CN, 18/11/2018 10:03 chiều | Duy An

Tuy chưa có giấy phép, Công ty CP Mía đường Sông Lam vẫn rầm rộ xây dựng dự án nhà máy chè. Thêm nữa, hạng mục đắp nền dự án được lấy từ nguồn đất lậu nhằm trốn thuế gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Chưa có giấy phép đã xây dựng nhà máy

Báo Kinh tế nông thôn nhận được phản ánh, tuy chưa có giấy phép xây dựng nhưng gần một tháng nay, Công ty CP Mía đường Sông Lam triển khai xây dựng nhiều hạng mục của Dự án nhà máy chè tại xã Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An).

Để có cái nhìn khách quan, sáng 16/11, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã có mặt tại công trình này để nắm rõ thực hư.

Tại đây, trên nền đất rộng hàng chục nghìn mét vuông nằm sát trụ sở chính của Công ty CP Mía đường Sông Lam tại xã Đỉnh Sơn, công nhân, máy móc đang hối hả làm việc. Qua quan sát của phóng viên, hạng mục nhà xưởng chính của nhà máy chè cơ bản đã xong phần móng. Cách đó không xa, hàng chục công nhân đang tích cực xây dựng các hạng mục khác của dự án này.

130.jpg131.jpg

 Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nhà máy chè Sông Lam tại xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn mới được UBND tỉnh Nghệ An ký ngày 13/11 nhưng chủ đầu tư đã triển khai xây dựng dự án từ hơn 1 tháng nay. Ảnh: Duy Ngợi

Sáng cùng ngày, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có buổi làm việc với đại diện chủ đầu tư dự án là Công ty CP Mía đường Sông Lam. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Lương Toàn, Giám đốc quản lý dự án và đầu tư Công ty CP Mía đường Sông Lam cho biết, gói xây lắp Dự án nhà máy chè của công ty khoảng 20 tỷ đồng và triển khai thi công hơn một tháng nay. Đến thời điểm này, các thủ tục hành chính liên quan đến dự án về cơ bản đã hoàn thiện.

Nói rồi vị này cung cấp cho phóng viên tất cả những giấy tờ liên quan. Theo đó, Dự án Nhà máy chè Sông Lam được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 4416/QĐ-UBND ngày 3/10/2018. Tiếp đó, ngày 13/11, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý ký Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nhà máy chè Sông Lam tại xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn (kèm theo quy hoạch chi tiết xây dựng nhà máy chè Sông Lam). Theo quyết định này, Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Mía đường Sông Lam. Công trình được phê duyệt có tổng diện tích khu đất quy hoạch xây dựng là 1.8710,6m2, trong đó diện tích xây dựng 7.472 m2.

135.jpg
Tuy chưa có phép nhưng hơn một tháng qua, tại công trình dự án nhà máy chè Sông Lam, công nhân và máy móc vẫn hối hả làm việc. Ảnh: Duy Ngợi

Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị tiếp cận giấy phép xây dựng dự án nhà máy chè, ông Nguyễn Lương Toán cho biết: “Cái đó đang làm với Sở Xây dựng. Hiện công ty đang chia làm hai bộ phận, một bộ phận ở hiện trường và một bộ phận hoàn thiện hồ sơ pháp lý”.

Phóng viên hỏi: “Như thế này có khác nào phía chủ đầu tư vừa hành quân vừa sắp hàng?”, Giám đốc quản lý dự án và đầu tư Công ty CP Mía đường Sông Lam phân trần: Cái đó do chiến lược phát triển của công ty nên phải triển khai để sớm đưa vào hoạt động!?

Trong khi đó, khi đề cập về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn, cho biết: “Cái đó chú nên gặp phía công ty chứ anh chưa rõ!”.

Khi phóng viên hỏi tại sao công trình xây dựng ở trên địa bàn mà anh không biết thì Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn trả lời: “Hiện anh chưa nhận được văn bản nào cả!”.

Trả lời phóng viên Báo Kinh tế Nông thôn qua điện thoại, ông Nguyễn Công Thắng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Anh Sơn (Nghệ An) khẳng định: “Đến thời điểm này, tôi chưa được chủ đầu tư trình hồ sơ báo cáo”.

Dùng đất lậu đắp nền nhằm trốn thuế

Không chỉ vậy, từ khi dự án nhà máy chè thuộc Công ty CP Mía đường Sông Lam được triển khai đến nay, hàng nghìn khối đất san lấp đã được tập trung tại công trình. Hàng ngày, những chiếc xe chở đất được vận chuyển từ nhiều địa phương khác nhau đổ về dự án và không có hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật.

134.jpg

Hàng nghìn mét khối đất lậu được Công ty CP Mía đường Sông Lam sử dụng đắp nền nhà máy chè để trốn thuế. Ảnh: Duy Ngợi.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về nguồn gốc đất nền san lấp dự án nhà máy chè, đại diện Công ty CP Mía đường Sông Lam cho hay: “Cái này phía công ty tự chủ động. Nguồn gốc đất mình tận dụng các quả đồi ở sát đường họ lấy làm đường. Vừa rồi công ty có khoán hợp đồng với một đơn vị và họ chủ động nguồn đất ở các xã Thành – Bình – Thọ ở bên kia cầu Chanh (ý nói các xã Thành Sơn, Bình Sơn, Thọ Sơn – PV).

Phóng viên hỏi thêm, việc lấy đất đắp nền của công ty có được chính quyền địa phương chấp thuận? Ông Nguyễn Lương Toán giải thích: “Việc lấy đất đó, anh được biết, đợt đó họ có xin chính quyền và họ có làm bãi chứa rác thải cho dân. Sau đó, họ thỏa thuận với các hộ dân và bỏ kinh phí ra làm bãi thải!?”

Theo tìm hiểu của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Anh Sơn (Nghệ An), chưa có mỏ đất nào được cấp phép. Do đó, có thể khẳng định, nguồn gốc đất đắp nền Dự án nhà máy chè thuộc Công ty CP Mía đường Sông Lam như đại diện chủ đầu tư giải thích hoàn toàn là đất lậu.

Trước việc chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật, Công ty CP Mía đường Sông Lam đã triển khai xây dựng dự án nhà máy chè một cách ồ ạt; sử dụng nguồn đất đắp nền không được cấp phép đã vô hình chung tiếp tay cho việc khai thác đất lậu, gây ảnh hưởng môi trường, môi sinh và trốn thuế, đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An và huyện Anh Sơn nhanh chóng vào cuộc để có biện pháp xử lý cũng như ngăn chặn tình trạng trên.

 Theo: Duy Ngợi (báo: kinhtenongthon.vn)
Bài viết cùng chuyên mục