệm không nhỏ trong việc giáo dục trẻ.

Tôi và giáo viên khác ngoài việc trau dồi kiến thức để có thể truyền dạy các em tốt nhất, để mỗi tiết học thực sự chất lượng. Đồng thời, tôi cũng luôn muốn dạy các em sự thật thà nhưng rõ ràng nhiều phụ huynh lại vô tình dạy con việc nói dối để có lợi nhất như giả vờ mắt kém để được ngồi bàn trên, đi học muộn thì nói dối là do tắc đường và hàng tá lý do khác để con không bị phạt nếu phạm lỗi.

Phụ huynh ơi, giáo viên chúng tôi sao có thể dạy trẻ những bài học làm người, sự tử tế, thật thà nếu như có sự can thiệp quá trớn, quá thô bạo và sự thiếu tôn trọng từ phía phụ huynh? Làm sao chúng tôi có thể giúp học sinh thấy sai thì phải sửa, thấy tốt thì phát huy khi mà phụ huynh không đồng ý và sẵn sàng làm “bia đỡ đạn” cho con nếu con mắc lỗi?

Tôi hiểu, dù giáo viên hay phụ huynh cũng đều muốn trẻ lớn lên thành người tử tế, có ích cho xã hội. Bởi vậy, những bài học giản dị hằng ngày, những lời chúng ta nói với con trẻ lại là những bài học đáng quý.

Việc phải úp mặt vào tường hay bị một cái đét vào mông, một cái thước vào tay khi các con phạm lỗi chẳng đáng sợ bằng việc giáo viên ngày càng trở nên vô cảm với học trò – những đứa con của mình ngay cả các em sai.

Trẻ đến trường, hãy để các em được vào nếp, ý thức được những việc nên hay không nên làm, hãy để các em được va đập sẽ nhận những bài học quý thay vì “vô trùng” để rồi sau này khi phải quăng quật trong cuộc sống nhưng các em chẳng biết xử lý, đối phó ra sao.

Một đứa trẻ sao có thể trở thành người khiêm nhường, biết người biết ta, tử tế nếu như được cha mẹ dung dưỡng, bao che trước những hành vi sai trái? Các con rồi sẽ lớn, phụ huynh chẳng thể đi theo các con cả đời để bảo vệ, vậy tại sao không để các con lớn lên tự nhiên, lớn lên thực sự từ cuộc sống?

Phụ huynh hãy tin rằng, một cái đét vào mông cũng không khiến các con đau bằng việc các con đến trường nhưng không nhận được cái tâm của thầy cô chỉ vì sợ phụ huynh làm khó.

Thế mới thấy, dù một hay mười chiếc camera trong lớp học cũng chẳng thể là “tai mắt” của phụ huynh, cũng chẳng giúp những buổi học chất lượng hơn, an toàn hơn bởi mấu chốt của vấn đề là ở niềm tin dành cho nhau.

Tôi chỉ muốn phụ huynh hiểu một điều, rằng chúng tôi không hề muốn “không biết, không nghe, không thấy” khi học sinh phạm lỗi, không muốn ngày càng trở nên thờ ơ, vô cảm với học sinh.

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

Bài viết cùng chuyên mục