CN, 24/10/2021 6:37 chiều | Duy An

Ngay sau khi vừa thanh lý hợp đồng với Thế Giới Di Động, một chủ nhà tại TP.HCM đã có ngay khách thuê mới với giá cao hơn 20%.

Theo tạp chí Tri thức trực tuyến, vụ lùm xùm thuê mặt bằng của Thế Giới Di Động (TGDĐ) với chủ nhà tại số 160A Trần Phú (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đã đi đến hồi kết.

Theo đó, ông Trần Kỷ Mùi, một trong các chủ nhà phản ứng gay gắt với chính sách giảm giá thuê với TGDĐ, đã thanh lý hợp đồng và có ngay đối tác thuê mới sau đó với giá cao hơn 20%.

Cái tên mới này là Công ty FPT Retail (cụ thể là FPT Pharma – đơn vị vận hành nhà thuốc Long Châu). FPT Retail chính là đối thủ trực tiếp và lớn nhất của Đầu tư TGDĐ trong ngành bán lẻ hàng công nghệ và dược phẩm.

TGDĐ còn chưa kịp dọn đi, biển hiệu nhà thuốc Long Châu FPT đã được treo lên mặt bằng. Ảnh: NVCC

Tờ Tuổi trẻ dẫn lời chia sẻ của ông Mùi, cho biết theo hợp đồng thanh lý thì TGDĐ sẽ chính thức dọn đi vào ngày 15/11. Chưa đầy hai tuần sau, tức vào ngày 27/11, nhà thuốc Long Châu FPT sẽ chính thức thế chỗ.

Trước đó, nhiều chủ nhà cho biết nếu TGDĐ thương lượng thì có thể giảm 50% tiền thuê mặt bằng trong thời gian đóng cửa do thực hiện chỉ thị 16.

Tuy nhiên, những tháng gần đây TGDĐ lại phản ứng bằng cách liên tục đưa ra các công văn thông báo và tự ý giảm 70-100% tiền thuê nhà dù chưa thương lượng. Việc bên thuê tự cấn trừ khoản đã thanh toán vào các tháng tiếp theo cũng khiến nhiều chủ nhà bỗng trở thành “con nợ”.

Sau những căng thẳng kéo dài liên quan đến kiến nghị được miễn/giảm tiền thuê trong bối cảnh đại dịch, đến ngày 18/10 ông Mùi đã chấp nhận thanh lý hợp đồng. Đồng thời cá nhân này cũng hoàn trả 12,5 triệu đồng tiền thuê trả trước chưa sử dụng theo như yêu cầu từ TGDĐ và tìm kiếm đối tác mới.

Một chủ nhà khác ở TP.HCM tiết lộ, thời gian gần đây TGDĐ liên tục cử người để thương lượng online với các chủ cho thuê mặt bằng. Tuy nhiên, chủ nhà cho biết vì TGDĐ vẫn cho rằng họ đứng “cửa trên”, cộng thêm việc chứng kiến cách hành xử theo kiểu áp đặt, xem thường đối tác, nên quyết định “Thà thanh lý hợp đồng, đau một lần rồi thôi, còn hơn âm ỉ”.

Theo Hoa Vũ (Đời sống & Pháp luật)

Bài viết cùng chuyên mục