T4, 18/12/2019 9:09 sáng | Duy An

Từ 1/7/2020, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng sẽ được đưa vào danh sách xét tuyển công chức nhà nước. Đây là điểm đáng chú ý trong Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung 2019, được xem như “cứu cánh” cho cử nhân xuất sắc khỏi nỗi lo thất nghiệp.

Cơ hội “vàng” cho sinh viên xuất sắc

Cụ thể, theo quy định của của Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung có thêm hai đối tượng được xét tuyển vào công chức.

Theo đó, hai đối tượng được bổ sung vào xét tuyển bao gồm: Người học theo chế độ cử tuyển quy định tại điều 90 Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học; Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng. Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2020.

Trước đó, theo luật hiện hành, chỉ có một trường hợp công chức được tuyển dụng thông qua xét tuyển nếu đáp ứng được đồng thời hai điều kiện: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên, có đơn dự tuyển, có lý lịch rõ ràng, có văn bằng, chứng chỉ phù hợp, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt…; Cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Đây là một “điểm sáng” đáng hoan nghênh, bởi, sau rất nhiều câu chuyện thủ khoa thất nghiệp không còn quá lạ lẫm trong thời đại hiện nay, dường như các tân thủ khoa vẫn còn nhiều trắc trở trên con đường đi tìm công việc đúng chuyên ngành phù hợp.

Theo một số liệu thống kê gần đây của bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, Việt Nam có khoảng 24 triệu thanh niên, chiếm khoảng 44% lực lượng lao động. Tuy nhiên, thống kê mới nhất cũng cho thấy, 60% sinh viên ra trường đang làm trái nghề. Thậm chí, thủ khoa ra trường cũng hết sức khó khăn trong việc tìm kiếm công việc đúng với ngành mà mình đã theo học.

Giáo dục - Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được xét tuyển công chức: 'Cứu cánh' khỏi nỗi lo thất nghiệp?

Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện năm 2019.

Không khó để điểm qua một vài trường hợp thủ khoa gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm. Chẳng hạn, có thể kể đến cô nàng Đồng Thị Ngân, thủ khoa trường đại học Thương mại năm 2013, từng làm xôn xao dư luận khi cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc ngành Tài chính ngân hàng, và vinh dự là một trong 123 thủ khoa xuất sắc được tôn vinh, nhưng trong suốt mấy năm, cô không xin được công việc đúng ngành nghề, đành phải xin làm những công việc phổ thông để trang trải cuộc sống.

Hay câu chuyện năm 2015 của cô nàng Chu Thị Yến, thủ khoa đầu vào lẫn đầu ra của trường đại học Giao thông Vận tải cũng hiến nhiều người ngỡ ngàng. Yến là một trong 132 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) năm 2015, thế nhưng sau 3 tháng loay hoay, vật lộn tìm việc, Yến thất vọng, trở về quê để phụ mẹ.

Tiếp đến là câu chuyện năm 2016 của cô nàng thủ khoa sư phạm Bùi Thị Hà. Hà là một trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội). Cầm tấm bằng xuất sắc trở về quê với ước mong cháy bỏng trở thành một giáo viên Ngữ văn nhưng suốt nhiều năm mong ngóng, đợi chờ, thấp thỏm, hy vọng, cô thủ khoa vẫn chưa thể hiện thực hóa ước mơ.

Những “nhân chứng” chứng tỏ thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc cũng có thể thất nghiệp như Ngân, như Yến, hay như Hà…, nhiều khi lại trở thành câu chuyện bàn tán của nhiều người, thậm chí ví von rằng cầm bằng xuất sắc mà vẫn không có việc làm.

Những câu chuyện “màu xám” này sẽ được thắp thêm những mảng màu hy vọng, bởi, sắp tới, những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc sẽ được tạo điều kiện, sẽ thuộc “diện” được xét tuyển vào công chức, giảm bớt những nỗi lo sau khi tốt nghiệp.

Không phải “phao cứu sinh”

Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, đây không phải là một chiếc “phao cứu sinh” cho những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc trên giảng đường đại học. Trong khi có một số tỉnh, thành đã áp dụng những chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa đạt hiệu quả.

ThS. giáo dục Phạm Phúc Thịnh cho rằng: “Cử nhân tốt nghiệp xuất sắc, hay kể cả thủ khoa cũng chưa chắc là  người giỏi. Thứ hai, bản thân mỗi sinh viên càn nhận định vị thế của bản thân nằm ở đâu và nhu cầu của xã hội, tìm hiểu nhu cầu của thị trường đang cần những gì để bổ sung. Trong thực tế, có rất nhiều sinh viên xuất sắc nhưng kỹ năng thực tế lại không có; hoặc có những môi trường làm việc đặc thù không cần quá nhiều kỹ năng, thì cử nhân lại thiếu một số yếu tố khác… Chính vì vậy, để không trở thành một cử nhân thất nghiệp, mỗi sinh viên cần xác định mục tiêu và xác định những kỹ năng cần thiết phục vụ cho mục tiêu đó để thực hiện và trau dồi…”.

ThS. giáo dục Phạm Phúc Thịnh.

Trước câu chuyện này, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT cũng bày tỏ: “Theo tôi, cho dù có chủ trương khuyến khích tạo điều kiện cho những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhưng việc có tuyển dụng hay không lại phụ thuộc vào quyết định của mỗi đơn vị tuyển dụng, không thể bắt buộc.

Chính vì vậy, những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc tại các trường đại học, học viện cũng không thể coi đây là một chiếc “phao cứu sinh”, hoàn toàn vẫn phải tự lực cánh sinh và nỗ lực, phấn đấu để tìm được những môi trường làm việc tốt nhất”.

“Điều 37. Phương thức tuyển dụng công chức
1. Việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
Hình thức, nội dung thi tuyển, xét tuyển công chức phải phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm trong từng ngành, nghề, bảo đảm lựa chọn được người có phẩm chất, trình độ và năng lực.
2. Việc tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức đối với từng nhóm đối tượng sau đây:
a) Cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
b) Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;
c) Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
3. Ngoài hình thức tuyển dụng thông qua thi tuyển và xét tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm vào làm công chức đối với trường hợp sau đây:
a) Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Cán bộ, công chức cấp xã;
c) Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;
d) Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với người đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý khác theo quy định của Chính phủ trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; người được tiếp nhận phải được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc chức vụ tương đương;
đ) Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.
4. Các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này được xem xét tiếp nhận vào làm công chức nếu không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật này; các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 3 Điều này còn phải có đủ 05 năm công tác trở lên phù hợp với lĩnh vực tiếp nhận.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”.

Tác giả: Cẩm Mịch

Link bài gốc: nguoiduatin.vn (18/12/2019 | 07:00)

Bài viết cùng chuyên mục