T3, 22/01/2019 9:03 sáng | Duy An

Năm học 2018-2019 đã đi được quá nửa chặng đường, ấy vậy mà hơn 500 trường bậc Tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn phải đau đầu với bài toán dạy học 2 buổi/ngày. Sự bất cập từ việc chậm hướng dẫn tổ chức dạy học đã khiến Hiệu trưởng các trường trở thành “con nợ”.

Bất cập chồng chất

Chưa có năm nào mà vất vả như năm học này”. Đó là câu trả lời của ông Đậu Vĩnh Thịnh – Phó Chủ tịch UBND Tp Vinh (Nghệ An) khi được hỏi về việc thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày tại địa phương trong thời gian qua. Câu trả lời này là thực trạng chung của tất cả các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong năm học 2018 – 2019 đến thời điểm này. Thực trạng này bắt nguồn từ chỗ các cơ sở vẫn chưa có được văn bản hướng dẫn cuối cùng từ cấp có thẩm quyền để tổ chức dạy học.

Năm học 2018 – 2019, ngành giáo dục Tp Vinh có 31.885 học sinh/29 trường Tiểu học (Công lập). Đến thời điểm này, dù chưa có văn bản hướng dẫn để tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày song đơn vị vẫn phải tự tổ chức dạy học. Do điều kiện thực tế và đặc thù của địa bàn trung tâm nên ngày từ đầu năm học, ngành vẫn phải tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày. Cũng vì không có được văn bản hướng dẫn nên 100% trường Tiểu học tại đây vẫn phải tự vận động giáo viên “nợ lương, đứng lớp”, Theo đó, 29/29 trường trên địa bàn còn nợ lương giáo viên dạy buổi 2, dạy quá số tiết…

Trường Tiểu học Hồng Sơn là một trong số ít trường trên địa bàn Tp Vinh có đủ cơ bản giáo viên để tổ chức dạy học. Trường hiện có 25 giáo viên đứng lớp với 935 học sinh/ 21 lớp. Tuy nhiên, để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp buổi 2, nhà trường đã phải hợp đồng thỉnh giảng với một số giáo viên. Theo đó, mức lương được tạm tính theo số tiết đứng lớp với 40.000 – 50.000/ tiết. Theo nhẩm tính của cô Nguyễn Thị Liên – Hiệu trưởng, thì tính đến đầu năm 2019, số tiền nợ giáo viên hợp đồng tỉnh giảng của nhà trường lên tới hơn 120 triệu đồng. Con số này chỉ là một số rất nhỏ so với các đơn vị trường Tiểu học khác trên địa bàn Tp Vinh. Thống kê chưa đầy đủ của phòng giáo dục Tp Vinh, nếu tính theo mức chi bình thường những năm học trước thì trung bình sẽ phải trả khoảng 1,4 tỷ đồng cho lương giáo viên dạy buổi 2/ tháng. Nhẩm tính, số tiền nợ của Tp Vinh từ đầu năm học đến thời điểm này ngót ngét gần 6 tỷ đồng.

Nhiều trường Tiểu học “cửa đóng, then cài” vào các buổi chiều trong tuần

Được tổ chức dạy học 2 buổi/ngày như tại Tp Vinh quả là một niềm mơ ước của không ít huyện, thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cách Tp Vinh không xa là huyện Nam Đàn thì việc tổ chức dạy học này đã buộc phải tạm dừng từ 01/11/2018. Thực trạng khiến 25 trường Tiểu học trên địa bàn hầu hết phải “Cửa đóng, then cài” vào các buổi chiều. Điều này khiến cuộc sống của nhiều phụ huynh gặp không ít khó khăn. Ông Trần Văn H – Xuân Hòa, Nam Đàn có con đang theo học tại trường Tiểu học Lê Hồng Sơn, lo lắng: “Không biết vì lý do gì năm nay nhà trường không tổ chức dạy học buổi 2 cho con em chúng tôi. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập của các cháu, chưa kể đến việc chúng tôi không có thời gian quản lý con khi chúng được nghỉ vào các buổi chiều dễ phát sinh nhiều bất cập”. Bức xúc trước việc nhà trường ngừng dạy học 2 buổi/ ngày, hội phụ huynh trường này đã viết “tâm thư” gửi các cấp ngành với nội dung: “khẩn thiết đề nghị các cấp quan tâm” tổ chức dạy học buổi 2.

Thực trạng tạm dừng dạy học 2 buổi/ ngày cũng đã diễn ra đồng loạt trên địa bàn các huyện của tỉnh Nghệ An. Điều này đã vô hình dung tạo nên sự xáo trộn không nhỏ đối với học sinh mà các các bậc phụ huynh. Như lời của ông Dương Xuân Chất – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đô Lương: “Đô Lương chỉ cần đóng cửa một ngày thôi thì cả 3 nhà máy trên địa bàn phải đóng cửa theo”.

Tránh “đem con bỏ chợ”

Nơi tổ chức dạy thì phải hợp đồng thỉnh giảng, rồi nợ lương, chưa kể đến phải vận dụng nguồn thu khác để trả bớt lương duy trì dạy. Nơi không tổ chức thì chất lượng dạy học bị ảnh hưởng không nhỏ… Tất cả những điều này xuất phát từ việc tỉnh Nghệ An vẫn chưa “chịu” ban hành một văn bản hướng dẫn cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày năm học 2018 – 2019 dù đã đi qua được hơn 1 học kỳ.

Ngày 03/8/2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 16 về việc tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thông tư này đã chỉ rõ cho các địa phương, cơ sở giáo dục các quy định về vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ. Đây được xem như “Thượng phương bảo kiếm” cho các đơn vị tổ chức thực hiện trong đó có việc vận dụng thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày.

Công văn chấp thuận chủ trương dạy học 2 buổi/ ngày của UBND tỉnh Nghệ An

“Thượng phương bảo kiếm” đã có từ ngay sau hè năm học 2017 – 2018 nhưng mãi đến ngày 07/12/2018, UBND tỉnh Nghệ An mới có Công văn 9337 về việc quy định nội dung vận động tại Thông tư 16. Cũng thời điểm đó, UBND tỉnh này mới “chịu” ban hành Công văn 9355 về việc tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày tại các cơ sở giáo dục Tiểu học. Trước đó, 100% trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tạm dừng việc thu chi dạy học 2 buổi/ ngày theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT tỉnh do quyết định 1517 của UBND tỉnh này hết hiệu lực.

Điều lạ là trong Công văn 9335 của UBND tỉnh Nghệ An cũng mới chỉ dừng ở mức: Giao cho các sở. Theo đó, các sở ban ngành đã được giao các “chỉ thị” rõ ràng, cụ thể. Thế nhưng đã hơn 1 tháng trôi qua, nhiệm vụ mà UBND tỉnh Nghệ An giao cho các sở này vẫn chưa được thực hiện do sự phối hợp giữa các sở GD&ĐT, sở Tài chính và sở Nội vụ còn chưa nhịp nhàng, thậm chí được đánh giá là chậm.

Cô H – Hiệu trưởng một trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh bức xúc: “Tại rất nhiều cuộc họp chúng tôi đã có rất nhiều đề xuất kiến nghị song đến nay vẫn chưa được nhận văn bản hướng dẫn nào. Chúng tôi làm công ăn lương chứ không phải đứng ra làm con nợ cho các cấp. Nếu không ban hành văn bản hướng dẫn thì cho ý kiến để trường không tổ chức dạy buổi 2…”.

Theo tìm hiểu, tính từ đầu năm học đến nay đã có hàng loạt ý kiến từ các cơ sở bằng miệng có, văn bản có gửi tới Sở GD&ĐT Nghệ An hay UBND tỉnh này về việc hướng dẫn thu chi, tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày thế nhưng tất cả vẫn đang dừng ở mức “chờ”.

Ông Đậu Vĩnh Thịnh – Phó Chủ tịch UBND Tp Vinh, đề xuất: “Đề nghị tỉnh cần có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thu chi, tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày. Còn chậm ngày nào thì con khổ ngày đó, sớm ngày nào hay ngày đó…”. Đây là ý kiến chung nhất khi chúng tôi đề cập tới các nguyện vọng từ cơ sở.

Chưa có văn bản hướng dẫn, Tp Vinh cùng một số địa phương “lách luật” bằng việc ra văn bản “tạm thu”.

Thực trạng là như vậy nhưng khi đề cập tới điều này thì chúng tôi không khỏi “bất ngờ” trước câu trả lời của các Sở có liên quan. Theo ông Đào Công Lợi – Phó Giáo đốc sở GG&ĐT Nghệ An, thì: “Có một cái khó là theo quy định văn bản mới không có văn bản hướng dẫn liên ngành giữa các sở GD&ĐT, Tài chính như quyết định 1517 trước nữa. Theo như sở Tư pháp thì UBND tỉnh giao thẳng việc, rõ ràng sở GD&ĐT là phải tập trung chỉ đạo, tổ chức dạy học; sở Tài chính trên cơ sở bám sát nội dung chuyên môn như thế và mục tiêu, yêu cầu của UBND tỉnh về tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày bắt đầu tính toán các khoản thu chi. Nhưng cả 2 sở đều đang vướng về mặt con người do sở Nội vụ phụ trách…”.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Hải – Giám đốc sở Tài chính, lại cho rằng: “Mình đã có văn báo cáo UBND tỉnh. Trách nhiệm của cơ quan chủ trì là sở GD&ĐT. Sở phải làm cái khung để thực hiện nhiệm vụ chi 2 buổi/ ngày này, không thì sở Tài chính lấy cơ sở đâu để tham mưu, trình…”.

Công tác tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày tại tỉnh Nghệ An đã tồn tại quá nhiều bất cập trong thời gian dài. Đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cần xem xét, ban hành hướng dẫn cụ thể để chủ trương dạy học 2 buổi/ngày phát huy được giá trị và ý nghĩa.

Theo: Nguyễn Văn (dailo.vn)

Bài viết cùng chuyên mục