CN, 05/08/2018 11:05 sáng | Vi Văn Tới

“Có giáo viên nhận quyết định điều chuyển tỏ ra rối bời, không biết mình xuống tiểu học dạy cái gì vì chưa được đào tạo, huấn luyện”.

Ngày 30/7, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của cô H. (xin được giấu tên), ở huyện Diễn Châu, Nghệ An về việc cô và hơn 150 đồng nghiệp đang dạy môn Văn và Toán bậc trung học cơ sở đột ngột bị điều chuyển xuống dạy tiểu học.

Theo cô H., những giáo viên Văn có một năm không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và giáo viên Toán có 2 năm không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ thuộc diện bị điều chuyển.

Cô H. chia sẻ, rồi đây cô không biết làm gì và nhiều đồng nghiệp của cô H. có cùng hoàn cảnh còn tâm sự một cách cay đắng rằng: “Chắc xuống đó sẽ được bố trí quét dọn hay đánh trống cũng nên”.

Điều chuyển giáo viên theo kiểu cơ học sẽ tạo hệ lụy về chuyên môn khó lường (ảnh Trinh Phúc).

Thổ lộ tâm tư về việc bị điều chuyển một cách đột ngột này, cô H. chia sẻ: “Tôi có 20 năm trong nghề, được đào tạo dạy môn Văn.

Vậy mà, con tôi học lớp 2 tôi cũng phải đưa con đi gửi cô giáo tiểu học. Huống hồ giờ xuống tiểu học phải dạy cả một lớp học.

Kiến thức có nhưng không biết phương pháp, ngay cả khi chỉ bảo cho con mình thì cháu luôn nói rằng ở lớp cô dạy phương pháp khác.

Vì vậy, nếu thực tế điều giáo viên như tôi xuống dạy tiểu học sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục. Tôi cho rằng, thực sự quá liều khi thực hiện kế hoạch này”.

Trăn trở thêm về kế hoạch của Ủy ban nhân dân huyện Diễn Châu, cô H. cho rằng, thực tế cô bị ám ảnh về hệ lụy nặng nề từ quyết định này.

Cô cũng như nhiều đồng nghiệp khác không có chuyên môn để giảng dạy tiểu học.

Ngoài ra, theo cô H. với tình trạng nhiều giáo viên có thần thái, tâm thế để xuống dạy bậc tiểu học như bị bắt ép thì rất khó đạt hiệu quả.

Trong khi, các giáo viên cũng chỉ được đào tạo tập huấn 10 ngày.

“Có đồng nghiệp nam sau khi biết mình thuộc diện điều chuyển xuống dạy tiểu học thì sinh ra lo lắng, bất an đến mức 4 ngày không tắm giặt, người thất thần” – cô H. nghẹn ngào kể và tỏ ra lo lắng: “Tôi cho rằng, với tâm thế nặng nề rồi sinh ra kiểu làm việc cắp cặp đi, cắp cặp về cho xong chuyện thì sẽ làm ảnh hưởng đến một thế hệ tương lai.

Làm việc mà kiểu hết giờ thì ra về, đến tháng nhận lương là rất nguy hiểm”.

Trước phản ánh trên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Ngô Quang Long, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu, Nghệ An.

Về lý do điều chuyển giáo viên, ông Long cho biết, hiện huyện Diễn Châu đang dư giáo viên trung học cơ sở đến 213 người. Trong khi, giáo viên tiểu học thiếu 113 người.

Sau khi xin phép Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, Ban Thường vụ huyện ủy huyện Diễn Châu, phòng giáo dục thực hiện đề án sắp xếp giáo viên dôi dư, chuyển giáo viên hai môn Văn và Toán xuống bậc tiểu học.

Ông Long cũng cho biết: “Việc thừa giáo viên ở bậc trung học cơ sở là do lịch sử để lại.

Vì trong 10 năm trở lại đây, huyện Diễn Châu không tổ chức tuyển dụng giáo viên

Vì giảm quy mô trường lớp ở bậc trung học cơ sở nên sinh ra dôi dư. Trong khi, học sinh tiểu học lại bắt đầu tăng lên”.

Cũng theo vị Trưởng phòng này, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An khẳng định việc giáo viên dạy trung học cơ sở là đủ điều kiện để dạy học bậc tiểu học.

Vì trong quy định chỉ cần tốt nghiệp trung học sư phạm trở lên là được dạy bậc tiểu học.

Trước thắc mắc về công tác chuyên môn khi các thầy cô dạy văn, toán ở bậc trung học cơ sở khó đáp ứng được việc dạy học ở bậc tiểu học, ông Long chia sẻ thêm: “Khi xây dựng kế hoạch đào tạo, huyện sẽ hợp đồng đào tạo với Đại học Vinh để bồi dưỡng cho giáo viên.

Sau đó khi về các trường thì sẽ làm công tác tự bồi dưỡng về nội dung, phương pháp.

Các giáo viên khi về dạy ở bậc tiểu học chỉ được sắp xếp theo nhóm môn chứ không dạy như giáo viên tiểu học hiện nay.

Sẽ bố trí sắp xếp giáo viên toán dạy toán và một số môn khoa học tự nhiên. Trong khi, giáo viên văn sẽ dạy tiếng Việt mà một số môn khoa học xã hội.

“Kế hoạch này mới chỉ áp dụng cho năm học 2019 – 2020. Còn các năm học tiếp theo hiện chưa bàn đến” – ông Long nhấn mạnh.

Kế hoạch chuyển giáo viên bậc trung học cơ sở xuống dạy tiểu học của huyện Diễn Châu cho thấy, hiện huyện này có tổng số giáo viên Văn, Toán: 557 (Văn: 301; Toán: 256);

Nhu cầu giáo viên Văn, Toán: 280; dôi dư 277 (Văn: 116; Toán: 161) được bố trí sắp xếp như sau:

Thuyên chuyển: Từ 140-150 giáo viên dạy Tiểu học (giáo viên đào tạo có liên quan đến chuyên môn Văn và Toán).

Số còn lại bố trí dạy chéo môn: Giáo viên Văn: Từ 60-65 người (Dạy các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ…).

Giáo viên Toán: Từ 55-60 người (Dạy các môn: Vật lý, Tin học, Công nghệ…).

Theo : Trinh Phúc ( Giaoduc.net )
Bài viết cùng chuyên mục