T3, 19/06/2018 3:40 chiều | Vi Văn Tới

Muốn phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An, trước hết phải chuyển từ tư duy phát triển nền nông nghiệp toàn diện sang tư duy nền nông nghiệp đa chức năng dựa trên lợi thế so sánh. Cần thoát khỏi cách suy nghĩ cố hữu về hoạt động sản xuất nông nghiệp, phải xác định nông nghiệp là ngành công nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm.

Đó là ý kiến của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho lãnh đạo tỉnh và các đơn vị chức năng liên quan tại Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển miền Tây Nghệ An đến năm 2020 tầm nhìn 2030”:

bna_quang_canh_hoi_thao_anh_thanh_cuong5071912_1962018

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thành Cường.

“Theo tôi, việc coi miền Tây là trọng điểm phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh là cần thiết và chính xác. Tôi không nói đến điểm mới mà nói đến vấn đề cũ trên  góc nhìn mới. Đó chính là sự hội nhập càng sâu sắc, các tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển và đang có một xu hướng dịch chuyển về tiêu dùng. Trên thế giới và cả trong nước, người tiêu dùng đang có xu hướng giảm dần nhu cầu sử dụng tinh bột, chuyển sang sử dụng chất hữu cơ, tăng cường rau quả. Tầng lớp trung lưu phát triển tạo ra xu hướng tiêu dùng với yêu cầu sạch hơn, an toàn hơn.

Ngay ở nước ta, tầng lớp trung lưu cũng đang đi theo sự lựa chọn đó. Đây chính là cơ hội để miền Tây Nghệ An với tiềm năng lợi thế về diện tích, thổ nhưỡng, con người, sản phẩm và các giá trị đặc hữu khác thực hiện cuộc cách mạng trong nông nghiệp nhằm đáp ứng các đòi hỏi của thị trường.

bna_truong_dinh_tuyen1007404_1962018

Theo ông Trương Đình Tuyển, khu vực miền Tây Nghệ An có 2 lợi thế so sánh nổi trội là du lịch và nông nghiệp. Cần phải biết đầu tư có chiều sâu và khai thác hai lợi thế này để phát triển kinh tế. Ảnh: Thành Cường

Chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng 4.0. Cuộc cách mạng này nó tạo ra nhiều cơ hội lớn và thách thức lớn. Chính vì vậy Nghệ An và miền Tây của tỉnh phải biết lựa chọn những lĩnh vực có lợi thế so sánh cao nhất, có tác động lan tỏa lớn nhất. Chúng ta không thể làm tất cả mọi thứ được vì nguồn lực chúng ta có hạn. Ở Việt Nam lợi thế so sánh là du lịch, nông nghiệp và công nghệ thông tin. Ở Nghệ An, 3 lợi thế so sánh này đều hội tụ đủ, riêng  khu vực miền Tây, 2 lợi thế so sánh nổi trội là du lịch và nông nghiệp. Cần phải biết khai thác hai mũi nhọn này của vùng.

Về nông nghiệp, theo tôi miền Tây Nghệ An phải phát triển sản xuất rau quả. Chúng ta biết rằng, năm 2017 Việt Nam xuất khẩu 3,6 tỷ USD rau quả, năm nay dự kiến đạt khoảng 4 tỷ USD. Tốc độ tăng xuất khẩu rau quả nhanh. Do đó miền Tây Nghệ An có nhiều lợi thế để phát triển rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm đặc sản như: cam, chanh leo, dứa, thanh long.

bna_cay_che_hoa_vang_o_huyen_que_phong_1883184_1962018

Cây chè hoa vàng trong môi trường tự nhiên ở huyện Quế Phong. Ảnh: Đào Tuấn

Đối với cây dược liệu, khu vực Tây Nghệ An cũng là vùng có lợi thế để phát triển. Hiện tại ở nước ta nhu cầu dược liệu lên đến 50-60 tấn/năm, trong khi đó sản xuất trong nước mới đạt 18 tấn/năm. Vùng Tây Nam có thể phát triển được các loại dược liệu đặc hữu như: tam thất, đông trùng hạ thảo, các loại sâm. Lãnh đạo các cấp cần có cách để tạo ra phong trào trồng dược liệu, nhất là phát triển dược liệu dưới tán rừng.

Đối với ngành chế biến gỗ, năm 2017, Việt Nam xuất khẩu các loại gỗ và đồ gỗ đạt giá trị 76 tỷ USD. Nhu cầu về gỗ trong nước và thế giới đang rất lớn. Trong khi đó, khu vực Tây Nghệ An lợi thế để phát triển rừng trồng, nhất là cây keo. Chu kỳ chăm sóc keo chỉ mất 4-5 năm đã có thể thu hoạch keo. Hiện nay Nghệ An có 2 nhà máy gỗ, và cần có chính sách để phát triển thêm doanh nghiệp chế biến gỗ.

Bên cạnh đó, để phát triển khu vực miền Tây xứ Nghệ cần phải lựa chọn những cây trồng công nghiệp chiến lược. Đó là chè, cà phê, cao su. Trong lĩnh vực chăn nuôi, khu vực Tây Nghệ An đặc biệt có tiềm năng phát triển đàn trâu, bò. Tuy nhiên để phát huy được giá trị cần phải mở rộng quy mô lớn hơn, trong đó khuyến khích mở rộng chăn nuôi theo hình thức công nghiệp.

Ngoài ra để nâng cao đời sống cho người dân cũng cần phát triển các làng nghề truyền thống và sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Nhất thiết phải gắn sản phẩm mỹ nghệ truyền thống của người dân và làng nghề với các doanh nghiệp để đưa ra thị trường. Trên cơ sở đó, sẽ tập trung đầu tư, phát triển du lịch, trong đó chú trọng du lịch cộng đồng, trải nghiệm.

Du khách đến đây họ có thể ăn, ở trong nhà dân và thử cùng làm các sản phẩm mà người dân đang làm. Phải hướng dẫn đồng bào các dân tộc thiểu số học tiếng Anh, biết nói tiếng Anh. Kinh nghiệm này có thể học hỏi ở vùng Tây Bắc ở nước ta như ở Sa Pa, Hà Giang…

bna_cay_chanh_leo_tren_vung_dat_tri_le_que_phong_anh_dao_tuan9538247_1962018

Cây chanh leo đã góp phần thay đổi đời sống của người dân xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Đào Tuấn

Về giải pháp theo tôi phải thay đổi về tư duy. Phải chuyển từ tư duy phát triển nền nông nghiệp toàn diện sang tư duy phát triển nền nông nghiệp đa chức năng và tất nhiên là phải dựa trên lợi thế so sánh. Trên cơ sở đó để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng.

Tại sao phải chuyển sang tư duy nông nghiệp đa chức năng, bởi vì trước hết phải đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, tiếp đến là chức năng cải tạo môi trường, cải tạo đất. Cần thay đổi tư duy về ngành nông nghiệp, phải xem đây là ngành công nghiệp sản xuất lương thực và thực phẩm. Lâu nay chúng ta vẫn nói về vấn đề cơ cấu kinh tế như: phấn đấu tỷ trọng nông nghiệp giảm bao nhiêu, công nghiệp, dịch vụ tăng bao nhiêu… điều này không sai nhưng giá trị không nhiều, bởi ranh giới của chúng đang mờ đi.

Hãy thử nhìn nhận và đánh giá Tập đoàn TH là doanh nghiệp công nghiệp hay nông nghiệp. Thực ra ở đây vừa là nông nghiệp, vừa công nghiệp, vừa dịch vụ, tất cả lồng ghép trong một chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Chính vì vậy tư duy cần phải thay đổi.

bna_ong_truong_dinh_tuyen4826673_1962018

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Trương Đình Tuyển cho rằng: Cần coi trọng chế biến nhất là chế biến nông sản nhưng không nên suy nghĩ cực đoan là thứ gì cũng đưa vào chế biến. Quan trọng là đảm bảo chất lượng và giá trị của sản phẩm. Ảnh: Thành Cường

Coi trọng chế biến nhất là chế biến nông sản nhưng không nên suy nghĩ cực đoan là thứ gì cũng đưa vào chế biến. Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo chất lượng và giá trị của sản phẩm. Một nguyên tắc là cái gì tươi thì ngon hơn và thị trường tiêu thụ rộng hơn.

Chúng ta muốn thưởng thức quả cam tươi hơn hay là uống nước cam, nhất là cam đóng chai, đóng hộp? Công nghiệp chế biến với những nông sản cụ thể ở đây là nhằm bảo quản sản phẩm, vì tươi thì không phải lúc nào cũng có mà phải theo thời vụ thu hoạch. Muốn được như vậy thì phải đầu tư công nghệ cao.

Chúng ta sử dụng công nghệ blockchain để kiểm soát chất lượng sản phẩm. Sản phẩm từ trồng đến bảo quản, chế biến, lưu thông phân phối đều tuân thủ quy trình blockchain. Blockchain theo cách nói của tôi, là một chuỗi các hành động diễn ra một cách liên tục theo thời gian thực được số hóa và ghi lại để tất cả mọi người có nhu cầu đều có thể kiểm soát một cách chính xác mà không cần kiểm chứng của bên thứ hai, thứ ba.

Công nghệ này rất quan trọng trong việc truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng và không chỉ cần cho sản xuất rau củ quả mà còn trong lĩnh vực chế biến gỗ, chế biến các sản phẩm nói chung”…

Theo: NPV (Báo Nghệ An)

Bài viết cùng chuyên mục