T6, 15/10/2021 3:50 chiều | Duy An

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết bà rất buồn sau vụ học sinh tử vong do nổ điện thoại khi đang học trực tuyến. Tuy nhiên, mong dư luận hiểu bởi điều này còn phụ thuộc chất lượng máy móc.

Vụ việc học sinh lớp 5 ở xã Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An vừa tử vong do nổ điện thoại khi đang học trực tuyến khiến dư luận rất đau lòng. Cảm giác của bà như thế nào khi biết được tin này?

– Đây là sự việc rất đáng tiếc trong ngành giáo dục. Khi nhận được tin trên, tôi rất buồn và thương tụi nhỏ.

Chúng tôi mong dư luận hiểu, chia sẻ và có cái nhìn khách quan hơn với ngành giáo dục.

Khi đọc được tin này, nhiều người đã lo lắng, mất ngủ vì hàng triệu trẻ em đang học trực tuyến, nguy cơ treo lơ lửng trên đầu con em. Theo bà, trách nhiệm của ngành giáo dục như thế nào?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh. 

– Đứng trên góc độ quản lý về mặt chuyên môn, việc học trực tuyến trong thời kỳ đại dịch của ngành giáo dục đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có máy móc và các thiết bị công nghệ.

Nếu máy móc đó nằm trong khuôn khổ kiểm soát của Bộ GD-ĐT là chuyện khác.

Thế nhưng hiện nay hầu như toàn dân đều dùng điện thoại và không biết các gia đình mua loại gì, có nguồn gốc ra sao, chất lượng máy móc như thế nào…, điều này ngành giáo dục không thể kiểm soát được.

Hiện chúng tôi đã họp tiếp nhận các nguồn đầu tư để cung cấp đợt 1 với con số một triệu máy tính bảng chất lượng cho đối tượng học sinh khó khăn để học trực tuyến. Chất lượng số máy này mới thuộc khuôn khổ và tầm kiểm soát từ phía Bộ GD-ĐT.

Còn lại những máy móc từ nguồn khác do các gia đình đang sử dụng, tôi nghĩ cần cả xã hội quan tâm chứ Bộ GD-ĐT không thể kiểm soát được.

Theo rà soát của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có bao nhiêu học sinh còn thiếu máy móc học trực tuyến? Bộ có giải pháp gì hỗ trợ các em trong việc học trực tuyến thời gian tới, thưa bà?

– Theo rà soát ban đầu, hiện cả nước còn khoảng 3 triệu học sinh còn thiếu máy móc để học trực tuyến.

Trước mắt, đợt 1, Bộ GD-ĐT đang tiến hành điều tiết chương trình một triệu máy tính, máy tính bảng chất lượng cho học sinh hộ nghèo, học sinh mồ côi vì Covid-19 để học trực tuyến.

Số máy móc này, chúng tôi phối hợp với Bộ TTTT và Bộ Y tế để rà soát chất lượng, giá cả cũng như cấu hình trước khi trao cho các em.

Tinh thần phải ưu tiên tối đa cho việc học tập của học sinh nhưng do hiện nay thị trường chưa đủ máy móc để các nhà tài trợ cung cấp với số lượng lớn.

Đồng thời, chúng tôi còn qua các quy trình đấu thầu và một số quy trình khác theo quy định nên chưa thể trao toàn bộ máy móc tới tay các em trong thời gian sớm nhất.

Học sinh tử vong do điện thoại nổ khi học trực tuyến: Bộ Giáo dục nói gì? - 2
Một học sinh lớp 5 ở Nghệ An tử vong vì nổ điện thoại khi học trực tuyến khiến nhiều người lo lắng. (Ảnh: Minh họa). 

Đây không phải lần đầu tiên có trường hợp học sinh tử vong liên quan đến việc học trực tuyến. Bà có thể cho biết, sau sự việc này, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn gì cho việc học sinh trở lại trường học trực tiếp không?

– Phương án an toàn cho học sinh như thế nào khi đi học trở lại đã được Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Bộ Y tế tính toán.

Tuy nhiên, việc địa phương nào cho học sinh đi học trực tiếp trở lại, thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh và họ phải chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn của tỉnh mình.

Trong buổi làm việc mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã khuyến cáo các địa phương đã kiểm soát được dịch cần phải tính toán, có thể cho học sinh đi học trở lại.

Chẳng hạn như Hà Nội, trước mắt có thể cho học sinh khu vực ngoại thành ở những vùng từ lâu không có ca mắc trong cộng đồng có thể trở lại trường.

Nhưng như tôi đã nói, Hà Nội cũng có những tính toán của mình để đảm bảo an toàn cho học sinh và Bộ GD-ĐT không thể quyết định thay cho địa phương đó.

Hiện một số địa phương chỉ lẻ tẻ một số ca nhưng toàn tỉnh vẫn áp dụng học online, không cho phép học sinh “vùng xanh” đi học trực tiếp. Bộ GD-ĐT có hướng dẫn gì cho các địa phương này?

– Tôi cho rằng, hiện nay các địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề an toàn. Do đó, có thể địa phương chưa chuẩn bị xong các phương án an toàn cho học sinh như có đảm bảo giãn cách hay không…, nên họ chưa thể cho học sinh đi học trở lại.

Thậm chí có những vùng đã “xanh” nhưng trường học đang dùng làm nơi cách ly tập trung nên địa phương cũng phải rà soát lại để trả trường cho phía giáo dục để học sinh đi học trở lại.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tác giả: Mỹ Hà (thực hiện) 

Nguồn tin: Báo Dân trí

Bài viết cùng chuyên mục