CN, 30/12/2018 12:15 chiều | Duy An

Trong khi hàng triệu người lao động đang trông chờ phúc lợi cuối năm thì thông tin một ngân hàng tại TPHCM chi thưởng Tết “khủng” cho nhân viên lên tới 1,17 tỷ đồng đã khiến không ít người “giật mình”. Loạt thông tin về kế hoạch điều chỉnh giá xăng dầu trong dịp tăng thuế môi trường kịch khung vào 1/1/2019 cũng gây chú ý.

Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung GDP năm 2018 tăng 7,08%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đây cũng là mức tăng cao nhất từ năm 2008 trở lại đây. Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành hơn 5,53 triệu tỷ đồng, thu nhập bình quân/đầu người khoảng 58,5 triệu đồng, tương đương 2.500 USD, mức tăng 190 USD so với năm 2017.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 đạt 102 triệu đồng/lao động/năm, tăng hơn 346 USD so với 2017.

Hiệu quả đầu tư được cải thiện khi chỉ số ICOR giảm từ 6,42 đồng/ 1% tăng trưởng năm 2016 xuống 6,11 đồng/1% tăng trưởng năm 2017 và 5,97 đồng/1% tăng trưởng năm 2018.

Một ngân hàng tại TPHCM có mức thưởng Tết 1,17 tỷ đồng

Tâm lý những người lao động ở thời điểm hiện tại đang rất trông chờ vào các khoản thưởng cuối năm

Sở LĐTB&XH TPHCM đã khảo sát tại gần 2.000 doanh nghiệp và đã có những thống kê ban đầu về mức thưởng Tết.

Đối với Tết Dương lịch 2019, mức thưởng Tết cao nhất thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mức thưởng của doanh nghiệp này là 500 triệu đồng.

Với Tết Nguyên Đán 2019, mức thưởng Tết cao nhất thuộc về một ngân hàng có trụ sở tại TPHCM với mức thưởng “khủng” là 1 tỷ 170 triệu đồng. Mức thưởng bình quân của các doanh nghiệp là hơn 10 triệu đồng/người.

Cũng theo đại diện Sở LĐTB&XH TPHCM thì năm nay có 4 doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn nên không có thưởng Tết cho người lao động.

Trên 4 tỷ lít tiêu thụ mỗi năm, liệu “sức” uống bia của người Việt đã “tới hạn”?

Trong một báo cáo vừa phát hành, Công ty chứng khoán FPT (FPTS) nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những thị trường bia lớn nhất thế giới. Cụ thể, năm 2017, tổng sản lượng tiêu thụ bia đạt 4 tỷ lít bia chiếm 2,1% tổng sản lượng bia toàn cầu, đứng thứ 10 thế giới và thứ 3 trong khu vực châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản).

Năm 2018, ngành bia Việt Nam có khoảng 110 doanh nghiệp sản xuất, phân bổ rộng khắp các vùng miền với sản lượng sản xuất ước tính lên đến 4,3 tỷ lít bia, sản lượng tiêu thụ ước tính đạt 4,2 tỷ lít bia.

Tăng trưởng sản lượng tiêu thụ năm nay ước đạt 5,7%, tương đương mức tăng trưởng năm 2017. Như vậy, nhiều khả năng Việt Nam sẽ vượt qua Ba Lan để trở thành thị trường bia lớn thứ 9 thế giới.

Dự báo vào năm 2019, nhu cầu tiêu thụ bia tại thị trường Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế mới nổi tại Châu Á, mức tăng trưởng GDP luôn đạt trên 6% trong nhiều năm qua, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện.

Đặc biệt là khi văn hóa ăn, nhậu của người Việt ưa chuộng bia. Chiếm đến 93% lượng tiêu thụ đồ uống có cồn, bia là thức uống phổ biến nhất trong các bữa ăn tại Việt Nam.

Ngày đầu 2019: Thuế tăng kịch khung, bộ lập tức điều chỉnh giá xăng

“Choáng” với thưởng Tết 1,17 tỷ đồng; Tăng kịch khung thuế môi trường xăng dầu - Ảnh 2.

Thuế BVMT với xăng dầu sẽ tăng kịch khung từ 1/1/2019

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: từ 1/1/2019 thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch trần.

Nếu liên bộ Công Thương – Tài chính quyết định điều hành giá xăng dầu sớm hơn 5 ngày so với quy định thì giá bán xăng dầu sẽ ngay lập tức được cộng thêm 1.000 đồng mỗi lít xăng, dầu diesel thêm 500 đồng một lít, dầu hoả tăng 700 đồng và dầu madut tăng 1.100 đồng.

Đà giảm của giá xăng dầu đã khiến cho việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu không tác động nhiều đến giá xăng dầu trong đợt điều chỉnh đầu năm 2019. Đó là chưa kể, trong các kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã tăng cường trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, để có thêm công cụ phòng ngừa khi giá xăng dầu biến động theo chiều hướng tăng.

Liên Bộ Tài chính – Công Thương đang tính phương án sẽ giảm giá bán lẻ xăng dầu và điều chỉnh ngày điều hành giá mặt hàng này vào 1/1/2019, trùng với thời điểm tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

SCIC “mắc kẹt” ở nhiều dự án bất động sản

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây cho thấy, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã đầu tư, góp vốn mua cổ phần của một số công ty kinh doanh bất động sản, tuy nhiên các doanh nghiệp này chậm triển khai trong thời gian dài dẫn tới số tiền đầu tư của SCIC bị tồn đọng nhiều năm, gây lãng phí vốn.

Trong đó, khoản góp vốn vào dự án của CTP Đầu tư và Dịch vụ Thăng Long, SCIC đã đầu tư 110,3 tỷ đồng từ năm 2008 để triển khai dự án xây dựng cao tốc, văn phòng, că hộ tại khu đất số 6 Thăng Long, phường 4, quận Tân Bình, TPHCM nhưng đến nay dự án vẫn chưa triển khai.

SCIC cũng góp 199 tỷ đồng từ năm 2007, để hợp tác với Bảo Việt Nhân Thọ thực hiện dự án Tháp Tài chính trên khu đất 220 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, dự án này cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Ngoài ra, SCIC còn góp vốn vào Dự án của Công ty CP Tháp truyền hình với số tiền 49,5 tỷ đồng từ năm 2015; còn một số tồn tại liên quan đến tình hình góp vốn tại Dự án đầu tư của CTCP Đầu tư và Dịch vụ Thăng Long…

Theo: Dân trí

 

Bài viết cùng chuyên mục